Những việc cần làm ngay khi nhận chẩn đoán ung thư

Hãy nhớ rằng đây là thời kỳ tâm trí không được ổn định. Vì thế, hãy hỏi thêm người thân trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Khi có kế hoạch điều trị rõ ràng hơn, có nhiều thông tin hơn, bạn sẽ có thể thích ứng với thực trạng và bình tĩnh phối hợp điều trị.

1. Giữ bình tĩnh khi có nghi ngờ bệnh ung thư

Tại Việt Nam vẫn còn tình trạng bệnh nhân cầm giữ và “tự đọc” kết quả xét nghiệm TRƯỚC KHI nghe tư vấn từ bác sĩ.

Điều này hay làm bệnh nhân và gia đình hoang mang vì không thể hiểu hết ý nghĩa của những ký tự và thông tin trong những tờ giấy đó.

Một ví dụ hay gặp là các từ viết tắt “N/n” hoặc “T/d” ung thư trong hồ sơ. Chúng chỉ có nghĩa là “nghi ngờ” hoặc “theo dõi”, tức bác sĩ chỉ mới nghĩ tới và muốn đánh giá thêm nhưng rất nhiều người đã vội vã khẳng định luôn “đã bị ung thư!” và “xoắn như chong chóng”. Trong tình huống này, xin chớ quên rằng “Ba mươi chưa phải là Tết”.

Chẩn đoán ung thư là chẩn đoán quan trọng, phức tạp và cần có sự kết hợp nhiều loại xét nghiệm chuyên sâu, đặc biệt là sinh thiết và giải phẫu bệnh, tức phải lấy mẫu mô (bệnh phẩm) từ người bệnh nhân soi dưới kính hiển vi để chắc chắn có ung thư trong đấy. Vì thế, những thông tin như có khối u trên hình chụp CT hoặc siêu âm, tăng chỉ số khối u… chỉ có giá trị tham khảo và
hầu hết đều phải sinh thiết để khẳng định chẩn đoán.

Có rất nhiều tình huống bác sĩ nghi ngờ nhưng rốt cuộc là bệnh khác chứ không phải ung thư. Việc lo lắng quá mức thường chỉ mang lại cảm giác tiêu cực, mất ăn mất ngủ cho người bệnh chứ không làm thay đổi kết quả sẽ đến.

Vì chẩn đoán ung thư ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người bệnh và làm xáo trộn cuộc sống của cả gia đình, các bác sĩ phải dành thời gian đắn đo suy nghĩ, đôi khi phải qua hội chẩn đa chuyên khoa mới có thể chắc chắn về kết luận cuối cùng. Các bác sĩ mà còn phải thận trọng như vậy thì không cớ gì chúng ta lại nôn nóng ra những quyết định vội vàng.

Giữ bình tĩnh khi có nghi ngờ bệnh ung thư là một trong những việc cần làm ngay khi nhận chẩn đoán ung thư

2. Việc cần làm đầu tiên là tìm hiểu về căn bệnh của mình

Ngay khi nhận tin xấu về chẩn đoán ung thư, việc giữ bình tĩnh để nghe kỹ thông tin chi tiết về bệnh trạng và kế hoạch điều trị là rất khó. Điều này là dễ hiểu vì sốc tâm lý đang làm bệnh nhân hoang mang hoặc ở tâm trạng muốn phủ định mọi việc. Việc hẹn lại bác sĩ để nghe giải thích vào một ngày khác, khi có người thân đi kèm rất hữu ích vì lúc đó bạn sẽ bình tĩnh hơn.

Khi đó, bạn nên viết lại ngắn gọn những thông tin thu nhận được vào một tờ giấy nhỏ. Bạn nên viết ra xem “Tôi hiểu như thế nào về căn bệnh của mình” chứ không chỉ ghi lại “những điều bác sĩ đã giải thích”. Hiểu biết đúng về căn bệnh ung thư của mình là điều rất quan trọng.

3. Thu thập thông tin cần thiết cho mình

Thông thường, từ khi nhận chẩn đoán ung thư tới khi bắt đầu điều trị bệnh nhân phải trải qua thêm vài lần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh, thậm chí phải nhập viện để khảo sát kỹ lưỡng hơn. Nhiều bệnh nhân nôn nóng hỏi tại sao không được chữa trị ngay. Thật ra, nên nhớ rằng điều trị ung thư là một quá trình phức tạp và bác sĩ cần thận trọng “cá nhân hóa” chương trình điều trị cho mỗi người bệnh của mình. Ung thư thường xuất hiện thầm lặng trong cơ thể 3-4 năm, có khi là từ 10 năm trước, nên việc chờ thêm 2-4 tuần cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết quả điều trị. Ngược lại, việc vội vã khởi động điều trị khi chưa rõ về căn bệnh và người bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Vì thế, trong thời gian lên kế hoạch điều trị này, hãy thu thập thông tin về bệnh trạng của mình và tìm hiểu cách chăm sóc và điều trị “tiêu chuẩn” trong tình huống đó. Việc chuẩn bị tốt về mặt thông tin thường giúp bệnh nhân sẵn sàng hơn và tự tin hơn khi bắt đầu điều trị.

Tuy nhiên, cũng có người cần nhiều thời gian hơn để chấp nhận sự thật về căn bệnh. Khi đó, hãy nhờ người thân và bạn bè thu thập và quản lý thông tin. Việc lên nhóm Facebook Hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Y học Cộng đồng để hỏi thăm kinh nghiệm cũng là một lựa chọn tốt.

4. Thiết lập nhóm hỗ trợ cho mình

Khi điều trị bệnh ung thư, bạn như đang tham gia vào một cuộc chạy việt dã mà chính bạn là vận động viên, y bác sĩ là huấn luyện viên còn người thân, bạn bè xung quanh là những người cổ vũ. Điều trị ung thư cũng có mục tiêu như trong việt dã, nhưng mục tiêu này sẽ có thể thay đổi theo thời gian và tình huống thực tế. Điều quan trọng ở đây là ai cũng sẽ cố gắng chạy càng xa càng tốt.

Điều trị ung thư thường tốn thời gian, có thể ảnh hưởng lên công việc và gia đình. Vì thế, một số bệnh nhân có thể phải tìm người thay thế tạm thời vai trò của mình trong công ty hoặc tại nhà. Việc này thường cần đối thoại và thời gian, nhưng khi thu xếp xong xuôi sẽ giúp người bệnh yên tâm hơn nhiều trước khi bắt đầu điều trị.

Đối với nhiều người, việc phải để ai đó làm thay công việc của mình có thể tạo nên cảm giác bất lực và hụt hẫng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều trị ung thư cần thể lực và tinh thần ổn định Tập trung vào việc trước mắt là điều trị và nghỉ dưỡng để có kết quả tốt đã, sau đó ta có thể trở lại với những việc phù hợp với thể trạng của mình.

Điều trị ung thư cũng như một cuộc chạy việt dã
Điều trị ung thư cũng như một cuộc chạy việt dã – ảnh minh họa: Huyền Linh

Hãy nhớ rằng chúng ta ai cũng phải dựa vào người khác. Con người có lúc này lúc kia và việc nhận hỗ trợ của người xung quanh, vào một thời điểm nhất định là điều rất tự nhiên. Vì thế, đừng “ôm cục lo” cho riêng mình mà hãy biết tìm cộng sự san sẻ. Về lâu dài, điều này có ích cho cả những người thân của bạn. Đây cũng là cách mà nhiều bệnh nhân và người thân của họ đã cùng vượt qua căn bệnh.

Trích cuốn sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” – TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh