Chờ đợi để thất bại

Đoạn trích sau được trích từ cuốn sách “Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ” – Rana Awdish đã kể lại câu chuyện của chính mình khi cô đang điều trị tại bệnh viện.

Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ

Có một câu nói thường dùng trong phẫu thuật: “Rồi máu cũng sẽ ngừng chảy thôi.” Tôi nghe thấy điều này lần đầu tiên khi còn là một sinh viên y khoa, từ một bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng khi xử lý một mạch máu đang phun trào. Tôi hiểu nó như một lời động viên ngắn gọn để nhắc nhở chính mình về năng lực và kỹ năng của bản thân. Là một sinh viên còn non nớt và thiếu kinh nghiệm, tôi không thể hiểu được ẩn ý của câu nói đó, giống như nụ cười gượng gạo giấu sau chiếc khẩu trang y tế của ông. Chỉ đến khi tự mình lặp lại cụm từ này, với vai trò là người chịu trách nhiệm kiểm soát tình trạng mất máu của bệnh nhân, tôi mới hiểu được ý nghĩa thực sự của nó. Máu sẽ ngừng tuôn khi bạn kiểm soát được vấn đề; nếu không, bệnh nhân sẽ chết, và rồi máu cũng sẽ ngừng chảy.

Sau một tuần nằm ở khoa Hồi sức, tôi nhận ra vẫn còn một nguyên nhân nữa khiến máu ngừng chảy: do chèn ép. Tôi bị xuất huyết ở một vị trí tương đối cố định – khoang quanh gan. Thể tích máu dồn vào làm tăng áp suất trong khoang. Áp lực ở đây vừa có lợi vừa có hại. Có lợi ở chỗ nó làm cho máu ngừng chảy, khi áp suất ở đó vượt quá áp suất trong động mạch. Có hại vì lượng máu đó đã choán chỗ của gan, và nén lá gan xuống chỉ còn một phần mười kích thước vốn có. Bị đè nén và chèn ép, các tế bào gan bắt đầu chết đi. Thật không may, gan chịu trách nhiệm sản xuất các thành phần chịu trách nhiệm cho việc đông máu. Nếu không có các yếu tố đông máu, sẽ rất khó để kiểm soát tình trạng xuất huyết. Tình trạng này được gọi là hội chứng chèn ép gan và rối loạn đông máu tiêu hủy. Ý nghĩa của nó rất đơn giản: gan của tôi đang suy và tôi có thể xuất huyết đến chết chỉ trong giây lát.

Một bác sĩ bước vào phòng lúc rạng sáng, trong bộ quần áo nhàu nhĩ và áo choàng loang lổ vết bẩn. Anh ấy vẫn đang nhai dở đồ ăn vừa cho vào miệng trên đường đến phòng bệnh.

“Xin chào, tôi ở chuyên khoa ghép tạng.” Anh tự giới thiệu với hơi thở đầy mùi hành tây, chùi tay lên chiếc áo blouse trắng trước khi đưa về phía tôi.

Từ trên giường bệnh, tôi vẫy tay lại một cách yếu ớt. Anh lúng túng với bàn tay vẫn đang vươn ra nửa chừng, rồi chuyển hướng dùng ngón trỏ đẩy kính lên cao hơn trên sống mũi. Một cử chỉ lòng vòng đến lố bịch, chỉ làm tăng sự tùy tiện của anh ta. Nhợt nhạt và gân guốc, anh ta lùi lại tìm nơi để tựa vào.

“Nghe này. Nhóm phẫu thuật đã hỏi ý kiến chúng tôi về tình trạng suy gan của cô. Có vẻ như cô sẽ cần một lá gan mới, trừ phi nếu muốn sống ở đây cả đời.” Một nỗ lực yếu ớt cố tỏ ra hài hước nhưng thất bại. Ngoại trừ cái khịt mũi nửa vời của chính bản thân anh ta.

Randy hoài nghi: “Anh đang nói gì vậy?”

Anh ta cố gắng giải thích hậu quả do mất máu quá mức gây ra. Sau đó anh ta bắt đầu, chủ yếu là tự nói với chính mình: “Tôi đoán chúng ta có thể cố gắng rút máu ra. Tôi không biết liệu việc hút máu đã được cân nhắc hay chưa.” Anh ta liếc về phía sau, như thể đang nhìn ra bên ngoài phòng bệnh để tìm đồng nghiệp cùng nhóm, người có thể biết câu trả lời và giải cứu anh ta.

“Tôi tưởng… lý do tôi còn sống là do khoang quanh gan của tôi vẫn còn ổn?” Giọng nói dao động, lộ rõ sự hoảng sợ của chính mình làm tôi ngạc nhiên.

Anh ta dừng lại một chút, có vẻ rất quan tâm đến nỗi sợ hãi của tôi. “Không, cô nói đúng. Tôi nghĩ rằng việc rút cạn máu sẽ chắc chắn đồng nghĩa với cái chết,” anh ta nói.

“Anh có thể đừng đưa ra những lựa chọn có thể chắc chắn dẫn đến cái chết của cô ấy được không?” Randy nói, với giọng đầy uy quyền.

“À, đương nhiên là tôi sẽ thảo luận với nhóm cấy ghép trước khi quyết định bất kỳ điều gì. Ý tôi là, những gì tôi đang nói đến thực sự chỉ là những khả năng có thể thôi,” anh ta lắp bắp.

Tôi trừng mắt nhìn anh ta. Anh ta bắt đầu lùi bước ra khỏi phòng, rút nửa bữa sáng còn lại ra khỏi túi áo.

“Tôi sẽ trở lại sau. Cô biết đấy, với cả đội ngũ bác sĩ, chúng ta sẽ thảo luận thêm,” anh ta nói. Trên tay vẫn cầm chiếc bánh, anh ta vẫy vẫy trong không khí, như một lời chào kỳ quái. Và như vậy, anh ta rời khỏi phòng bệnh, để lại chúng tôi suy ngẫm về kế hoạch tồi tệ của anh ta.

Tôi nhớ khi còn đang thực hành nội trú, sau khi một bác sĩ đưa ra quyết định đặc biệt tệ hại, bác sĩ chính chỉ đơn giản nói rằng: “Những bệnh nhân này đáng được các bạn quan tâm một cách toàn tâm toàn ý. Đó là những bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện, thậm chí là trong cả thành phố, và họ xứng đáng với những nỗ lực hết lòng của chúng ta. Các bạn không được chấp nhận bất cứ điều gì kém hơn, vì bệnh nhân cũng không thể. Chúng ta nợ họ điều đó.” Bệnh nhân xứng đáng với những nỗ lực hết mình.

Sau đó, bác sĩ hướng dẫn của Bánh mì Hành tây, và cuối cùng cả bác sĩ chính, đều đến xin lỗi thay cho anh ta. Có vẻ đó là một hành động bốc đồng khi thảo luận về một kế hoạch mà nhóm chưa bao giờ tán thành hoặc thống nhất. Họ đảm bảo rằng nếu tôi cần cấy ghép, cuộc thảo luận sẽ diễn ra ở cấp độ cao hơn, với sự cân nhắc kỹ càng hơn nhiều so với những gì xảy ra sáng hôm đó. Mặc dù nhận thức được nhưng điều này vẫn quá khó để chúng tôi tiếp nhận cú sốc về việc sai lệch thông tin thậm chí ngay trong cùng một nhóm. Tôi phải dựa vào họ nếu muốn sống sót, nhưng đồng thời lại cảm thấy họ có lẽ không hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng đó.

Chưa đầy một giờ sau khi họ rời đi, một cột máu bắn ra từ cổ tay trái của tôi, hướng thẳng về phía cửa ra vào, như để chính thức khẳng định tình trạng suy gan. Điều dưỡng nhanh chóng hành động, đặt một chiếc xô dưới cánh tay đang đưa ra lơ lửng của tôi. Ống dẫn bằng nhựa từ động mạch ở cổ tay bị gãy và máu phun ra nhịp nhàng theo từng nhịp tim đập.

Một người đồng nghiệp lớn tuổi hơn đi vào phòng bệnh của tôi với một quả bóng bay, và thứ vào đập vào mắt anh là hình ảnh tôi xanh xao và chảy máu. Anh phụ trách một số sáng kiến cải tiến hệ thống y tế và quan tâm sâu sắc đến sự an toàn của bệnh nhân. Điều dưỡng lao đến trước với một tấm biển CHÚ Ý SÀN ƯỚT chắn ngang đường đi của anh ấy, rồi vội vã rời đi để thông báo cho bác sĩ phụ trách ca trực. Tôi nhìn người bạn của mình và nói: “Đây là bộ ống thông động mạch mới mà anh phê duyệt phải không?”

“Tôi xin lỗi. Chúng tôi cũng đã nhận được một số báo cáo rằng ống thông này dễ bị vỡ hơn, nhưng bệnh viện đang tìm kiếm những giải pháp ít tốn kém hơn… ” Giọng anh nhỏ dần, mắt hết nhìn mặt sàn đầy máu lại sang quả bóng bay, hoàn toàn chết lặng.

Từ vị trí hoàn toàn mới của một người dễ bị tổn thương, mọi thứ với tôi đều rất khác biệt. Tôi cảm thấy bị ảnh hưởng bởi những quyết định dù là nhỏ nhất. Tôi thầm mừng vì anh đã quyết định đến thăm tôi vào đúng thời điểm đó để chứng kiến máu tôi phun ra.

“Tôi không biết là cô bị nặng đến mức này. Đáng ra tôi không nên mang theo bóng bay. Tôi xin lỗi.” Bất chấp sự tức giận của tôi, anh ngồi xuống bên cạnh và ném quả bóng bay vào góc phòng.

“Tôi có chuyện cần nói. Bởi không ai khác có thể thành thật với anh,” tôi nói. Những câu nói bắt đầu theo cách này thường chịu ảnh hưởng phần nào từ tác dụng của các loại thuốc giảm đau. Tôi có thể thấy anh gồng lên, sẵn sàng cho những phê phán về quyết định của mình. Trong trường hợp này, anh đã ưu tiên chi phí hơn là sự an toàn cho bệnh nhân. Thay vào đó, tôi làm anh ngạc nhiên khi nói: “Anh phải ngừng đeo những chiếc cà vạt xấu xí với các nhân vật hoạt hình này đi. Anh đã quá già để đeo chúng, thật sự trông kỳ cục lắm.”

Trước sự nghiêm túc mà tôi bày ra, cả hai cùng phá lên cười trước sự ngớ ngẩn của những thứ tôi nói, dù máu tôi vẫn đang đều đều chảy vào xô. Chúng tôi cảm thấy buồn cười vì sự nghiêm túc tôi dành cho cả hai lời phê phán. Chúng tôi cũng nói về vấn đề rõ ràng của loại ống dẫn mới. Anh chăm chú lắng nghe, tỏ ý sẽ sửa sai. Anh đã báo cáo lại trường hợp của tôi cho Ban Giám đốc bệnh viện, và họ đồng ý sẽ quay lại với loại ống thông động mạch đắt tiền hơn. Sự khốn khổ của tôi đã được đền đáp. Anh tự hào thông báo với tôi điều này, đeo một chiếc nơ bướm mới.

Dường như sẽ là quá ngây thơ khi cho rằng tất cả mọi thứ đều luôn quan trọng. Nhưng khi cân nhắc rằng bất kể lựa chọn nào, dù có vẻ nhỏ nhặt đến đâu, đều sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân, thì mọi thứ đều quan trọng, luôn luôn như vậy. Chúng ta thường chú tâm làm thật hoàn hảo những việc lớn nhưng lại có thể sai lầm ở những điều vụn vặt, chẳng hạn như việc tiết kiệm được vài đồng bạc lẻ mỗi khi thanh toán vậy.

Có những điều bị phải bỏ lại ngay trước cánh cửa bệnh viện, trong đó bao gồm sự thoải mái, một chút phẩm giá và khả năng kiểm soát bất cứ điều gì. Các quyết định thường được đưa ra với rất ít ý kiến từ bệnh nhân. Thay vào đó, bệnh nhân được thông báo kế hoạch và phải chấp nhận những thứ họ có thể hiểu về điều đó. Bệnh nhân hiếm khi được biết tất cả các phương án sẵn có trước khi bác sĩ lựa chọn. Ngay cả với kiến thức mà tôi đã tích lũy được trước khi bị suy gan, tôi cũng không thể đóng góp ý kiến vào cuộc thảo luận. Tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác.

Khi sự mất kiểm soát và thiếu quan tâm gặp nhau, cảm giác ngờ vực sẽ xuất hiện. Tôi không thể tin tưởng bác sĩ nội trú ghép tạng, hay lựa chọn về bộ ống thông động mạch, chính vì khi tôi bắt buộc phải đặt lòng tin vào người khác, cả hai trường hợp đều cho tôi lý do để nghi ngờ.

Một quyết định khó khăn, chẳng hạn như liệu bệnh nhân có cần cấy ghép hay không, đòi hỏi rất nhiều cuộc thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng vì mong muốn thực hiện công việc nhanh gọn, các bác sĩ đôi khi mắc sai lầm khi chỉ giải thích vắn tắt với bệnh nhân. Họ sẽ chỉ nói đơn giản một câu – chị có thể sẽ cần một lá gan mới – thay vì giải thích câu chuyện rõ ràng. Trong trường hợp này, có lẽ nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau đã xem xét trường hợp của tôi và cân nhắc về những vấn đề liên quan. Đó sẽ là một cuộc họp với sự tham gia của nhiều chuyên khoa, họ thảo luận về các kết quả xét nghiệm và kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Những rủi ro và lợi ích của các lựa chọn khác nhau, chẳng hạn như hút máu tụ bằng cách tạo ra một lỗ trên phúc mạc gan, sẽ được cân nhắc và phân loại cẩn thận.

Khi nghĩ lại những lần tự tin tuyên bố một phương pháp nào đó là tốt nhất, tôi biết rằng sâu bên trong mình lúc đó vẫn là sự bất an. Tôi không thích việc thừa nhận mình đã đưa ra nhiều phương án. Tôi lo lắng rằng, đối với bệnh nhân, khiêm tốn có thể bị hiểu thành không quyết đoán, và thận trọng thể hiện sự thiếu thẩm quyền. Tôi được đào tạo trong thời đại mà tính kiêu ngạo được coi là đặc điểm quan trọng của một bác sĩ giỏi. Tôi đã điều chỉnh sự tự tin của mình theo gương những người đi trước.

Cái tôi, phần ý thức coi trọng sự công nhận từ người khác, luôn khao khát được nuôi dưỡng. Nó sẽ khéo léo ẩn mình dưới danh nghĩa bức tường chống lại sự thiếu tự tin. Nhưng để cho cái tôi thống trị, coi nó như một cơ chế tự vệ, chẳng khác gì để cho sự yếu đuối ngụy trang thành điểm mạnh.

Khi sự ngờ vực đối với nhóm phẫu thuật ngày càng gia tăng, tôi càng trông cậy vào các điều dưỡng nhiều hơn bao giờ hết. Họ thực sự biết tình trạng của tôi thế nào, đồng thời có lợi thế dành phần lớn thời gian trong ngày với tôi hơn bất kỳ nhóm nhân viên y tế nào khác. Bên cạnh đó, họ cũng thể hiện sự nhún nhường mà tôi rất trân trọng. Họ dường như không cần đến danh sách cụ thể những việc phải làm khi kiểm tra tình trạng của tôi. Họ khách quan và đối chiếu những phát hiện của mình với những gì nhóm bác sĩ đã đưa ra. Khi mọi thứ không khớp, họ ngừng lại, buộc mọi người phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Điều dưỡng tôi yêu quý ở khoa Hồi sức Cấp cứu gọi tôi là “cô bé” một cách thân thương. Thông thường, tôi sẽ ngạc nhiên nếu một điều dưỡng hoặc bác sĩ sử dụng kiểu xưng hô thân thiết như vậy, nhưng với cô ấy, tôi chẳng hề bận tâm. Tôi cảm thấy sự ấm áp từ cô ấy. Và vì cô ấy làm ca đêm, còn tôi thì ngủ hầu như cả ngày, chúng tôi dành rất nhiều thời gian với nhau. Cô ấy sẽ giúp tôi tắm, mặc cho việc tôi vẫn phải nằm trên giường, và gọi đó là “thời gian đi spa”. Cô ấy có thể khéo léo thay khăn trải giường khi tôi vẫn nằm trên đó, một kỹ năng mà tôi vẫn chưa thể hiểu nổi. Cô ấy lăn tôi sang bên phải, để tôi bám vào tay vịn bên giường trong khi trải giường. Cô sẽ đưa tay lên màn hình theo dõi để tắt chuông báo. Mức độ oxy của tôi có thể giảm chỉ với những cử động nhỏ nhất.

Cô ấy nhìn tôi. “Đáng ra bé sẽ không quá hụt hơi sau khi chỉ lăn người sang một bên đâu. Hôm nay các bác sĩ đã nói gì?”

“Thực sự họ chẳng nói gì cả. Các kết quả xét nghiệm của em vẫn vậy. Vết mổ của em có vẻ ổn. Em không biết. Em đoán là không có nhiều điều để nói.”

“Ừm. Họ đã xem tình trạng hô hấp của em chưa?” cô hỏi.

Tôi lắc đầu. “Em chỉ ngồi yên khi họ đến, nên nhịp thở của em rất ổn.”

Cô ấy đã trao đổi lại với nhóm bác sĩ trực, nhưng cũng khuyên tôi nên thảo luận với nhóm đi buồng vào ngày hôm sau, vì cô ấy nghi ngờ mức thẩm quyền của thực tập sinh phụ trách ca đêm. Tôi đồng ý. Tôi hỏi liệu cô ấy có thể gọi kỹ thuật viên đến để tăng nhiệt trong phòng không. Cô ấy đưa tay lau mồ hôi trên trán, cười và nói: “Ở đây nóng quá đó cô bé. Tất nhiên là tôi sẽ gọi họ rồi.”

Đến sáng, tình trạng khó thở của tôi trở nên tồi tệ hơn, và nhóm bác sĩ đã yêu cầu chụp X-quang phổi để đáp lại những lo lắng của điều dưỡng. Phim X-quang cho thấy một lượng chất lỏng đáng kể đã tích tụ xung quanh phổi phải, đây là phản ứng của cơ thể tôi đối với cơn sang chấn.

“Chúng tôi sẽ theo dõi thêm,” họ nói. Vì khả năng đông máu của tôi không tốt, họ không cảm thấy lợi ích của việc đưa tôi đi làm thủ thuật hút dịch tương xứng với những rủi ro của phương thức này. “Hơi thở của chị vẫn ổn khi nghỉ ngơi. Nếu cần hút dịch, chúng tôi sẽ làm, nhưng lúc này chúng ta nên đợi.” Họ cũng nhắc lại sự khó khăn trong việc ngăn máu phun ra từ cổ tay. “Hãy tưởng tượng nếu điều đó xảy ra bên trong và chúng tôi không thể ép chặt vết thương,” họ nói đầy ẩn ý.

Chúng tôi không cần phải đợi lâu. Sáng hôm sau, một điều dưỡng mới đi vào, chuẩn bị đánh giá tình trạng của tôi. Cô ấy chỉnh giường của tôi thẳng ra, rồi nhìn lại các dụng cụ mang vào, chắc hẳn nhận ra mình để quên thứ gì đó và rời khỏi phòng. Khi nằm thẳng, chất lỏng dư thừa được giữ ở các bộ phận khác của cơ thể tôi bắt đầu dịch chuyện. Nó đi qua các kênh không nhìn thấy, hệ bạch huyết và các tĩnh mạch, để đến tim và phổi của tôi. Từng giây từng phút trôi qua, phổi của tôi ngày càng nặng hơn khi dần dần được đổ đầy chất lỏng. Tôi thở hổn hển và nôn khan, cảm giác như thể một cái vòi tưới cây đã được đặt vào miệng. Tôi cố đớp lấy từng ngụm không khí trong vô vọng. Tôi cố gắng gượng dậy nhưng không còn sức. Những chuyển động của tôi đã đẩy chiếc điều khiển có nút gọi cấp cứu xuống sàn. Thế là toi một cách, tôi nghĩ. Tôi nghe thấy tiếng báo động từ máy theo dõi và cảm thấy hy vọng trong giây lát. Nhưng đến thời điểm này, các điều dưỡng trực đã quá mệt mỏi vì báo động, một tình trạng quen thuộc với bất kỳ ai đã từng làm ở khoa Hồi sức Cấp cứu. Chuông báo lúc nào cũng kêu. Quá khó để phân biệt giữa tiếng báo khẩn cấp và một tiếng bíp phiền toái. Chuông báo ở phòng tôi luôn báo động khi nhịp tim tăng cao hoặc lượng oxy giảm thấp và hiếm khi là dấu hiệu cho thấy tình trạng lâm sàng của tôi có thay đổi thực sự. Các điều dưỡng biết điều đó, cũng như họ biết về tôi. Không một ai xuất hiện.

Khi tôi lịm dần đi, tầm nhìn của tôi dần thu hẹp lại, cho đến khi tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là một vòng tròn nhỏ phía trên đầu giường. Mắt tôi tập trung vào một nút hình vuông nhỏ đề chữ MÃ XANH. Chuông báo tổng sẽ đánh động nhóm cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân đang hấp hối. Tôi cố gắng hết sức nâng tay lên ấn vào đó. Trong vài giây, một nhóm bác sĩ lao đến. Họ đang đi buồng ngay gần đó, chẳng mảy may biết đến tình trạng của tôi. Hai người đầu tiên đến nhìn nhau, và một trong số họ hỏi: “Nhưng ai là người ấn nút khẩn cấp?” trước khi nhanh chóng nhận ra rằng đó thực tế không phải là vấn đề cấp bách nhất.

Họ thao tác nhanh chóng, gần như không nói lời nào, với sự uyển chuyển có được nhờ luyện tập. Một chiếc ống được đặt để giảm áp lực dạ dày, oxy được bổ sung ở mức cao hơn. Họ chụp X-quang phổi ngay lúc đó bằng máy X-quang di động. Một quyết định ngay lập tức được đưa ra để dẫn lưu lượng dịch tràn ra xung quanh lá phổi bên phải, và một chiếc kim dày cộp được đâm thẳng vào thành ngực của tôi như mũi phi tiêu. Họ gắn một ống thông vào bình hút chân không và tôi chứng kiến hàng lít chất lỏng màu đỏ sủi bọt được rút ra.

Điều dưỡng của tôi bước vào, vẻ kinh ngạc hiện rõ trên khuôn mặt. Cô ấy tham gia hỗ trợ mà không đặt câu hỏi, lấy máu cho xét nghiệm và hỗ trợ những việc cô ấy cho rằng có thể cần đến. 

Trong vòng vài phút, tôi đã có thể thở lại.

“Chính tôi đã ấn nút khẩn cấp,” tôi nói, giải quyết câu hỏi còn bỏ ngỏ của họ.

“Tôi không thở được.”

“Chính cô ấn báo động hấp hối sao?”

Tôi gật đầu.

Họ mỉm cười, ngờ vực. Công việc đã hoàn thành, họ bắt đầu rời đi để tiếp tục đi buồng.

“Tôi đã suýt chết,” tôi nói, một lời nhắc nhở dành cho bản thân và cả những người còn lại trong phòng. Có vẻ như còn nhiều điều để nói hơn nữa. Rằng chúng ta nên thảo luận về những gì đã xảy ra và cách để ngăn nó xảy ra lần nữa, và nói một chút về việc tôi suýt chết.

“Nhưng bây giờ cô đã ổn. Hãy nghỉ ngơi đi.” Chút thông cảm đến từ vị bác sĩ cuối cùng còn nán lại nói với tôi.

Tôi hỏi liệu anh ấy có thể ở lại không. Tôi vô cùng sợ bị bỏ lại một mình.

“Không việc gì phải lo lắng hết. Điều dưỡng của cô đang ở đây. Và xem này, cô được gắn với toàn bộ những màn hình theo dõi này. Chúng tôi biết tất cả những gì xảy ra mỗi giây. Kể cả khi chúng tôi không ở trong phòng.” Anh ta mỉm cười lúc rời đi.

Tôi không cảm thấy yên tâm. Các màn hình theo dõi hoàn toàn vô dụng 30 phút trước, tại sao tôi phải tin rằng bây giờ chúng sẽ có ích? Anh chẳng biết chuyện gì vừa xảy ra hết. Tôi không biết liệu đó có phải là kết quả của sự tăng adrenaline hay một số rối loạn căng thẳng tức thời sau sang chấn, nhưng tôi chắc chắn rằng mình không được an toàn. Tôi nghiên cứu màn hình theo dõi, kiểm tra từng đường truyền tĩnh mạch của mình và ám ảnh chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Chỉ số tiểu cầu của tôi hôm nay là bao nhiêu?” Tôi hỏi cô điều dưỡng.

“Tôi nghĩ là khoảng trên dưới 50,” cô ấy trả lời khi ngồi xuống để đăng nhập vào máy tính. 

Mở kết quả xét nghiệm của tôi, cô xác nhận: “Đúng, là 45.”

Nhưng nó quá thấp. Họ vừa chọc dò ngực tôi khi chỉ số tiểu cầu là 45? Có ai kiểm tra điều đó không? Tôi hình dung dòng máu đang rỉ ra tràn ngập khoang ngực khi ngồi đó. Tôi kiểm tra lại màn hình theo dõi một lần nữa. Mức oxy của tôi vẫn ổn, nhưng tôi chắc chắn nó có thể giảm bất cứ lúc nào.

“Oxy có hoạt động không? Tôi không cảm thấy dòng khí.” Tôi lấy ống thở ra khỏi mũi và thử kiểm tra. “Nó gần như không có gì hết, cô xem đi.” Tôi cố gắng đưa nó cho điều dưỡng

Cô ấy miễn cưỡng đi về phía tường và điều chỉnh máy thở, tăng dòng chảy để tôi có thể cảm nhận được. “Cô thấy không? Nó vẫn hoạt động tốt. Hãy nghỉ ngơi đi.”

Tôi không thể nghỉ ngơi. Tôi quá bận lo lắng, hình dung ra đủ loại thảm họa sắp xảy ra.

Tôi yêu cầu họ in kết quả xét nghiệm của tôi. Mắt của tôi không thể đọc các con số, nhưng tôi cần có chúng ở một dạng cụ thể, hữu hình nào đó. Sau đó, không hài lòng với việc chỉ có các con số đơn lẻ, tôi đã yêu cầu bản in tổng hợp các kết quả xét nghiệm của tôi trong tuần qua để đánh giá xu hướng tăng hay giảm. Tôi xếp chồng giấy ngay ngắn trên khay của mình. Tôi dí mặt vào đống giấy tờ, ngửi rõ mùi mực trên những bản in mới. Nhắm mắt lại, tôi có thể tưởng tượng mình đang ở một chiếc bàn làm việc sạch sẽ, ngăn nắp trong một văn phòng nào đó, cách xa với cảnh máu chảy và ống thông đầy nước tiểu. Tôi đã tưởng tượng cảm giác sẽ tuyệt như thế nào khi cầm một chiếc dập ghim to và lạnh, dùng nó để gắn các giấy tờ quan trọng lại với nhau, thay vì để khép thành bụng của mình.

Cảm xúc của bệnh nhân thường được thể hiện qua hành động của họ. Khá dễ để nhận ra sự buồn bã ở một người đang khóc. Nhưng chăm chú đến ám ảnh, ghi lại mọi kết quả xét nghiệm và hỏi han kỹ lưỡng về lựa chọn kháng sinh khó có thể được coi là biểu hiện của cảm giác lo lắng. Bản thân tôi cũng không nhận ra sự lo âu của chính mình vào thời điểm đó. Tôi tin rằng mình đã thích nghi được với môi trường xung quanh. Một môi trường đòi hỏi sự tỉnh táo cao độ và đề phòng về tai họa khủng khiếp nào đó có thể xảy ra. Vẻ tự mãn thường trực ở những người khác trong mắt tôi chẳng khác gì sự ngu ngơ khờ dại. Những câu nhắc “cứ nghỉ ngơi đi” đều khiến tôi thấy bị xúc phạm. Tôi biết điều gì sẽ xảy ra nếu không cảnh giác. Tôi sẽ chết. Tôi tin rằng việc đảm bảo an toàn cho bản thân hoàn toàn phụ thuộc vào tôi.

Trong khoa Hồi sức Cấp cứu tại một bệnh viện nổi tiếng thế giới, với sự chăm sóc suốt ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, tôi cảm thấy chỉ có thể dựa vào bản thân. Đó là sức mạnh của sự lo lắng.

Tôi thường xuyên kiểm tra cơ thể mình. Tôi tin rằng các bài kiểm tra sơ sài mà nhóm bác sĩ hay điều dưỡng thực hiện không hề đáng tin cậy. Tôi thấy một vết bầm xanh đen ở mé trong đùi phải. Giống như vết mực trên tờ giấy ướt, nó đang lan rộng ra, như đám mây dông trước cơn bão. Lượng máu tích tụ trong gan của tôi đang tìm cách thoát ra ngoài. Nó đang lặng lẽ luồn vào các mô, lách qua giữa các màng sợi, phân tách tôi như một con dao mổ bằng chất lỏng. Tôi nhìn chằm chằm, đánh giá ý nghĩa của điều đó. Tôi đã đoán trước và tìm kiếm bằng chứng về một thảm họa đang xảy ra, nhưng khi phát hiện ra, tôi nhanh chóng che nó đi bằng áo choàng của bệnh nhân. Tôi đã không thể đối mặt với nó. Tôi áp đầu ngón tay lên môi như để giữ bí mật này cho riêng mình.

Khi nhóm đi buồng đến, bác sĩ chính đã nói qua kế hoạch định sẵn trong ngày. Anh ấy thông minh, có phương pháp và rõ ràng. Tôi biết anh ấy đã xem cẩn thận tất cả kết quả xét nghiệm trước khi lên kế hoạch. Chúng tôi đã từng làm việc cùng nhau trong khoa Hồi sức Cấp cứu trước đây, và tôi đã có một hồi ức sống động về việc anh ấy đã tự trách bản thân như thế nào khi mắc lỗi. Đó là lần duy nhất tôi thấy anh ấy phạm sai lầm, và nó đã thay đổi cách anh nói về các quyết định với nhóm của mình. Nó đã thay đổi cách anh đặt vấn đề và lắng nghe bệnh nhân. Các chỉ số huyết học của tôi giảm xuống, nhưng không có lý do gì để báo động. Có thể đó chỉ là kết quả của việc theo sát kết quả xét nghiệm một cách thường xuyên. Họ đang cân nhắc việc truyền cho tôi một đơn vị máu với mục đích “để tôi khỏe hơn”. Phim chụp X-quang ngực của tôi có vẻ tốt hơn sau khi dẫn lưu. Tôi ngồi im lặng. Khi anh nói xong, tôi mở miệng và thì thầm: “Có chuyện này tôi cần cho anh xem,” tôi kéo lớp chăn và nâng áo choàng lên.

“Cô nhận thấy điều đó khi nào?” Anh hỏi, không giấu được sự lo lắng.

“Mới vừa xong,” tôi nói dối. Tôi đã trải qua ít nhất một giờ trong cơn sốc không nói nên lời.

Anh thở dài, cau mày và gật đầu. Kế hoạch sẽ phải thay đổi.

Họ vội vàng sắp xếp lại kế hoạch trong ngày để thực hiện chụp cắt lớp ngay lập tức. Các hình ảnh riêng lẻ được chụp với khoảng cách 2 mm dọc khắp cơ thể tôi để dựng thành hình ảnh ảo của ngực, bụng và xương chậu. Các bác sĩ dần nhận ra mớ hỗn loạn được tạo ra từ thảm họa xuất huyết nhờ kết quả xét nghiệm và cái nhìn thoáng qua về rìa gan trong phòng phẫu thuật, nhưng tôi vẫn chưa đủ ổn định để được đưa đi chụp phim một lần nào trước đó. Những hình ảnh phim chụp thực tế cho thấy tình hình tệ hơn nhiều so với những gì họ đã tưởng.

Khối máu tích tụ có kích thước bằng mô hình địa cầu có trong các lớp tiểu học. Trong quá trình to lên, nó đã chèn ép các cơ quan trong ổ bụng. Gan bị ép thành một hình lưỡi liềm mỏng ở phía đối diện của cơ thể. Sức chứa của dạ dày giảm xuống chỉ còn bằng muỗng canh. Lá phổi phải của tôi nhỏ hơn một nửa so với kích thước ban đầu, và không gian xung quanh nó đã chứa đầy chất lỏng thẫm màu. Tệ nhất là chất tương phản mà họ tiêm vào mạch máu không chỉ ở trong tĩnh mạch, mà còn rỉ ra và lan đến khối máu tụ vẫn đang to lên. Một màu trắng xóa trên nền máu đen cũ. Tôi vẫn đang chảy máu.

Không khí trong căn phòng thay đổi. Các điều dưỡng di chuyển nhanh chóng và có mục đích hơn, với những bước chân hiệu quả nhất có thể. Hành lang bên ngoài đầy các chuyên gia và tiếng thảo luận đầy lo lắng. Các gợi ý được tìm kiếm, hoan nghênh, tán thành và rồi bác bỏ. Cảm giác như thể một bộ bài được tung lên không trung và mỗi người đều chạy đua với thời gian để cầm trên tay những lá tốt nhất vậy

Khi bác sĩ chính của tôi cuối cùng cũng quay trở lại, anh bước vào với vẻ mặt căng thẳng, trang trọng và giọng điệu cẩn trọng. Tôi nhận ra điệu bộ cũng như cao độ trong giọng nói của anh ấy. Đó là cách tôi thường nói chuyện với những bệnh nhân mà tôi biết sẽ không qua khỏi bất kể có cố gắng thế nào. Kế hoạch đã được vạch ra. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, tôi sẽ được đưa trở lại phòng phẫu thuật, họ sẽ mở lại vết mổ, hút máu tụ, cố gắng tìm nguyên nhân xuất huyết, chặn những miếng gạc dày quanh gan của tôi và để khoang bụng tôi mở. Họ sẽ để khoang bụng tôi mở. Trong trường hợp này, họ sẽ không đóng vết mổ mà

phủ các nội tạng lộ ra ngoài bằng một lớp phim giống như nhựa dẻo và chờ đợi. Chờ xem kết quả của cuộc phẫu thuật thành công hay thất bại. Chờ cho tôi khỏi bệnh, cho máu ngừng chảy, đến khi nhiễm trùng bắt đầu, đại loại như vậy. Họ sẽ đợi, và sau đó họ sẽ đưa tôi trở lại phòng phẫu thuật. Sửa những gì cần sửa và rồi bắt đầu lại.

Không ai thích lựa chọn đó. Thậm chí sẽ không ai đề xuất điều đó nếu có một lựa chọn tốt hơn. Không ai nghĩ rằng đây là một lựa chọn sẽ mang đến kết quả rằng tôi có thể xuất viện một cách bình thường. Nhưng họ sẽ làm điều đó nếu không còn lựa chọn nào khác. Họ sẽ làm điều đó để nói rằng họ đã làm tất cả những gì có thể. Họ đã làm điều đó trước đây trong những tình huống tương tự. Tất cả những bệnh nhân đó đều không qua khỏi.

Mọi người đều tin rằng tôi đang chảy máu từ bề mặt gan, đây là một biến chứng đáng sợ của hội chứng HELLP, một tình trạng chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Việc dịch lan ra từ đó là một chẩn đoán giả định, họ không thể chỉ đơn giản đi vào và chặn một mạch máu nào đó. Thời điểm đó, không ai biết rằng có hai khối u máu trong gan của tôi, một đã vỡ ra và xuất huyết vào ổ bụng. Không thể cắt nguồn cung cấp máu của khối u vì không thể nhìn thấy chúng. Giống như một cặp tắc kè hoa, họ không thể nhìn thấy hai khối u do chúng đã ngụy trang và hòa chung màu sắc với tế bào gan. Sau đó, khi biết phải tìm kiếm khối u, chúng tôi đã căn vừa đúng thời gian tiêm chất phản quang và bắt chúng tại trận. Sau đó, khối u có thể được xử lý.

Nhưng điều đó sẽ không xảy cho đến một năm sau đó. Ngay lúc này, tôi đang xuất huyết và không có cơ chế nào để ngăn chặn dòng chảy.

Họ để ngỏ khả năng rằng tình trạng mất máu bằng cách nào đó sẽ dừng lại. Sau đó, họ có thể truyền thêm tác nhân đông máu cho cơ thể tôi. Với giả định rằng bằng cách nào đó gan của tôi có thể bắt đầu hồi phục, bất chấp bị đè nén. Họ cũng sẽ truyền máu cho tôi và hy vọng rằng thận có thể đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là bài tiết lượng chất lỏng thừa ra ngoài. Mọi thứ đã bắt đầu. Chúng tôi sẽ chờ xem.

Chất lỏng xung quanh phổi tích tụ lại với tốc độ nhanh hơn, đó là tác dụng phụ của những lần truyền máu. Tình trạng dinh dưỡng của tôi kém đến mức lượng protein trong cơ thể đã giảm do không thể ăn nhiều hơn một muỗng canh mỗi bữa. Điều này làm cho nước ứ trong các mô khi thẩm thấu qua thành mạch máu. Tôi đã học được cách cảm nhận khối lượng chất lỏng trong lồng ngực, và khi nó đạt đến hai hoặc ba lít, tôi sẽ yêu cầu nhóm chăm sóc hút ra. Đó dường như là giải pháp đủ đơn giản và mang đến cho tôi khả năng kiểm soát ở mức độ nào đó. Kế hoạch này đã được chứng minh là hợp lý trong khoảng hai tuần, cho đến một ngày khi họ đặt kim và chỉ rút ra được một lượng dịch nhỏ. Tôi cảm thấy đau nhói.

“Có gì đó không ổn,” tôi cảnh báo. Việc đó chưa bao giờ đau thế này. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng họ đã làm xẹp phổi tôi bằng kim tiêm.

“Tôi không hút được nhiều dịch. Ai đó lấy máy siêu âm đi,” bác sĩ chuyên khoa hô hấp yêu cầu.

Khi đầu dò siêu âm được đặt lên lưng, tôi quan sát màn hình. Tôi biết có một lượng lớn chất lỏng; tôi có thể cảm nhận điều đó. Và trên màn hình, tôi có thể nhìn thấy chất lỏng bao quanh lá phổi bị chèn ép của mình, nhưng có điều gì đó kỳ lạ ở đây: Những sợi dài, giống như đám rong ở ngoài biển, lơ lửng trong chất lỏng.

“Chúng bắt đầu chia ngăn,” anh ta nói, cũng nhìn thấy điều tương tự với tôi.

Protein trong chất lỏng đã tụ lại và hình thành những sợi cứng, giống như đường bám trên sợi dây trong thí nghiệm khoa học lúc còn nhỏ. Các sợi phân tách chất lỏng thành những túi riêng rẽ, mỗi túi là một ngăn riêng biệt và không thể xử lý chỉ bằng một cây kim.

“Chúng tôi không thể rút cạn nó, tôi xin lỗi.”

Tôi cố gắng để hiểu được hàm ý điều này. Nếu không thể rút dịch ra, tôi sẽ không thể tự thở được. Tôi sẽ luôn phải phụ thuộc vào oxy. Không có hy vọng hồi phục theo thời gian, chỉ có bệnh mạn tính không bao giờ thuyên giảm.

“Không thể thế được,” tôi phản bác. Tôi đã phải đối mặt với những giới hạn của lựa chọn điều trị với tư cách là một bác sĩ, và trong thâm tâm, tôi hiểu rằng khả năng không còn lựa chọn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng là một bệnh nhân, tôi không thể chấp nhận rằng chúng tôi đã chạm phải bức tường đó. Tim tôi loạn nhịp. Tôi cắm chặt móng vào lòng bàn tay, cố gắng ngăn mình bật khóc

“Vậy chúng ta phải làm gì?” Randy hỏi.

“Phá vỡ các vách ngăn đó cần đến phẫu thuật. Và ngay cả phẫu thuật cũng không đảm bảo thành công. Ngoài ra, cô ấy không đủ sức khỏe để phẫu thuật. Cô ấy phải chấp nhận sống chung với nó thôi.”

Tôi phải sống chung với nó. Sống chung với đống dịch và chờ đợi tình trạng xuất huyết tiếp tục xảy ra. Tôi không thể hiểu làm thế nào mình có thể sống như vậy mà không phát điên. Tôi cảm thấy không thể tin nổi và tuyệt vọng đến hoảng loạn, điều mà tôi đã từng nhận thấy trên khuôn mặt của những bệnh nhân giai đoạn cuối. Tôi nhận ra đó chính là cảm giác thôi

thúc mọi người chấp nhận những phương pháp điều trị thay thế chưa được chứng minh. Cảm giác rõ ràng rằng tôi không còn gì để mất. Tôi nghĩ về những bệnh nhân của mình, những người đã trải qua những ngày cuối cùng xa con cái, rời xa gia đình để tiếp nhận những phương pháp điều trị thử nghiệm chỉ được cung cấp tại các trung tâm điều trị ung thư ở những nơi xa xôi. Những bệnh nhân dành tiền tiết kiệm cả đời của họ để truyền vitamin, các loại thảo mộc tinh khiết và thuốc bổ. Tôi nghĩ về một bệnh nhân vô tình uống quá liều thứ trà độc dược mua ngoài chợ, với hy vọng mang lại khả năng sinh nở sau nhiều lần sẩy thai liên tiếp. Và trong khoảnh khắc đó, mọi thứ trở nên hoàn toàn hợp lý.