Con người thay đổi như thế nào?

Có vô vàn lý thuyết liên quan đến các giai đoạn trong tâm lý học, nguyên nhân thì chắc chắn là do chúng có trật tự, sự mạch lạc và khả năng dự đoán rất hấp dẫn. Ai đã từng tham gia một khóa nhập môn về tâm lý học đều có thể bắt gặp các mô hình giai đoạn phát triển được xây dựng bởi các nhà tâm lý học Freud, Jung, Erikson, Piaget và Maslow.

Nhưng có một mô hình giai đoạn tôi luôn khắc cốt ghi tâm mỗi phút giây trong từng phiên trị liệu – các giai đoạn của sự thay đổi. Nếu việc trị liệu có mục đích dẫn dắt người ta đi từ vị trí hiện tại đến nơi họ muốn đến, chúng ta phải luôn cân nhắc: Con người thật sự thay đổi như thế nào?

Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý

Vào những năm 1980, nhà tâm lý học James Prochaska đã phát triển mô hình xuyên lý thuyết về thay đổi hành vi (TTM) dựa trên nghiên cứu cho thấy mọi người thường không “cứ làm đi,” như câu khẩu hiệu quảng cáo của hãng Nike (hay lời quyết tâm đặt ra cho năm mới), thay vào đó, họ có xu hướng đi qua một loạt các chuỗi giai đoạn như thế này:

Giai đoạn 1: Tiền suy ngẫm;

Giai đoạn 2: Suy ngẫm;

Giai đoạn 3: Chuẩn bị;

Giai đoạn 4: Hành động;

Giai đoạn 5: Duy trì.

Ví như bạn muốn thay đổi – tập thể dục nhiều hơn, kết thúc một mối tình, hoặc thậm chí thử đi trị liệu lần đầu tiên. Trước khi bạn đạt đến điểm đó, bạn đang ở giai đoạn đầu tiên, tiền suy ngẫm, nghĩa là bạn thậm chí không nghĩ đến việc thay đổi. Một số nhà trị liệu có thể quy chụp việc này với sự phủ nhận, nghĩa là bạn không nhận ra mình có thể có vấn đề. 

Khi Charlotte lần đầu đến gặp tôi, cô biểu hiện mình là một người uống rượu để xã giao; tôi nhận ra rằng cô đang trong giai đoạn tiền suy ngẫm khi cô nói về xu hướng tự điều trị bằng đồ uống có cồn của mẹ mình nhưng không nhìn ra bất kỳ mối liên hệ nào với việc sử dụng đồ uống có cồn của chính mình. Khi tôi chất vấn cô về điểm này, cô im bặt, trở nên cáu gắt (“Người tầm tuổi tôi ra ngoài chơi bời và chè chén!”), hoặc chơi trò “đánh trống lảng,” đánh lạc hướng khỏi vấn đề bằng cách nêu ra một vấn đề khác. (“Đừng để ý đến X, còn Y thì sao?”)

Tất nhiên, các nhà trị liệu không phải người đi thuyết phục. Chúng tôi không thể thuyết phục một người bị chứng biếng ăn bắt đầu ăn. Chúng tôi không thể thuyết phục một người nghiện rượu ngừng uống. Chúng tôi không thể thuyết phục người ta ngừng tự hủy hoại bản thân mình, vì trong hiện tại, việc tự hủy hoại thỏa mãn họ. Những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng giúp họ hiểu rõ hơn về bản thân và chỉ cho họ cách tự vấn bằng những câu hỏi phù hợp cho đến khi có điều gì đó chuyển biến – bên trong hoặc bên ngoài – khiến họ tự thuyết phục được bản thân.

Tai nạn xe hơi của Charlotte và việc bị phạt do lái xe trong tình trạng có hơi men chính là điều đã đưa cô ấy vào giai đoạn tiếp theo, suy ngẫm.

Suy ngẫm luôn tràn đầy mâu thuẫn. Nếu tiền suy ngẫm là chối bỏ, thì suy ngẫm có thể được quy đồng với thái độ kháng cự. Ở giai đoạn này, người đó nhận ra vấn đề, sẵn sàng nói về vấn đề và không phản đối (về lý thuyết) việc phải hành động nhưng dường như không thể buộc mình bắt tay vào hành động. Vì vậy, trong khi Charlotte lo lắng về án phạt do lái xe trong tình trạng có hơi men và tấm trát buộc cô phải tham gia vào một chương trình cai nghiện sau đó – mà cô miễn cưỡng tham dự, chỉ sau khi không tham gia khóa học kịp thời và phải thuê một luật sư (với chi phí lớn) để nới dài thời hạn – cô vẫn không sẵn sàng thực hiện bất kỳ thay đổi nào với tình trạng rượu chè của bản thân.

[…]

Charlotte nói về việc cố gắng “tiết chế” rượu chè, về việc uống hai thay vì ba ly rượu mỗi đêm hoặc bỏ qua màn cốc-tai vào bữa sáng-trưa-dồn-một nếu cô lại sẽ uống vào bữa tối (và dĩ nhiên cả sau bữa tối nữa). Cô có thể hiểu được vai trò của rượu trong cuộc sống của mình, tác động giải tỏa lo âu của rượu, nhưng không thể tìm ra cách nào khác để kiểm soát cảm xúc, ngay cả khi dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần.

Để hỗ trợ về chứng lo âu của cô, chúng tôi quyết định bổ sung thêm một buổi trị liệu thứ hai mỗi tuần. Trong thời gian này, cô uống ít hơn và trong một khoảng thời gian, cô tin rằng như thế là đủ để kiểm soát lượng uống của bản thân. Nhưng việc đến trị liệu hai lần một tuần cũng làm phát sinh vấn đề của chính nó – Charlotte một lần nữa tin rằng cô nghiện tôi – vì vậy cô trở lại lịch trị liệu một tuần một lần. Trong một thời điểm thích hợp (giả sử, sau khi cô đề cập đến việc say bí tỉ tại một cuộc hẹn hò), tôi đưa ra ý kiến về chương trình điều trị ngoại trú, cô đã lắc đầu.

Không đời nào.

“Những chương trình đó khiến người ta cự tuyệt rượu hoàn toàn,” cô nói. “Tôi muốn mình vẫn có thể nhâm nhi một ly vào bữa tối. Còn gì là lịch thiệp xã giao khi mình không uống trong khi mọi người đều uống.”

“Say xỉn thì cũng đâu lịch thiệp xã giao gì,” tôi nói và cô trả lời “Ừ, nhưng tôi đang giảm bớt rồi.” Ở thời điểm ấy thì đó là sự thật; cô quả có giảm bớt. Và cô lùng sục tìm hiểu về chứng nghiện rượu trên mạng, vậy là cô ở giai đoạn ba: chuẩn bị. Đối với Charlotte, thật khó để thừa nhận cả đời cô đang chiến đấu với bố mẹ mình: “Con sẽ không thay đổi, bố mẹ ơi, cho đến khi mọi người đối xử với con theo cách con mong muốn.” Cô mặc cả trong tiềm thức rằng sẽ chỉ thay đổi thói quen của mình với điều kiện bố mẹ cô cũng thay đổi thói quen của họ, quả là thỏa thuận đôi bên cùng bị tổn hại nếu trên đời thật sự có loại thỏa thuận như thế. Thực tình, mối quan hệ của cô với bố mẹ không thể thay đổi cho đến khi cô mang đến một luồng gió mới cho nó.

Hai tháng sau, Charlotte tung tẩy bước vào, trút đồ đạc trong túi ra đặt lên thành ghế và nói: “Này, tôi có một câu hỏi.” Cô hỏi liệu tôi có biết chương trình điều trị nghiện rượu ngoại trú nào tốt không? Cô đã bước vào giai đoạn bốn: hành động.

Trong giai đoạn hành động, Charlotte ngoan ngoãn tham gia chương trình cai nghiện một tuần ba lần vào buổi tối, lấp vào lịch trình uống rượu hằng tuần của cô vào thời gian đó. Cô ngừng uống hoàn toàn.

Tất nhiên mục tiêu là đi đến giai đoạn cuối cùng: duy trì; nghĩa là người đó duy trì được sự thay đổi trong một thời gian đáng kể. Như thế không phải là không có người tái nghiện, như trong game Rắn và Thang. Căng thẳng hoặc một số tác nhân nhất định đối với hành vi cũ (một nhà hàng nào đó, bạn nhậu cũ gọi điện rủ rê) có thể dẫn đến kết quả ngựa quen đường cũ. Giai đoạn này rất khó khăn vì những hành vi mọi người muốn điều chỉnh đã ăn vào hơi thở cuộc sống hằng ngày của họ; những người bị mắc các chứng nghiện (dù nghiện chất kích thích, chuyện thị phi, tính tiêu cực hoặc lối sống tự hủy hoại) có xu hướng giao du với những người nghiện khác. Nhưng ở thời điểm một người đang duy trì, người đó thường có thể hồi tâm chuyển hướng nếu được hỗ trợ phù hợp.

Không uống rượu vang hay vodka, Charlotte đã có thể tập trung tốt hơn; trí nhớ được cải thiện và cô cảm thấy đỡ mệt mỏi, có nhiều động lực hơn. Cô nộp đơn học cao học. Cô tham gia vào một tổ chức từ thiện vì động vật mà mình vẫn luôn đam mê. Lần đầu tiên trong đời, cô cũng có thể trò chuyện với tôi về mối quan hệ khó khăn với mẹ mình và bắt đầu tương tác với bà một cách bình tĩnh hơn, ít chống đối hơn. Cô né những “người bạn” rủ cô ra ngoài làm một ly mừng sinh nhật – “Vì cậu chỉ sang tuổi 27 có một lần trong đời thôi, phải không nào?” Thay vào đó, cô đón sinh nhật với một nhóm bạn mới, họ nấu món ăn cô yêu thích và nâng ly chúc mừng với đủ kiểu đồ uống không cồn đầy sáng tạo.

Trích từ cuốn sách “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý” – Lori Gottlieb