Mỗi khi mùa Hè tới, nước ta chuyển sang thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và mưa nhiều tại khu vực miền Trung, miền Nam. Đây là yếu tố thuận lợi cho mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển mạnh mẽ và dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát.
Các cơ quan khí tượng nhận định, mùa mưa năm nay ở phía Nam đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Trong những tuần vừa qua, các tỉnh Nam Bộ, trong đó có TP.HCM ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng cao. Từ dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch cùng với biến đổi khí hậu, dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết năm 2022 sẽ rất phức tạp.
Thời tiết và khí hậu lại chịu ảnh hưởng từ hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Đặc biệt, với đường bờ biển dài, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới vô vàn khía cạnh về sức khỏe – an sinh của nhân loại, từ thảm họa, thiên tai đến hạn hán, thiếu lương thực và nước sinh hoạt. Đặc biệt, sự nóng lên toàn cầu kéo theo băng tan làm gia tăng các dịch bệnh lưu hành theo mùa, các bệnh mới nổi hoặc tái nổi như sốt xuất huyết, sốt rét… Dân số tăng nhanh, quỹ đất khan hiếm khiến con người phải sống gần với khu vực chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Chưa kể đến việc Trái Đất nóng lên có thể làm tan các lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Băng Dương, vốn chứa các mầm bệnh từ thời cổ đại.
Hầu hết chúng ta không quá sợ hãi khi nghĩ tới hậu quả của biến đổi khí hậu trong tương lai xa. Nhưng thực chất, Mẹ Thiên Nhiên đã gửi những lời cảnh báo từ rất sớm. Dịch HIV/AIDS, Ebola và gần đây nhất là COVID-19, đều xuất phát từ việc con người mở rộng “dấu chân sinh thái” tới môi trường hoang dã, tiếp xúc và ăn thịt những động vật mang virus rồi lây sang con người. Trung tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ ước tính, cứ 10 bệnh truyền nhiễm ở người thì có tới 6 trong số đó có nguồn gốc từ động vật.
Những nguy cơ sức khỏe có liên quan tới thời tiết và khí hậu ảnh hưởng trước hết tới cộng đồng yếu thế trong xã hội: Phụ nữ, trẻ em, đồng bào thiểu số, người nghèo, người nhập cư, người lớn tuổi và người mắc bệnh lý nền. Sốt xuất huyết chỉ là một trong những bệnh nhiệt đới phổ biến ở nước ta trong giai đoạn giao mùa Xuân – Hè. Và nếu môi trường không được bảo vệ, thì sớm thôi, có thể còn có thêm nhiều bệnh mới xuất hiện do tác động biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tiêu chảy là tình trạng đi phân đi lỏng hay phân nước từ 3 lần/ngày trở lên. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, phổ biến nhất là nhiễm trùng ruột do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Những bệnh nhiễm trùng này thường mắc phải do nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm. Vì thế, khi Hè sang, các gia đình cần bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh dùng thực phẩm có dấu hiệu biến chất.
Viêm kết mạc do virus hay đau mắt đỏ là bệnh thường gặp trong mùa Xuân – Hè do Adenovirus, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Nguyên nhân gây bệnh đến từ yếu tối môi trường như khói bụi, nguồn nước ô nhiễm hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người bệnh.
Triệu chứng điển hình là mắt đỏ một hoặc 2 bên, nhiều gỉ mắt, cảm giác mắt cộm rát, nóng và ngứa, sợ ánh sáng… Nếu không chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể bị suy giảm thị lực, phù đỏ, xuất huyết dưới kết mạc.
Link gốc: https://suckhoecong.vn/nhung-benh-lay-nhiem-thuong-gap-trong-thoi-diem-giao-mua-xuan—he-d80024.html