Các nhà khoa học đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của giấc ngủ đối với não bộ. Năm 1924, hai nhà tâm lý học John G. Jenkins và Karl M. Dallenbach thuộc Đại học Cornell đã chỉ ra rằng sau một giấc ngủ ngon, chúng ta có khả năng ghi nhớ tốt hơn nhiều. Họ khẳng định “chẳng có thông tin gì bị mất đi trong giấc ngủ; khi thức dậy, chúng ta có thể thực hiện công việc với tinh thần sảng khoái và tràn đầy sức sống”. Kể từ đó, những nghiên cứu dần trở nên tiên tiến hơn, nhưng kết quả vẫn không kém phần hấp dẫn. Giấc ngủ không chỉ cần thiết với khả năng ghi nhớ mà còn đóng nhiều vai trò đa dạng trong hoạt động của não.
Nhìn chung, tình trạng thiếu ngủ sẽ cản trở bạn xử lý thông tin. Không chỉ khả năng ghi nhớ bị suy giảm, mà khả năng diễn giải thông tin cũng bị đe dọa. Mất ngủ có thể gây ra các vấn đề không thể phục hồi về trí nhớ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng xử lý và ra quyết định. Một nghiên cứu đáng chú ý vào năm 2013 cho thấy “tình trạng ngủ chập chờn ở người lớn tuổi có liên quan đến bệnh Alzheimer và tốc độ suy giảm nhận thức”. Mặc dù chúng ta đã biết vấn đề giấc ngủ là một nguyên nhân phổ biến của các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy giấc ngủ gián đoạn có thể xuất hiện từ nhiều năm trước khi một người được chẩn đoán mắc bệnh. Điều này có nghĩa là chất lượng ngủ kém có thể là dấu hiệu ban đầu của nguy cơ sa sút trí tuệ.
Nói cách khác, các vấn đề về giấc ngủ là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự bất thường trong não bộ của bạn. Thiếu ngủ gây ra vấn đề trên khắp cơ thể. Một bài báo vào năm 2017 do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố cho thấy, ở những người có tiền sử bệnh tim, việc ngủ ít hơn 6 tiếng có liên quan đến sự gia tăng 29% nguy cơ mắc các bệnh tim nghiêm trọng (chẳng hạn như tử vong hoặc lên cơn đau tim). Một nghiên cứu vào năm 2017 trên 18 nghìn người trưởng thành đã chỉ ra rằng: Với những người mắc tiền tiểu đường, việc ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm sẽ làm tăng thêm 44% nguy cơ tiến triển thành tiểu đường, còn việc ngủ ít hơn 5 tiếng sẽ làm nguy cơ tăng thêm 68%.
Nghiên cứu kết luận rằng “thời gian ngủ đủ rất quan trọng trong việc trì hoãn hoặc ngăn ngừa tiền tiểu đường phát triển thành tiểu đường”. Hãy nhớ rằng bệnh động mạch vành, tiền tiểu đường và tiểu đường đều là những bệnh có đặc tính viêm. Chúng đều có thể làm suy giảm chức năng não bộ và tăng nguy cơ phát triển chứng suy giảm nhận thức vĩnh viễn. Ngoài ra, một điều cực kỳ quan trọng là việc ngủ không đủ giấc sẽ kích thích cơ thể sản sinh các hóa chất gây viêm.
Nhờ vào quá trình sản sinh kynurenine, các chất này có thể dẫn đến trầm cảm và làm mỏng vỏ não trước trán.10 Ở những bệnh nhân bị tiền tiểu đường và tiểu đường, não bộ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng gấp ba lần. Sự thiếu ngủ kết hợp với lượng đường trong máu tăng cao sẽ thúc đẩy quá trình glycation và tình trạng viêm, dẫn đến bệnh mạn tính, trầm cảm và mất kết nối với vỏ não trước trán. Những hậu quả ấy khiến niềm hạnh phúc càng trở nên khó nắm bắt.
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thiếu ngủ đều có thể dẫn đến chủ đề bệnh béo phì. Nội dụng của các nghiên cứu ghi lại mối quan hệ giữa sự thiếu ngủ với tình trạng tăng cân và béo phì có thể chiếm hết độ dày cả cuốn sách này và nhiều cuốn khác nữa. Việc thiếu ngủ dẫn đến tăng cân là sự thật không còn gì để bàn cãi. Nhưng tại sao lại như vậy? Nhiều yếu tố đã kết hợp để thúc đẩy cân nặng tăng lên, từ những thay đổi nội tiết tố phức tạp liên quan đến cảm giác thèm ăn, cho đến sự thèm thuồng trước đồ ăn vặt. Theo một nghiên cứu, ở nhóm người thiếu ngủ, “những thay đổi thần kinh có liên quan đến sự gia tăng đáng kể cảm giác thèm những món dễ làm tăng cân (chứa hàm lượng calo cao); càng thiếu ngủ nhiều, người tham gia càng thèm ăn dữ dội hơn”.11 Nói cách khác, việc tiêu thụ thực phẩm gây tăng cân có liên quan trực tiếp đến thời gian thiếu ngủ. Năm 2011, Tạp chí American Journal of Clinical Nutrition đã cho biết thiếu ngủ có thể khiến chúng ta tiêu thụ thêm 300 calo mỗi ngày. Lượng calo này sẽ được tích lũy trong cơ thể.
Tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến các liên kết trong não bộ? Có khả năng nó kích thích hạch hạnh nhân hoạt động quá mức và làm suy giảm chức năng của vỏ não trước trán, khiến bạn dễ dàng lựa chọn những thực phẩm không lành mạnh. Nghiên cứu trên đã tiến thêm một bước vào năm 2019. Các nhà khoa học đã xem xét ảnh chụp não bộ của những người thiếu ngủ và so sánh với não của những người được ngủ đủ. Trong nhóm thiếu ngủ, hạch hạnh nhân tích cực giao tiếp nhiều hơn với vùng dưới đồi – vùng não kiểm soát cảm giác đói. Từ lâu, chúng ta đã nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc mất ngủ, ngủ không ngon giấc và béo phì, nhưng giờ mới hiểu nguyên nhân tại sao: thiếu ngủ cướp đi khả năng lựa chọn thực phẩm khôn ngoan. Hầu hết chúng ta đều gặp tình trạng này. Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn thiếu ngủ. Dường như bạn rất thèm thức ăn có nhiều đường. Chính những lựa chọn thực phẩm sai lầm đã đe dọa sự kết nối với vỏ não trước trán. Mối liên hệ giữa việc ngủ không đủ giấc và hội chứng mất kết nối đã quá rõ ràng
Nếu tác dụng kiểm soát chế độ ăn uống và cân nặng hiệu quả hơn chưa đủ để khuyến khích bạn duy trì giấc ngủ ngon, vậy hãy xem xét tác động của tình trạng thiếu ngủ đến hệ thống miễn dịch. Bạn đã bao giờ bị cảm lạnh vì ngủ không ngon chưa? Hãy nhớ lại chuyện một trong hai chúng tôi (David) mắc bệnh thủy đậu, quai bị và kiết lỵ trong thời gian làm bác sĩ nội trú, một thời kỳ thiếu ngủ đáng sợ . Vì việc thiếu ngủ làm suy giảm hệ thống miễn dịch nên bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng. Cơ chế này gồm hai mặt: Các tế bào quan trọng của hệ thống miễn dịch có chức năng chống nhiễm trùng bị giảm đi, còn các thành phần gây viêm tăng lên. Bạn sẽ không hề muốn rơi vào tình trạng này trong mùa cúm. Chưa hết, có bằng chứng cho thấy thiếu ngủ cực kỳ nghiêm trọng có thể gây ra tử vong. Những con chuột thiếu ngủ trầm trọng đã chết vì hệ thống miễn dịch của chúng bị tổn hại đến mức không thể chống chọi nổi nhiễm trùng cơ hội. Nếu thiếu ngủ làm tăng tỉ lệ mắc bệnh nhiễm trùng, vậy bạn hãy tưởng tượng hậu quả mà nó gây ra đối với nguy cơ nhiễm các loại bệnh khác.
Việc thiếu ngủ có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải tất cả tình trạng sau thông qua sự kết hợp phức tạp giữa các quá trình sinh học:
- thừa cân và béo phì;
- kháng insulin, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường;
- mất trí nhớ, lú lẫn và lơ mơ;
- sa sút trí tuệ và Alzheimer;
- suy giảm chức năng miễn dịch;
- các biến cố tim mạch, bao gồm đau tim;
- ung thư;
- giảm ham muốn tình dục và rối loạn chức năng tình dục;
- chán nản và trầm cảm;
- dễ nhiễm trùng;
- bốc đồng, dễ cáu giận;
- nghiện ngập;
- hội chứng mất kết nối;
- giảm tuổi thọ.
(Trích từ cuốn sách “Thanh lọc não bộ” – Bác sĩ David Perlmutter, Austin Perlmutter, Kristin Loberg chấp bút)