Theo điều tra của WHO, khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu. Tại Việt Nam, bệnh lý này tập trung chủ yếu ở trẻ dưới hai tuổi và phụ nữ có thai. Có đến 51% trẻ em 6-24 tháng tuổi và 32% phụ nữ có thai bị thiếu máu dinh dưỡng.
1. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu
Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, axit folic, vitamin B12. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Các nghiên cứu cho thấy, hiện nay, lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30-50% nhu cầu về chất này. Những trẻ không bú mẹ, trẻ ăn dặm quá sớm, người ăn chay, ăn kiêng, ăn ít thức ăn động vật càng dễ bị thiếu máu.
- Nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
- Xuất huyết trong các bệnh phụ khoa (rong kinh, u xơ tử cung…), xuất huyết tiêu hóa (viêm loét dạ dày, tá tràng…).
- Hấp thu kém (tiêu chảy, cắt dạ dày…).
2. Triệu chứng của bệnh thiếu máu
Nếu bị thiếu máu ở mức độ nhẹ, người bệnh thường mau mệt mỏi, hay ngủ gật, kém tập trung, hay quên. Nếu thiếu máu ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, khó thở khi gắng sức, nhịp tim đập nhanh, dễ bị suy tim. Đó là do khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu giảm, gây thiếu oxy ở tim, cơ bắp và não gây. Các triệu chứng thường thấy khác là:
- Da xanh, niêm mạc mắt và lòng bàn tay nhợt nhạt.
- Tóc dễ rụng, bạc màu.
- Móng tay, móng chân dẹt, lõm, biến dạng, mất bóng và có sọc.
- Sức đề kháng giảm, đau nhức trong xương, dễ mắc những bệnh nhiễm khuẩn.
3. Tác hại của thiếu máu dinh dưỡng
Đối với trẻ em tuổi dậy thì, tình trạng thiếu máu làm bệnh nhân tiếp thu bài kém, hay ngủ gật, kết quả học tập giảm sút, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng. Hậu quả trên thường được khắc phục sau khi bổ sung viên sắt. Đối với trẻ dưới hai tuổi, bệnh lý này khiến trẻ bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng, chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng cân và chiều cao. Trẻ bị thiếu máu từ trong bụng mẹ sẽ có chỉ số thông minh không cao; dù sau này được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng khó phục hồi. Đối với phụ nữ có thai, thiếu máu làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đẻ non và tử vong của mẹ và con khi sinh nở, tăng nguy cơ chảy máu và mắc các bệnh nhiễm trùng ở thời kỳ hậu sản.
4. Các loại thiếu máu
Thiếu máu là bệnh trong đó có sự giảm về kích thước và số lượng của hồng huyết cầu hoặc giảm số lượng huyết cầu tố trong hồng cầu. Hậu quả của thiếu máu là: giới hạn sự trao đổi dưỡng khí và thán khí giữa máu và các tế bào cơ thể và giảm dinh dưỡng cho các mô bào. Có nhiều loại thiếu máu:
- Thiếu máu có liên hệ tới vấn đề dinh dưỡng như thiếu sinh tố B12, axit folic, khoáng chất sắt.
- Thiếu máu không do dinh dưỡng như băng huyết, các bệnh hủy hoại máu, trong bệnh ung thư bạch cầu, trong một số bệnh nhiễm, do ký sinh trùng, tác dụng của dượcphẩm, hóa chất, bệnh bẩm sinh, bệnh kinh niên…
Theo tiêu chuẩn của WHO, thiếu máu xảy ra khi lượng huyết cầu tố ở dưới 11 mg/100 ml máu cho trẻ em từ sáu tháng tới sáu tuổi; dưới 12 mg cho tuổi từ sáu đến 14; nam giới 13 mg; nữ giới trưởng thành không có thai dưới 12 mg; còn có thai thì dưới 11 mg.
Trẻ em và phụ nữ trong thời kỳ sinh sản thường hay mắc bệnh thiếu máu liên hệ tới dinh dưỡng. Ở Việt Nam có tới 60% trẻ em tuổi từ 6-24 tháng và 30-40% phụ nữ có thai bị thiếu máu dinh dưỡng. Trong khi đó thì trên thế giới tỷ lệ dân chúng bị thiếu máu dinh dưỡng cũng khá cao, là 30%.
(Trích từ cuốn sách “Phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa” – Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đái Duy Ban)