Review sách Vaxxers: Câu chuyện cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford

VAXXERS – CÂU CHUYỆN VỀ CUỘC ĐUA PHÁT TRIỂN VẮC-XIN CHỐNG COVID-19 CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC OXFORD (VAXXERS – The Inside Story of the Oxford AstraZeneca Vaccine and the Race Against the Virus) – Sarah Gilbert & Catherine Green

Trong cuộc đua giữa con người và virus, chúng ta đã để virus dẫn trước và đây là câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin phòng Covid-19 của các nhà khoa học Oxford. Đây là một trong những câu chuyện phi thường nhất lịch sử y học: tạo ra vắc-xin trong thời gian kỉ lục là mười hai tháng thay vì mười năm như thường lệ. Thành công này có thể được so sánh với kì tích của bác sĩ Alexander Fleming – cha đẻ của thuốc kháng sinh.

Sarah Gilbert là Giáo sư Chuyên ngành vắc-xin tại Đại học Oxford, bà chuyên nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng bệnh cúm và các tác nhân gây bệnh mới nổi. Catherine Green là một nhà sinh vật học, Phó Giáo sư về Động lực học nhiễm sắc thể tại Trung tâm Di truyền học Người Wellcome thuộc Đại học Oxford. Trong đại dịch Covid-19, hai nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng Covid-19 Oxford AstraZeneca.

Bằng cách nào mà các nhà khoa học có thể phát triển vắc-xin trong mười hai tháng mà không cắt bỏ bất cứ bước nào? Đó chính là nhờ vào “công nghệ nền tảng ChAdOx1” – có thể được dùng để sản xuất các loại vắc-xin khác. vắc-xin phòng bệnh cúm và MERS (2012) đã sử dụng nền tảng này, vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I nhưng vì thiếu kinh phí nên đã dừng lại. Bên cạnh đó, Giáo sư Sarah Gilbert cũng từng tham gia chế tạo vắc-xin phòng Ebola (2014) – một vắc-xin vector adenovirus không sao chép khác, đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn II nhưng chưa được đưa vào thử nghiệm giai đoạn III vì dịch bệnh đã được kiểm soát và đã có một vắc-xin phòng Ebola khác được thử nghiệm thành công. Từ những kinh nghiệm đó, bà đã phát triển vắc-xin AstraZeneca (2020) là vắc-xin vector adenovirus của khỉ tái tổ hợp không sao chép, sử dụng nền tảng ChAdOx1.

Bây giờ hãy tưởng tượng việc phát triển vắc-xin như việc làm bánh. Thợ làm bánh (nhà khoa học) nướng sẵn cốt bánh (công nghệ nền tảng ChAdOx1), khách hàng (mầm bệnh, trong trường hợp của chúng ta là một đại dịch) đến cửa hàng order, thợ làm bánh (nhà khoa học) bắt đầu trang trí bánh theo yêu cầu (thiết kế DNA tổng hợp mã hóa cho glycoprotein gai của coronavirus) và hoàn thành bánh (vaccin). Tuy nhiên các nhà khoa học không hề biết rằng họ sẽ phải phát triển một vắc-xin chống lại một đại dịch trong khi chính họ cũng đang ở trong đại dịch đó, đồ bảo hộ thiếu hụt, việc mua một chai nước rửa tay cũng vô cùng khó khăn, lệnh giãn cách xã hội đã giúp làm giảm số ca bệnh nhưng đồng thời cũng kéo dài thời gian thử nghiệm vắc-xin (thử nghiệm kiểm tra hiệu lực vắc-xin AZ được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên có đối chứng giả dược và có làm mù, tức là chia TNV làm hai nhóm, một nhóm được tiêm vắc-xin và nhóm còn lại tiêm giả dược (có làm mù), để TNV “phơi nhiễm tự nhiên” với mầm bệnh (vì đối với Covid-19, gây bệnh trực tiếp cho TNV là vi phạm đạo đức), càng nhiều ca dương tính trước khi giải mù thì kết quả càng đáng tin cậy). Bên cạnh đại dịch Covid-19, các nhà khoa học – những người hùng thầm lặng, ẩn mình trong phòng thí nghiệm còn phải chống lại một đại dịch khác: đại dịch tin giả.

Review sách Vaxxers: Câu chuyện cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford

Khi TP.HCM bắt đầu kế hoạch tiêm vắc-xin, một vài người bạn trên facebook của mình đã post những bài cổ xúy việc antivaccin, tất nhiên là điều đó cũng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Tác giả đã dành hẵn một chương để “giải đáp” những thông tin sai lệch về vắc-xin (gây vô sinh, tổn thương DNA vĩnh viễn, vì sao thông cáo báo chí lại xuất hiện trước bài báo học thuật,…) và cả những câu chuyện bên lề khác, khi vắc-xin vô tình trở thành quả bóng chính trị của các chính trị gia. Chắc chắn là các nhà khoa học và tất cả chúng ta đều không hề muốn vaccin nhanh chóng được phê duyệt chỉ để một chính trị gia được tái đắc cử.

Chúng ta đã học được một bài học rằng không nơi nào trên thế giới có thể được xem là an toàn khi một căn bệnh truyền nhiễm mới bùng phát. Không ai có được sự an toàn nếu tất cả mọi người chưa được an toàn. Rủi ro khi tiêm vắc-xin là có, nhưng vì lợi ích của việc tiêm vắc-xin nhiều hơn nên hãy lựa chọn tiêm vắc-xin. Bạn chọn ở nhà để tránh bị tai nạn xe hơi, nhưng chưa chắc tránh được nguy cơ… máy bay rơi trúng nhà bạn và bạn cần ra khỏi nhà để đi học, đi làm. Việc tiêm vắc-xin cũng vậy.

Tháng 2/2018, WHO công bố danh sách mười bệnh ưu tiên hàng đầu, trong đó có “bệnh dịch X”. Tháng 1/2020, bệnh dịch X dần lộ diện. 31/12/2020, vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca được phê duyệt sử dụng tại Vương quốc Anh. Biến chủng mới nhất của Covid-19 là Omicron. Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia về bệnh truyền lây từ động vật sang người đã cảnh báo về việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, áp lực do chăn nuôi qui mô công nghiệp, biến đổi khí hậu đang tạo cơ hội cho “bệnh dịch Y” xuất hiện.

Mình đã rất xúc động khi đọc quyển sách này, mọi cảm xúc, kí ức từ lúc TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội, giờ giới nghiêm được ban hành, nơi mình ở bị phong tỏa, đi siêu thị phải xếp hàng,… mọi thứ như vừa mới xảy ra hôm qua. Mình tin câu chuyện của hai nhà khoa học sẽ chạm đến trái tim người đọc, sẽ có thêm một TNV tham gia thử nghiệm, thêm một em học sinh ghi “nhà khoa học” vào danh sách công việc mơ ước, thêm một nhà tài trợ cho mục tiêu chung, để công việc nghiên cứu ít bấp bênh và các nhà khoa học có thể tiếp tục công việc của họ.

Sách còn mang lại cho mình sự thích thú như lúc mình đọc quyển “Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks” (Rebecca Skloot) – sách yêu thích của mình năm 2020, những kiến thức khoa học được lồng ghép với các câu chuyện lịch sử, xen kẽ một chút tính thời sự. Trong trường hợp bạn không biết bất kì thông tin gì về các loại vaccin, quá trình chế tạo vaccin thì hãy đọc phần phụ lục A,B phía sau sách trước khi bắt đầu đọc sách. Nếu được chấm điểm cho “sự dễ hiểu” của các kiến thức khoa học được đề cập trong sách, mình sẽ mạnh dạn cho 20/10.

Độc giả Thùy Giang – 07/02/2022