Chúng ta đang sống trong Thế kỷ 21, thời đại của thông tin và công nghệ. Mọi người được quyền tự do thể hiện mình hay bày tỏ quan điểm trên các trang thông tin hay mạng xã hội trong lúc thưởng thức một ly cà phê. Ngồi bên này có thể biết được bên kia quả địa cầu đang xảy ra chuyện gì. Việc tiếp cận thông tin từ các nguồn đa dạng trở nên nhanh chóng, dễ dàng và đa chiều hơn. Tuy nhiên, giữa một rừng thông tin như vậy rất dễ ngộ nhận khi bạn đọc được vấn đề nào đó tâm đắc, nó khiến bạn rơi vào bẫy tư duy nếu như không được trang bị kiến thức nền tảng cơ bản. Trong số đó, điều ảnh hưởng trực tiếp tới con người chính là những ngộ nhận về sức khỏe.
Ngay cả các nước phát triển, nơi có mặt bằng kiến thức cơ bản và kinh tế ở mức cao, thì các bác sĩ vẫn hàng ngày phải đối mặt với nhiều hậu quả đáng tiếc của việc người dân tự tìm hiểu các kiến thức chuyên khoa rồi tự vận dụng cho mình. Tất cả xuất phát từ một thứ mang tên “niềm tin” khá cảm tính mà không có cơ sở nào cả.
Xã hội Việt Nam những năm gần đây đang thay đổi nhanh chóng về chất và lượng. Kinh tế phát triển đồng nghĩa với nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tăng cao. Việc tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đem lại lợi ích cho nhiều người. Bên cạnh đó, nguồn kiến thức internet rộng lớn đầy “hoang dã” cũng đẩy nhiều người cuốn theo các trào lưu phản khoa học giống như các nước phát triển, nhưng ở mức độ cực đoan và tàn khốc hơn nhiều.
Các nghiên cứu thậm xưng, mang tính phóng đại các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt có chút thuyết âm mưu luôn luôn hấp dẫn người đọc. Cũng giống như bạn đọc những cuốn sách trinh thám vậy, đầy lôi cuốn và thuyết phục. Vậy làm thế nào để bạn nhận ra được kiến thức đó có đáng tin cậy hay không. Những lúc bối rối ấy bạn sẽ đi tìm một nguồn bạn cho là đáng tin và đặt niềm tin của mình vào đó. Các chuyên gia phân tích ra đời.
Đó là lý do: “Người ta dễ dàng tin vào những người nổi tiếng, với trang web cá nhân hào nhoáng, nhiều lượt thích và hàng dài người theo dõi trên mạng xã hội, với câu chuyện lay động lòng người hơn là những dữ kiện y tế khô khan trên giấy…” (trang 24)
Tác giả cuốn sách, bác sĩ Nina Shapiro, tốt nghiệp trường Y Harvard, với kinh nghiệm 20 năm làm nghề, hàng ngày cũng phải đối mặt với những vấn đề sai lầm về chăm sóc sức khỏe của người bệnh khi họ tự tìm hiểu thông tin trên internet. Họ không biết rằng mình đang bị rơi vào bẫy ngụy biện dẫn đến ngộ nhận về kiến thức.
Những câu chuyện về thực phẩm biến đổi gen GMO, vắc-xin gây tự kỷ hay thực dưỡng chữa ung thư luôn biết khơi gợi người đọc bởi những câu chuyện thương tâm mà chúng đem lại. Vậy chúng có tác hại thật sự hay không hay chỉ là câu chuyện về thông tin trái chiều mà các trang tin đang muốn định hướng người đọc.
Các vấn đề mà tác giả đặt ra trong cuốn sách được phân tích đầy tính thuyết phục, nó rất “thời thượng” khi đặt trong bối cảnh nhu cầu tiếp cận thông tin đa chiều như hiện nay. Một vài cuốn sách hay vài cái nhấp chuột về một vấn đề nào đó về sức khỏe không thể thay thế được người bác sĩ. Một cơn sốt virus đa phần là lành tính có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị gì đặc biệt, tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhất định biến chứng nặng nề. Khi viết các câu chuyện về sức khỏe cộng đồng, các KOL sẽ có xu hướng đưa các thông tin chung nhất và thường gặp nhất, hoặc chỉ đề cập đến một khía cạnh của vấn đề. Điều này khiến một bộ phận người đọc hiểu sai ý. Nếu kiến thức cơ bản của họ không đủ sẽ tạo ra hành động sai lầm, ví dụ tình trạng các bà mẹ bài xích thái quá các loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ chỉ định cho con của mình.
Vài năm gần đây, thị trường sách khoa học ở Việt Nam bắt đầu phát triển, trong số đó không ít những cuốn sách có nội dụng đầy ngụy biện, nó chỉ phản ánh 1 góc nhìn của tác giả về 1 khía cạnh nhỏ như một giả thiết chưa có kiểm chứng mà không đại diện cho khoa học. Tuy nhiên chúng lại khơi dậy cả một trào lưu tai hại về sức khỏe bởi “tính thuyết phục” mà nó đem lại cho đại chúng. Chính những người bác sĩ lại hàng ngày phải vất vả sửa chữa những hậu quả ấy.
Kiến thức từ hiểu, đến biết, làm được rồi trở thành kỹ năng phải trải qua tuần tự bốn bước. Kinh nghiệm và người hướng dẫn chỉ giúp rút ngắn quãng đường chứ không giúp đi tắt các bước được. Muốn có kỹ năng tốt, bạn phải rèn luyện và trải nghiệm qua thời gian. Một người phi công muốn lái chiếc máy bay phải trải qua nhiều giờ tập luyện. Để tỉnh táo trước miền Internet “hoang dã” cần trang bị kiến thức phân tích cho bản thân mình.
Tôi luôn hy vọng kiến thức từ cuốn sách này sẽ phần nào giúp các bạn bớt hoang mang khi đi lạc vào khu rừng kiến thức rộng lớn đầy hoang dã này.
BS Hùng Ngô
Chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội