Có thể bạn chưa biết: Ruột – bộ não thứ hai đang áp đảo bộ não thứ nhất

Trong bài viết dưới đây, tác giả cuốn sách “Chất xơ diệu kỳ” – bác sĩ Will Bulsiewicz sẽ kể cho bạn nghe về cách mà ruột – bộ não thứ hai của loài người liên hệ và hoạt động như thế nào để áp đảo được bộ não thứ nhất.

Chất xơ diệu kỳ

Ruột – bộ não thứ hai của loài người

Não ở đằng trên. Ruột ở đằng dưới. Và hầu hết mọi người sẽ cho rằng hai cơ quan này là hai thực thể riêng biệt, não làm trung tâm chỉ huy, còn ruột chỉ là thứ giúp bạn hấp thu dinh dưỡng và đại tiện. Tất nhiên theo cách phân ngôi thứ thông thường thì não sẽ đứng hàng đầu. Nhưng kiểu phân cấp này gần đây đã bị lu mờ đôi phần vì chúng ta đã khám phá ra rằng ruột là một hệ thần kinh riêng biệt và được đặt tên là “bộ não thứ hai” hay “hệ thần kinh ruột”.

Có thể đây là lần đầu tiên bạn liên hệ theo cách này, nhưng sức khỏe của não kỳ thực bắt nguồn từ ruột – bởi vì chúng liên tục giao tiếp với nhau. Ngay khi bạn đang đọc những dòng này, đã có hơn năm trăm triệu dây thần kinh ở ruột của bạn đang gửi tín hiệu phản hồi đến não qua dây thần kinh phế vị. Tức là nhiều gấp năm lần số dây thần kinh trong tủy sống. Quả là một khối thông tin khổng lồ!

Ruột - bộ não thứ hai của loài người

Nhưng đó mới chỉ là điểm bắt đầu. 

Vi khuẩn ruột có thể giao tiếp với não nhờ hệ miễn dịch và thông qua việc giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh, các hormone và các phân tử tín hiệu. Những chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine quyết định lớn đến tâm trạng, mức năng lượng, động lực, và cảm giác được đền đáp của chúng ta. Vi khuẩn ruột vừa sản xuất, vừa hồi đáp với các hormone thần kinh như serotonin, dopamine, GABA (axit γaminobutyric), và norepinephrine. 

Trên thực tế, 90% lượng serotonin và 50% lượng dopamine trong cơ thể thực ra do ruột sản xuất. Các tiền chất của serotonin và dopamine có thể vượt qua hàng rào máu não để biến đổi tâm trạng và hành vi của chúng ta. Nói ngắn gọn, serotonin do ruột sản xuất có thể ảnh hưởng đến vận động ruột, tâm trạng, cảm giác ngon miệng, giấc ngủ, và chức năng của não.

Mà đó mới chỉ là serotonin. Trong khi, ruột của bạn còn sản xuất hơn hai mươi chín chất dẫn truyền thần kinh khác. Ở một bài viết khác, chúng ta sẽ phân tích một trong những cách tác động chính yếu của ruột để cải thiện sức khỏe não bộ – thông qua các axit béo chuỗi ngắn. Một hệ khuẩn ruột khỏe mạnh có khả năng tác động vượt cả hàng rào máu não để duy trì cho ta một trí óc sắc bén, năng lượng dồi dào, và tinh thần thư thái. Nhưng ngược lại, người ta cũng thấy những tổn hại ở hệ khuẩn ruột có liên quan đến bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, chứng đau nửa đầu, mệt mỏi mãn tính, tự kỷ và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Khi mà ruột là trụ sở của các chất dẫn truyền thần kinh này, thì bạn sẽ dễ nhận thấy một trục trặc ở ruột có thể gây ra những vấn đề tâm thần như trầm cảm và lo âu như thế nào. Điều mà bác sĩ Will Bulsiewicz ngày nào cũng chứng kiến ở phòng khám của mình. Chẳng hạn, có vô số trường hợp người mắc hội chứng ruột kích thích đồng thời cũng thường xuyên lo âu và xuống tinh thần. Và trong suốt một thời gian dài chúng ta đã gọi sai tên vấn đề của những bệnh nhân này. Chúng ta đã không hiểu rằng căn nguyên của trạng thái lo âu hoặc vui buồn thất thường đó có thể là một vấn đề ở dạ dày-ruột.

Ruột có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng và hành động của con người

 Giờ thì ta biết rõ những hư hại hoặc biến đổi ở hệ khuẩn ruột sẽ gây mất cân bằng serotonin, do đó làm biến đổi tâm trạng và vận động ruột. Kết cục là bệnh nhân vừa dễ lo âu vừa mắc chứng ruột kích thích. Một trong các cố vấn của bác sĩ Will Bulsiewicz là tiến sĩ Douglas Drossman suốt nhiều thập kỷ qua vẫn luôn đi đầu trong công cuộc nghiên cứu nhằm làm rõ mối liên hệ quan trọng này.

Chúng ta cũng đã phát hiện thấy ở các bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, chức năng của năm trăm triệu dây thần kinh ruột đã bị biến đổi. Đây là tình trạng “quá mẫn nội tạng”, tức là ở những người này, ngay cả những kích thích vốn thường được xem là không đáng kể cũng có thể khiến họ buồn nôn, đau bụng hoặc khó chịu ở ruột. Chẳng hạn, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thường cho rằng họ bị đầy hơi, nhưng thực ra không phải như vậy. Cơ thể họ vẫn chỉ cho ra đúng lượng hơi bình thường, có điều họ phản ứng với nó khác đi – do nội tạng mẫn cảm quá mức.

Ruột có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng và hành động của con người

Ngay cả hành vi của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng từ ruột. 

Có bằng chứng gợi ý rằng vi khuẩn ruột kiểm soát cảm giác thèm một thứ gì đó của chúng ta. Bạn đã bao giờ đi chơi xa vài ngày rồi bỗng nóng lòng muốn về nhà để thưởng thức những món quen thuộc? Đó là khi hệ khuẩn của bạn lên tiếng. Trên thực tế, vi khuẩn ruột có thể gạt phăng lợi ích của chúng ta vì ích lợi của chúng bằng cách thao túng hành vi ăn uống của chúng ta – một số muốn chúng ta ăn đường và chất béo, vốn có hại cho chúng ta nhưng có lợi cho chúng! Vì sức khỏe của mình, chúng có thể bán đứng sức khỏe của chúng ta.

 Bạn biết đấy, một số người phát điên vì chocolate trong khi số khác “ăn cũng được, không ăn cũng được”. Chà, kỳ thực nhóm đầu tiên đã có các chất chuyển hóa của vi khuẩn trong nước tiểu khác với nhóm thứ hai, dù cả hai nhóm tuân thủ một chế độ ăn giống hệt nhau. Những chất chuyển hóa đó có thể là tín hiệu điều khiển bạn thèm chocolate, và từ đây dấy lên một câu hỏi: phải chăng chúng ta chỉ là cái xác sống phục vụ mệnh lệnh của những ông chủ vi khuẩn? Phải chăng tâm hồn của chúng ta đã bị đám khuẩn ruột quỷ quyệt đoạt mất? TRỜI ƠI!

Chà, điều này có thể sẽ khiến bạn sợ chết khiếp. Nhưng hãy nhớ bạn là một sinh vật mang ý chí tự do. Hãy nhớ rằng bạn được lựa chọn mình ăn gì, nuốt gì, và những lựa chọn ấy mới quyết định sức khỏe hệ khuẩn ruột cũng như toàn cơ thể bạn. Quan trọng hơn, cơn thèm ăn và chồi vị giác của bạn có thể thay đổi; bạn có thể luyện cho ruột mình biết yêu thích những thứ có lợi. 

Những lợi ích của các chế độ ăn kiêng khem như paleo và keto đã được tung hộ trong suốt thập kỷ vừa qua, nhưng bác sĩ Will Bulsiewicz, còn gọi là “Bs. B” – chuyên gia về tiêu hóa – đã hé lộ trong cuốn sách “Chất xơ diệu kỳ”, những nghiên cứu về hệ khuẩn ruột cho thấy rõ ràng rằng những chế độ ăn kiêng khem đó không hề tốt cho sức khỏe. Điều mà các nghiên cứu hé lộ – và cũng là điều mà Bs. B nỗ lực truyền đạt cho người bệnh của ông – đó là sức khỏe hệ tiêu hóa mới là chìa khóa để cải thiện tiêu hóa, cân bằng hormone và điều hòa sự viêm nhiễm là nguyên nhân của hàng loạt bệnh tật. Và phương pháp được khoa học chứng minh có thể cải thiện sức khỏe đường ruột của chúng ta chính là chất xơ trong thực phẩm ta ăn hằng ngày.