Nếu trước đây tình trạng rối loạn giấc ngủ thường được xem là bệnh của người già, thì ngày nay, tình trạng này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bạn có biết tại sao lại như vậy?
Tình trạng rối loạn giấc ngủ đang ngày càng trẻ hóa
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng xã hội ngày càng bận rộn, áp lực nên những bệnh liên quan đến stress đang có xu hướng ngày càng gia tăng, một trong số đó là rối loạn giấc ngủ. Trong rối loạn giấc ngủ, mất ngủ chiếm hơn 50% các trường hợp.
Người trưởng thành cần ngủ 8 tiếng mỗi ngày, còn ngủ dưới 6 tiếng/ngày được coi là mất ngủ. Khi mất ngủ sẽ có 2 yếu tố cần quan tâm, đó là thời gian ngủ và kiểu rối loạn. Có 3 kiểu rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó đi vào giấc ngủ (nằm mãi không ngủ được), khó duy trì giấc ngủ (cứ ngủ được 2 giờ đồng hồ là dậy, không duy trì được giấc ngủ lâu) và khó quay lại giấc ngủ (thức giấc và không ngủ lại được nữa).
Một vấn đề khiến nhiều chuyên gia quan tâm là trước đây, tình trạng rối loạn giấc ngủ thường chỉ xảy ra với những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng rối loạn giấc ngủ ngày càng có khuynh hướng trẻ hóa khi xảy ra với những người trong độ tuổi từ 25 – 30. Điều này khá đáng lo vì mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng tới nhiều vấn đề sức khỏe ở người trẻ, khiến nhiều người hay thấy mệt mỏi sau khi thức dậy, đau đầu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thường ngày.
Những nguyên nhân có thể gây mất ngủ ở người trẻ tuổi
Áp lực công việc, học tập
Cuộc sống hiện đại buộc những người trẻ luôn phải bận rộn với guồng quay công việc, học tập. Theo đó, áp lực từ các kỳ thi, thời hạn công việc (deadline)… có thể khiến hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ.
“Nghiện” thiết bị công nghệ – nguyên nhân gây mất ngủ hàng đầu ở giới trẻ
Nhiều người trẻ có thói quen sử dụng máy tính, điện thoại… trước khi đi ngủ. Việc tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử có thể gây hại cho hệ thần kinh, gây nhức mắt, mỏi mắt, cũng như dẫn tới mất ngủ, khó ngủ.
Không gian phòng ngủ không phù hợp
Không khí trong phòng ngủ thiếu lượng oxy cần thiết có thể gây ra cảm giác ngột ngạt và mất ngủ ở người trẻ tuổi.
Thói quen ăn uống không hợp lý
Thói quen ăn quá no trước khi ngủ có thể khiến bạn bị mất ngủ do cơ thể phải hoạt động để tiêu hóa lượng thức ăn đã nạp vào.
Sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích trong cà phê, trà, thuốc lá… càng ngày càng phổ biến trong cuộc sống của giới trẻ. Những chất kích thích có chứa nicotine, caffeine có thể khiến não bộ hưng phấn, tỉnh táo và không có cảm giác muốn ngủ. Điều này có thể gây rối loạn nhịp sinh học, dần dẫn tới chứng mất ngủ.
Mất cân bằng hưng phấn và ức chế
Nhiều người trẻ có một cuộc sống sôi động nên lịch sinh hoạt có thể không cố định. Thói quen ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ không khoa học, không theo giờ giấc sinh học có thể dẫn tới rối loạn hormone. Điều này cũng có thể gây ra chứng mất ngủ ở người trẻ.
Nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng mất ngủ ở người trẻ tuổi cũng có thể do một số bệnh lý thực thể, ví dụ như:
- Bệnh lý thần kinh: Bệnh Parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não….
- Bệnh xương khớp: Gout, thoát hóa cột sống…
- Bệnh tiêu hóa: Trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày, đại tràng.
- Bệnh tiết niệu: Tiểu bí, tiểu buốt, u tiền liệt tuyến…
- Bệnh hô hấp: Viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, hen suyễn…
- Bệnh nội tiết: Đái tháo đường, suy giáp, suy tuyến thượng thận, cường giáp…
Link bài gốc: https://suckhoecong.vn/tai-sao-ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-bi-roi-loan-giac-ngu-mat-ngu-d80321.html