Thủy đậu từng là một từ bình thường. Nhưng giờ đây nó lại gieo rắc nỗi sợ cho nhiều cha mẹ và giáo viên. Vậy nên các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu về căn bệnh này một cách đúng đắn nhất để có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho con của mình. Trong cuốn sách “Vắc-Xin: Những điều cần biết về tiêm chủng bác sĩ Robert W. Sears đã đưa ra những lý do để sử dụng và không sử dụng loại vắc-xin thủy đậu này. Cùng tìm hiểu bạn nhé!
Lí do sử dụng loại vắc-xin thủy đậu
Nguyên nhân chính khiến các bậc cha mẹ để con tiêm loại vắc-xin này là vì họ không muốn trẻ mắc thủy đậu. Căn bệnh này có thể dẫn đến một tuần khó khăn và dù hiếm gặp, nhưng các biến chứng có thể xảy ra. Căn bệnh này cũng có thể gây nhiều vấn đề cho trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Một lợi ích khác của vắc-xin này là nếu trẻ mắc thủy đậu và đã được tiêm chủng từ trước (vắc-xin này không cung cấp sự bảo vệ tuyệt đối), diễn biến của bệnh sẽ nhẹ nhàng hơn.
Một lí do khác để tiêm phòng thủy đậu là căn bệnh này sẽ khiến trẻ phải nghỉ học trong một tuần. Điều này có thể trở thành một gánh nặng về mặt tài chính nếu như cả cha lẫn mẹ bé đều đang đi làm và một trong hai người sẽ phải xin nghỉ để ở nhà chăm sóc con.
Một số thành viên gia đình có thể bị mắc bệnh mạn tính, khiến bệnh thủy đậu đặc biệt nguy hiểm đối với họ. Ở những trường hợp này, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em thậm chí còn quan trọng hơn nữa.
Các bậc cha mẹ chưa từng bị thủy đậu khi còn nhỏ sẽ dễ nhiễm bệnh hơn, vì vậy họ có thể tiêm phòng cho con mình để phòng tránh căn bệnh này cho bản thân.
Cuối cùng, việc được tiêm vắc-xin này sẽ đem lại một lợi ích to lớn về mặt y tế công cộng. Nếu tất cả mọi người đều được tiêm vắc-xin, căn bệnh này sẽ gần như biến mất hoàn toàn (có thể căn bệnh sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng các đợt bùng phát nhỏ và biệt lập). Tuy nhiên, hiện giờ có quá nhiều người bỏ qua vắc-xin này, đến mức căn bệnh vẫn đang tồn tại ở mức độ từ thấp đến vừa phải trong quần thể. Ngành y tế công cộng đang xem xét việc bổ sung mũi tiêm vắc-xin thủy đậu nhắc lại cứ mỗi mười năm dành cho người trưởng thành, tuy nhiên điều này vẫn chưa được quyết định.
Lí do khiến một số người không lựa chọn loại vắc-xin thủy đậu
Có lẽ lí do chính khiến một số cha mẹ lựa chọn không cho con mình tiêm phòng thủy đậu là bởi họ không lo ngại về căn bệnh này. Họ biết rằng bệnh thủy đậu, mặc dù rất khó chịu, nhưng nó thường vô hại về lâu dài (trừ phi trường hợp tử vong cực kì hiếm gặp xảy ra). Các bậc cha mẹ từng mắc bệnh này có thể xem nó như một điều tất yếu xảy ra với trẻ em.
Một số cha mẹ thực ra còn muốn con mình mắc thủy đậu. Trong đa phần trường hợp, việc mặc bệnh sẽ đem lại khả năng miễn dịch trọn đời (khả năng miễn dịch này tốt hơn so với những gì vắc-xin đem lại). Điều này đặc biệt quan trọng với các bé gái, vì khả năng miễn dịch với thủy đậu ở độ tuổi mang thai là một điều hữu ích. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được miễn dịch trọn đời. Việc phơi nhiễm với bệnh lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời sẽ giúp củng cố khả năng miễn dịch. Do căn bệnh này giờ đây ít phổ biến hơn nên người trưởng thành không còn được tái phơi nhiễm nhiều như trước nữa. Khả năng miễn dịch từ bệnh vẫn tốt hơn và tồn tại lâu hơn khả năng miễn dịch từ vắc-xin, tuy nhiên nó không được bảo đảm.
Các bậc cha mẹ biết rằng nếu con mình mắc bệnh, họ có thể sử dụng thuốc kháng virus để giúp trẻ đỡ khó chịu. Một điểm khác là ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên và thanh niên bị mắc giời leo hơn trước. Những trẻ từng được tiêm chủng này lớn lên trong khi không có miễn dịch tự nhiên từ bệnh, đồng thời vắc-xin sẽ dần hết tác dụng. Có thể virus trong vắc-xin bùng phát thành giời leo, cũng có thể trẻ mắc virus mà không hề hay biết và do vậy bị giời leo.
Cuối cùng, một số cha mẹ nghi ngại về quy trình sản xuất và thành phần của vắc-xin. Có thể đó là nguyên nhân khiến họ né tránh vắc-xin.
Cha mẹ nên làm gì nếu con của họ đã đến tuổi vị thành niên nhưng chưa từng mắc thủy đậu? Nếu con họ mắc bệnh ở độ tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành, tình trạng bệnh có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Nhưng họ vẫn còn hi vọng. Thuốc kháng virus acyclovir có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, khiến nó bớt đáng lo ngại hơn với trẻ vị thành niên và người lớn. Ngoài ra, trẻ vị thành niên có thể xét nghiệm máu kiểm tra xem bản thân có từng bị phơi nhiễm đủ với thủy đậu để đạt được khả năng miễn dịch không, ngay cả khi trẻ không gặp phải triệu chứng. Cha mẹ (và anh em trong gia đình) có thể yên tâm nếu trẻ đã có khả năng miễn dịch. Nếu xét nghiệm máu cho thấy trẻ dễ bị mắc thủy đậu, gia đình buộc phải đưa quyết định: chấp nhận nguy cơ mắc bệnh hoặc tiêm chủng cho trẻ.
Một điểm tích cực cho những trẻ vị thành niên và thanh niên chưa tiêm chủng và dễ bị mắc bệnh: Trong 20 năm tới, có khả năng thủy đậu sẽ hiếm gặp hơn (nếu như số người đã tiêm chủng là đủ lớn). Vì vậy, nguy cơ nhiễm bệnh sau này sẽ thấp hơn hiện tại rất nhiều.