Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở phụ nữ: Mất chiều cao có thể là dấu hiệu của nguy cơ

  • Mất dần chiều cao là hiện tượng bình thường ở cả nam và nữ, bắt đầu vào khoảng 50 tuổi và tăng tốc từ khoảng 60 tuổi trở đi.
  • Một nghiên cứu theo dõi phụ nữ Bắc Âu đã cho thấy rằng tình trạng giảm chiều cao đáng kể ở tuổi trung niên có liên quan đến việc nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng gấp hai lần.
  • Các tác giả đề xuất rằng bác sĩ có thể sử dụng dấu hiệu giảm chiều cao trong khoảng từ 20 đến 60 tuổi để xác định những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ.
  • Nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa sự khởi đầu của mất chiều cao.

Mọi người có xu hướng duy trì chiều cao từ cuối tuổi dậy thì cho đến hơn 50 tuổi. Sau đó chiều cao bắt đầu giảm từ từ.

Nguyên nhân của hiện tượng giảm chiều cao bao gồm:

  • đĩa đệm giữa các đốt sống bị co lại;
  • cột sống bị nén do loãng xương;
  • lão hóa làm thay đổi tư thế.

Hiện tượng giảm chiều cao tăng tốc từ khoảng 60 tuổi.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người giảm nhiều chiều cao rất có khả năng mắc tình trạng mật độ khoáng xương thấp, gãy đốt sống và thiếu vitamin D.

Điều thú vị là những người sống ở vĩ độ cao hơn dễ bị gãy xương do loãng xương, nguyên nhân có thể do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hơn.

Da cần ánh nắng mặt trời để tạo ra vitamin D và giúp xương chắc khỏe.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc giảm chiều cao nhanh chóng ở cả nam và nữ có mối liên hệ với tỷ lệ tử vong nói chung lớn hơn và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

“Dường như bệnh tim mạch và loãng xương có mối liên hệ,” trích lời Tiến sĩ Nieca Goldberg, bác sĩ tim mạch tại Trường Y Đại học New York, Giám đốc y tế của Chương trình Trái tim Phụ nữ thuộc Đại học New York.

Đại diện cho Hiệp hội Tim mạch Mỹ, Tiến sĩ Goldberg phát biểu rằng cơ chế sinh lý đằng sau mối liên hệ này vẫn chưa rõ ràng.

Bà nói: “Có thể sự ốm yếu và giảm sức chịu đựng là một dấu hiệu của nguy cơ mắc bệnh tim mạch.”

Bà nói thêm rằng ít hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương và yếu cơ, dẫn đến té ngã và tàn tật.

Bà cũng nói: “Đi bộ nhanh có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa mất xương.”

Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở phụ nữ

Mất chiều cao tuổi trung niên

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu về mối liên hệ giữa giảm chiều cao và bệnh tim mạch đều về người lớn tuổi, và không có nghiên cứu nào chỉ tập trung vào phụ nữ.

Điều này thật đáng ngạc nhiên vì phụ nữ có xu hướng giảm chiều cao nhiều hơn nam giới và có nguy cơ loãng xương cao hơn.

Để tìm hiểu vấn đề rõ hơn, các nhà khoa học tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển đã xác định xem liệu giảm chiều cao ở tuổi trung niên có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ tử vong nói chung và tử vong do tim mạch ở phụ nữ hay không.

Họ đã phân tích dữ liệu từ hai nghiên cứu theo dõi sức khỏe của phụ nữ ở Đan Mạch và Thụy Điển trong vài thập kỷ.

Ngay cả sau khi tính đến cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như cân nặng, hút thuốc, hoạt động thể chất, uống rượu và giáo dục, các nhà nghiên cứu vẫn phát hiện nguy cơ tử vong lớn bất thường liên quan đến mất chiều cao.

Họ chỉ ra rằng mỗi centimet chiều cao bị mất ứng với 14% nguy cơ tử vong tăng thêm vì bất cứ nguyên nhân nào đối với nhóm đối tượng nghiên cứu ở Thụy Điển và 21% với nhóm ở Đan Mạch.

Khi các nhà nghiên cứu kết hợp dữ liệu từ hai nhóm, họ phát hiện ra rằng việc giảm chiều cao đáng kể –tức là hơn 2 centimet theo họ định nghĩa – có mối liên hệ với việc tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ.

Điều quan trọng là phân tích của họ giúp khẳng định gợi ý của những nghiên cứu khác, rằng hoạt động thể chất thường xuyên có thể phòng tránh tình trạng mất chiều cao ở phụ nữ sau mãn kinh.

Các tác giả kết luận: “Các phát hiện này cho thấy chúng ta cần chú ý hơn đến vấn đề mất chiều cao để xác định những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.”

Xương và mạch máu

Các nhà nghiên cứu tin rằng mất chiều cao và bệnh tim mạch kết nối với nhau qua mối quan hệ giữa loãng xương và bệnh tim mạch.

Một bài tổng quan nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mật độ khoáng xương thấp với gãy xương và nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này.

Có một mối quan hệ chặt chẽ đáng ngạc nhiên giữa loãng xương và một quá trình được gọi là vôi hóa mạch máu, tức là sự tích tụ canxi trong các mạch máu.

Cả hai quá trình này đều liên quan đến tình trạng viêm và mất cân bằng oxy hóa.

Trong nghiên cứu kể trên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng loãng xương có thể giải thích mối liên hệ giữa việc giảm chiều cao và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Sofia Klingberg, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Mật độ khoáng xương thấp và chứng loãng xương chắc chắn có thể giải thích phần nào nguyên nhân dẫn đến mất chiều cao.”

Bà nói: “Hơn nữa, y văn đã cho thấy mối liên hệ giữa loãng xương và bệnh tim mạch là thông qua các nguyên nhân phổ biến, chẳng hạn như viêm và mất cân bằng oxy hóa.”

Bà cho biết việc đo chiều cao có thể là một cách đơn giản và nhanh chóng để phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm về việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ.

Bà nói thêm: “Đo chiều cao nên được thực hiện nhưng không thay thế cho các bước đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch, bao gồm kiểm tra cân nặng và huyết áp, cùng với xét nghiệm cholesterol và glucose.

Bà kết luận rằng xét nghiệm máu có thể cho biết nồng độ vitamin D, một chất rất quan trọng đối với hấp thụ canxi và giúp duy trì mật độ khoáng của xương

Hạn chế của nghiên cứu

Các tác giả của nghiên cứu trên nhấn mạnh rằng công trình của họ có một số hạn chế.

Cụ thể, họ nêu ra rằng số người chết do đột quỵ là tương đối thấp, vì vậy những kết quả này nên được diễn giải thận trọng.

Ngoài ra, các tác giả cũng nói rằng họ không thể loại trừ khả năng kết quả bị ảnh hưởng từ các yếu tố không được đo lường trong nghiên cứu như hoạt động thể chất, hút thuốc lá sớm, các bệnh khác và điều trị y tế.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng việc chú ý nhiều hơn đến tình trạng mất chiều cao – đặc biệt là ở phụ nữ – có thể giúp các nhân viên y tế xác định những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nguồn Medical News Today