Hiểu cách suy nghĩ của bác sĩ khi điều trị bệnh ung thư

Điều trị tốt là phương tiện giúp bệnh nhân đạt được mục tiêu chung như sống lâu và thoải mái với chi phí hợp lý nhất. Điều trị tiêu chuẩn là điều trị có hiệu quả chắc chắn nhất với độ tin cậy cao nhất mà nhân loại từng biết tới. Bác sĩ sẽ cân nhắc xem điều trị nào là phù hợp nhất với tình trạng sức khoẻ, nguyện vọng và khả năng tài chính của bạn.

Nếu bệnh nhân là “tuyển thủ” chạy việt dã thì bác sĩ chính là “huấn luyện viên” quan trọng của người bệnh. Để có thành tích tốt nhất, chúng ta nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Vì thế, hãy tìm hiểu các nguyên tắc và lối suy nghĩ chung của bác sĩ.

1. Làm rõ mục tiêu điều trị

Có nhiều loại ung thư với các giai đoạn khác nhau. Vì thế, mục tiêu điều trị cho mỗi bệnh nhân là khác nhau. Một bệnh nhân cũng có thể phải thay đổi mục tiêu trong lộ trình điều trị của mình. Bác sĩ sẽ nói cho bạn biết ở tình huống của bạn thì mục tiêu khả thi là CHỮA LÀNH căn bệnh hay CỐ GẮNG SỐNG CHUNG với chất lượng cuộc sống khá-tốt. Đây là điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư, giúp bạn hiểu rõ vì sao mình không điều trị giống như những người khác để bình tĩnh tập trung vào mục tiêu của bản thân.

Việc hiểu rõ mục tiêu khả thi sẽ giúp bạn có thái độ đúng đắn hơn với điều trị. Nhiều người nói rằng nếu là để chữa lành, họ sẽ cố gắng chịu khổ một thời gian để hoàn tất điều trị. Ngược lại, khi không thể chữa lành, một số người muốn phương pháp nào không ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng cuộc sống để có thời gian còn lại thoải mái nhất. Hiểu rõ mục tiêu giúp bạn không bỏ điều trị theo lang băm, mất đi cơ hội chữa lành, và cũng không mất thời gian, tiền bạc đổ vào liệu pháp được quảng cáo để chữa lành cho giai đoạn cuối.

Bác sĩ cần làm rõ mục tiêu khi điều trị ung thư
Bác sĩ cần làm rõ mục tiêu khi điều trị ung thư

2. An toàn là trên hết

Khi đề xuất phương án điều trị, các bác sĩ theo nguyên tắc cơ bản nhất của y khoa là KHÔNG GÂY HẠI. Nếu một phương pháp được nhận định chung là không an toàn trong tình huống đó, bác sĩ sẽ khuyên không nên thử làm vì chưa chắc chữa được ung thư mà người bệnh còn có thể gặp thiệt hại. Điểm lưu ý ở đây là một số bác sĩ hoặc bệnh viện có thể “định mức” an toàn khác nhau, theo kinh nghiệm và điều kiện điều trị tại nơi đó. Vì thế, sẽ có tình huống là tới bệnh viện này thì không được mổ nhưng sang bệnh viện khác thì lại có chỉ định mổ.

Hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến độ an toàn của điều trị ung thư là Thể lực và Trí lực của người bệnh. Như trong hóa trị, nếu bệnh nhân có bệnh nền đi kèm làm sức khỏe tổng trạng kém thì bác sĩ thường không đề xuất các phác đồ/thuốc mạnh tay. Bệnh nhân bị suy gan, suy thận thì bác sĩ phải chọn thuốc không làm tình hình xấu thêm. Trong khi đó, nếu bệnh nhân có vấn đề về nhận thức, không biết cách ứng phó khi chẳng may gặp tác dụng không mong muốn của điều trị (ví dụ, không biết khi nào nên dùng thuốc chống nôn hay lúc nào nên đi khám) thì bác sĩ cũng sẽ e dè vì điều trị mạnh tay có thể gây hại cho người bệnh. Vì điều trị tấn công ung thư có thể xem là “chiến đấu” với căn bệnh trong chính mình, việc chăm chỉ tập luyện để có thể chất tốt, chăm chỉ học tập để có kiến thức tốt là rất quan trọng. Bệnh nhân có đủ thể lực và trí lực thường theo được điều trị an toàn và dễ dàng vượt qua những thử thách trước mắt để chiến thắng.

3. Cân nhắc lợi ích tổng thể

Điều trị ung thư khác với các điều trị khác ở chỗ nó có thể kèm theo tác hại tiềm ẩn nên bác sĩ phải cân đối với lợi ích tiềm năng để sử dụng tối ưu “con dao hai lưỡi” này.

Lợi ích tiềm năng thường được định nghĩa là giúp căn bệnh được chữa lành, được kiểm soát và/hoặc giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Tác hại tiềm ẩn có thể là các tác dụng không mong muốn (hoặc tác dụng phụ) của điều trị, đôi khi có thể thành di chứng sau điều trị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tốn kém tiền bạc cũng là một tác dụng phụ (còn gọi là “financial toxicity – độc tính tài chính”) tiềm ẩn, quan trọng mà bác sĩ phải cân nhắc vì túng thiếu sẽ làm bệnh nhân và cả gia đình điêu đứng. Nếu nghĩ xa hơn nữa thì việc làm mất thời gian, tốn công sức và xáo trộn cuộc sống của bệnh nhân cũng là các tác dụng phụ về mặt gia đình-xã hội mà bác sĩ thường cân nhắc.

Điều trị tốt là điều trị mang lại lợi ích tổng thể cho người bệnh.

Lợi ích tổng thể là “chênh lệch” giữa hiệu quả của điều trị và tác dụng không mong muốn từ điều trị đó. Nếu điều trị mang lại lợi ích tiềm năng lớn hơn nhiều so với tác hại tiềm ẩn, bác sĩ sẽ nhất quyết khuyên bạn theo phương pháp đó. Đây là các tình huống phẫu thuật cắt bỏ ung thư ở giai đoạn sớm-rất sớm vì việc này đã được chứng minh là an toàn và giúp bệnh nhân CHỮA LÀNH, CHỮA KHỎI căn bệnh chỉ trong một lần điều trị.

Hóa trị và/hoặc xạ trị trước hoặc sau mổ có thể làm khổ bệnh nhân trong một thời gian nhưng nếu mang lại cơ hội lành bệnh cao hơn thì thường sẽ được khuyên dùng.

Ngược lại, nếu điều trị mang lại lợi ích tiềm năng nhỏ hơn tác hại tiềm tàng, bác sĩ thường khuyên không theo phương pháp đó. Đây là lý do mà bác sĩ thường can ngăn không hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật khi bệnh nhân vào giai đoạn cuối đã nằm liệt giường, không thể tự ăn uống và đi lại. Điều trị tấn công khối u vào lúc này thường có hiệu quả hạn chế, không thể chữa lành mà lại làm người ta khổ hơn, thậm chí dễ tử vong hơn.

Khi lợi ích tiềm năng không lớn hơn nhiều so với tác hại tiềm ẩn thì thế nào?

Đây cũng là tình huống hay gặp trên thực tế, khi bệnh ở giai đoạn muộn không thể chữa lành mà chỉ có thể sử dụng thuốc men trong hóa trị để cố gắng sống lâu hơn cùng với căn bệnh. Đối thoại giữa bệnh nhân và bác sĩ đặc biệt quan trọng vào lúc này, vì việc điều trị có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn nhưng lại có thể đi kèm một số tác dụng phụ mà người bệnh không mong muốn. Sống lâu hơn bao nhiêu và có ý nghĩa như thế nào lại khác nhau đối với mỗi người. Ảnh hưởng thực sự của tác dụng phụ lên cuộc sống và tinh thần của bệnh nhân cũng khác nhau và cách chọn lựa từ bỏ hay thích nghi cũng tùy vào người bệnh.

Cân nhắc giữa Lợi ích và Tác hại của điều trị ung thư
Cân nhắc giữa Lợi ích và Tác hại của điều trị ung thư

4. Dựa trên bằng chứng khoa học

Một nguyên tắc quan trọng khác của bác sĩ là coi trọng bằng chứng khoa học. Chọn lựa điều trị giống như tham gia một canh bạc mà bệnh nhân và gia đình sẽ phải đầu tư tiền của, công sức và thời gian vào nhằm đạt được lợi ích cao nhất về sức khỏe. Bác sĩ sẽ tư vấn đầu tư giúp người bệnh “có lời”, dựa trên bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tốt nhất.

Bằng chứng khoa học ở đây không phải là kết quả trong phòng thí nghiệm/trên chuột hay những lời kể mơ hồ “Có người dùng và thấy khỏe hơn”. Chúng phải là kết quả khách quan, cân đo đong đếm được từ những nghiên cứu về lợi ích và tác hại của phương pháp đó trên hàng trăm, hàng nghìn người có tình huống giống với người bệnh. Quan trọng hơn, các kết quả này phải được công bố trên các tạp chí y học uy tín, được giới chuyên môn phản biện và soi xét. Quá trình kiểm định khắt khe này giúp hình thành “Điều trị tiêu chuẩn” ghi trong các “Hướng dẫn điều trị” mà các bác sĩ trên toàn thế giới tham khảo hằng ngày.

Vì nhiều bệnh nhân còn quan niệm sai lầm rằng “Điều trị tiêu chuẩn chỉ là điều trị tầm thường cho người bình thường, còn tôi phải kiếm điều trị tiên tiến, đặc biệt hơn!”, xin nhấn mạnh “Điều trị tiêu chuẩn là điều trị tốt nhất được nhân loại biết tới”. Vì một phương pháp mới phải trải qua nhiều công đoạn kiểm định với tỉ lệ thất bại cao (75-90%) và mất từ 15-30 năm mới được chứng minh là thật sự hiệu quả trên người bệnh, chúng ta có thể yên tâm rằng điều trị tiêu chuẩn là phương pháp ít thất bại nhất, hay có hiệu quả chắc chắn nhất. Hãy tìm hiểu và coi trọng điều trị tiêu chuẩn trong tình huống của mình để chọn đúng “canh bạc” có lời nhất để đầu tư, tránh tốn tiền cho những “lô đề” linh tinh không có bằng chứng khoa học nhưng đang được quảng cáo rỉ tai với mỹ từ “chữa lành” căn bệnh.

5. Cá nhân hóa điều trị

Dù điều trị tiêu chuẩn thường được ghi rõ trong các tài liệu hướng dẫn chính thống, bác sĩ vẫn phải đắn đo xem bệnh nhân trước mặt mình có đủ điều kiện để áp dụng điều trị đó hay không. Ngoài hai yếu tố quan trọng là Thể lực và Trí lực nói trên, bác sĩ còn phải cân nhắc cả khả năng tài chính và mong muốn của người bệnh.

Trước hết, cần lưu ý rằng dù điều trị tiêu chuẩn thường được bảo hiểm y tế đồng chi trả để phổ cập lợi ích chắc chắn cho nhiều người, vẫn có một số điều trị đã thành tiêu chuẩn phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa được vào bảo hiểm tại Việt Nam. Khi đó, bệnh nhân phải chi trả hoàn toàn chi phí điều trị nếu muốn theo phương pháp đó. Vì tổn hao tài chính là tác dụng phụ tiềm ẩn, tăng dần, ảnh hưởng lên cuộc sống của cả gia đình, người bệnh cần bàn với bác sĩ để “liệu cơm gắp mắm” cho mình.

Ngoài ra, cần hiểu rằng mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt với suy nghĩ và lựa chọn khác nhau. Có người chỉ mới nghe qua tác dụng phụ như buồn nôn là từ chối hóa trị luôn. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng phải thử xem mình có hợp thuốc không, có thực sự bị như vậy không đã rồi mới tính tiếp tới chuyện dừng bỏ hóa trị. Đó là vì không phải ai cũng gặp tác dụng phụ, tác dụng phụ còn có mức độ nặng-nhẹ khác nhau và y học hiện đại đã có thêm nhiều cách cải thiện triệu chứng. Trên thực tế, nếu thuốc không gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà lại có tác dụng diệt khối u tốt thì sẽ có cơ hội chiến thắng căn bệnh.

Có người cảm thấy chuyện rụng tóc làm thay đổi vẻ ngoài là khủng khiếp không thể chấp nhận được nhưng cũng có người nói ngay rằng chỉ cần mua tóc giả đội thêm là có thể thích nghi. Vì quan điểm về lợi ích tổng thể là khác nhau, bác sĩ cần lắng nghe nguyện vọng của người bệnh để đưa ra giải pháp giúp họ hài lòng nhất.

Tóm lại, các bác sĩ sẽ “cá nhân hóa” điều trị phù hợp với đặc điểm của căn bệnh và đặc điểm của mỗi người bệnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong khả năng hiện có của người bệnh. Dù không thể giải thích hết cho người bệnh, tất cả những cân nhắc sâu sắc nói trên làm nghề bác sĩ ung thư khác với những lang băm chỉ chăm chăm khuyến khích theo phương pháp mà họ tham gia buôn bán. Hãy tìm cách nói lên nguyện vọng của bản thân và hiểu suy nghĩ của bác sĩ để cùng chọn ra phương pháp điều trị thích hợp.

Trích cuốn sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” – TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh