Tổng quát về nội dung cuốn sách
Đúng như tên của mình, “Dịch bệnh: kẻ thù nguy hiểm nhất” là một cuốn sách nói về các mầm bệnh mà con người đang chung sống hàng ngày.
Cuốn sách sẽ đem lại cho độc giả những thông tin cụ thể về mầm bệnh: nguồn gốc của chúng là từ đâu, chúng lây lan như thế nào, chúng có nguy cơ gì với con người và quan trọng nhất là những vấn đề nhức nhối và cấp bách như HIV, lao, kháng thuốc, cúm đại dịch… Những câu hỏi này tưởng chừng dễ trả lời, nhưng để thấu hiểu chúng một cách cặn kẽ là điều không đơn giản. Cuốn sách sẽ cung cấp những hiểu biết mà độc giả còn khuyết thiếu. Hãy lấy một ví dụ đơn giản, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng nghe đến cái tên MERS, nhưng liệu có mấy người biết rằng MERS có nguồn gốc từ động vật, và nó chưa từng biến mất khỏi thế giới giống như cách nó biến mất khỏi thông tin đại chúng, MERS vẫn đang tiếp tục gây bệnh ở Trung Đông. Hay như SARS, liệu có mấy ai còn nhớ được SARS lan rộng ra thế giới như thế nào, và quan trọng hơn là sự lây lan đó rất giống những gì đã và đang xảy ra với COVID-19.
Cuốn sách này cũng đem lại một sự giải thích rõ ràng hơn về y tế công cộng cùng với dịch tễ học – bộ môn khoa học cơ bản của nó. Tác giả dẫn dắt người đọc theo chân những nhà dịch tễ học – những thám tử dịch bệnh – đi làm sáng tỏ bí ẩn của dịch tả tại London vào thế kỷ 19, sự xuất hiện của AIDS vào năm 1981… Không chỉ dừng ở những căn bệnh đơn lẻ, cuốn sách còn soi chiếu các vấn đề bức thiết như phát triển vắc xin, kháng thuốc và ứng phó với đại dịch dưới góc nhìn của y tế công cộng.
Cuốn sách này dành cho đối tượng nào?
Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi người. Kiến thức được trình bày không quá chuyên sâu và được giải thích kỹ càng. Phần lớn cuốn sách được trình bày dưới dạng những câu chuyện cuốn hút nên rất dễ tiếp cận.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng cuốn sách không đem lại giá trị cho những nhà chuyên môn. Nội dung cuốn sách này đem lại một góc nhìn toàn diện về các mầm bệnh trong mối quan hệ với con người, dự đoán về đại dịch chắc chắn sẽ xảy ra và những điểm yếu trong hệ thống y tế trong dự phòng cũng như đối phó với đại dịch.
Anh có lời nhắn nhủ gì dành cho người đọc cuốn sách Dịch bệnh không?
Nếu có điều gì còn đọng lại trong tôi sau khi đọc và chuyển ngữ cuốn sách này, thì đó là con người không đơn độc trong thế giới này. Con người sống trong mối tương quan với môi trường và các sinh vật khác, bao gồm cả các vi sinh vật nói chung và mầm bệnh nói riêng. Mọi hành động và quyết định của chúng ta đều để lại những hậu quả nhất định. Bất cứ hành động nào của chúng ta cũng làm thay đổi mối quan hệ giữa con người và mầm bệnh; từ việc quy mô lớn như chặt phá rừng, đến việc cá nhân như uống kháng sinh; từ việc mang đầy nguy cơ như nghiên cứu lưỡng dụng đến việc tưởng chừng vô hại như nuôi động vật gặm nhấm làm thú cưng. Hết thảy đều tiềm ẩn khả năng dẫn đến những hiểm họa về mặt sinh học.
Một điều khác cần được nhắc đến là COVID-19. Trong cuốn sách, tác giả đã đề cập đến hoạt động thực hành “tình huống giả định” nhằm giúp đỡ nhiều tổ chức công, tư có được sự chuẩn bị cần thiết trước một “đại dịch mới”. Điều đáng nói ở đây là mặc dù cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản vào năm 2017 và hoạt động thực hành đó đã được CIDRAP – tổ chức mà tác giả đã sáng lập và lãnh đạo từ năm 2001 – thực hiện từ rất lâu, những giả định về “đại dịch mới”, được xây dựng từ tri thức cũng như kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, lại giống kỳ lạ với đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Khi một giả định được đưa ra quá chính xác như vậy, tôi không cho rằng nó chỉ dừng ở mức tiên tri nữa, nó là chân lý.
Mầm bệnh là một phần hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta; nó không xa lạ, nó đã và đang ở ngay sát con người dưới những cái tên quen thuộc: lao, HIV, SARS, MERS và mới đây nhất là COVID -19. Dù muốn hay không chúng ta vẫn luôn cần sẵn sàng để đối mặt với mầm bệnh, bắt đầu từ việc trang bị hiểu biết và có trách nhiệm với hành vi của chính bản thân mình.
Review của dịch giả cuốn sách: Đặng Chí Dũng