Review sách Nguồn gốc dịch bệnh

Nhiều năm rồi tôi không còn chú tâm đọc sách, thưởng thức nó như một thú vui như trước: đọc sách cùng nhiều việc khác đều được sắp xếp, tổ chức sao cho tối ưu thời gian mà vẫn có kết quả như mong muốn. Một trong những cuốn sách gần đây – đánh giá về văn hoá tổ chức qua các thời đại và mô hình văn hoá tổ chức hiện đại, khoảng 200 trang – tôi đọc trên chuyến bay khứ hồi HN – SG – HN.

Lúc này khi thời gian là thứ thừa mứa, tôi lại có thể đọc sách như một thú vui, nghiền ngẫm nó ở những chiều sâu nhất trong suy nghĩ của tác giả và cả bản thân mình. Tôi đọc về thứ đang gây ra tất cả những hỗn loạn, bối rối, sợ hãi, kì thị, so bì, chết chóc ngoài kia – có lẽ là ích lợi hơn so với việc cuốn theo những bình luận về tất cả những thứ đó.

NGUỒN GỐC DỊCH BỆNH

David Quammen

“Bệnh truyền nhiễm có mặt ở mọi nơi, một thứ vữa tự nhiên kết dính sinh vật này với sinh vật khác, loài này với loài khác, trong khối công trình phức tạp mà chúng ta gọi là hệ sinh thái. Bệnh truyền nhiễm là một trong những quá trình cơ bản được các nhà sinh thái học nghiên cứu, cùng với săn mồi, cạnh tranh, phân hủy và quang hợp. Thú săn mồi là những con vật to lớn ăn thịt con mồi từ bên ngoài; còn mầm bệnh (tác nhân gây bệnh, như virus) là những con vật bé nhỏ ngấu nghiến con mồi từ bên trong. Tuy bệnh truyền nhiễm có thể mang lại cảm giác ghê rợn và khủng khiếp, dưới điều kiện bình thường, chúng vẫn hoàn toàn là một phần của tự nhiên, như những gì sư tử làm với linh dương đầu bò và ngựa vằn, hay cú làm với chuột.

Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng bình thường. Cũng giống như thú săn mồi có con mồi quen thuộc – những mục tiêu ưa thích – mầm bệnh cũng vậy. Nhưng cũng giống như sư tử đôi khi có thể săn bò thay vì linh dương đầu bò, hay con người thay vì ngựa vằn, mầm bệnh cũng có thể chuyển sang mục tiêu mới. Tai nạn vẫn có thể xảy ra. Những điều bất thường vẫn có khả năng xuất hiện. Điều kiện thay đổi, cùng với đó là nhu cầu và cơ hội cũng thay đổi. Khi mầm bệnh thành công trong việc truyền từ động vật sang người và có thể gây bệnh hay tử vong, kết quả có được là một bệnh lây truyền từ động vật.

Review sách Nguồn gốc dịch bệnh 1

Thuật ngữ bệnh lây truyền từ động vật có thể không được quá nhiều người biết đến, nhưng lại giúp làm sáng tỏ những điểm phức tạp về sinh lý đằng sau những bản tin đáng lo ngại về cúm lợn, cúm gia cầm, SARS, hay những căn bệnh mới nổi nói chung, cũng như nguy cơ về một đại dịch toàn cầu. Nó giúp chúng ta hiểu được vì sao y học và các chiến dịch y tế công cộng đã có thể đánh bại những căn bệnh khủng khiếp như đậu mùa và bại liệt, nhưng không thể chiến thắng những đại dịch khủng khiếp khác như sốt xuất huyết và sốt vàng. Nó nói lên một điều gì đó mấu chốt về nguồn gốc của AIDS. Một thuật ngữ dành cho tương lai và chắc chắn sẽ được sử dụng rất nhiều trong Thế kỷ 21.

Ebola là một bệnh lây truyền từ động vật. Dịch hạch cũng vậy. Cúm Tây Ban Nha thời kỳ 1918-1919 cũng thế: Dịch bệnh này bắt nguồn từ một cá thể thủy cầm hoang dã, sau khi lây lan qua một vài loài vật nuôi (vịt ở miền nam Trung Quốc hay lợn ở Iowa?), cuối cùng xuất hiện trên người và lấy đi 50 triệu mạng sống trước khi chìm vào quên lãng. Tất cả những bệnh cúm ở người đều bắt nguồn từ động vật. Thủy đậu, lao bò, bệnh Lyme, sốt Tây sông Nile, sốt Marburg, bệnh dại, hội chứng hô hấp do hantavirus, bệnh than, sốt Lassa, sốt thung lũng Rift, bệnh ấu trùng di chuyển ở mắt, sốt phát ban, sốt xuất huyết Bolivia, bệnh rừng Kyasanur, và cả căn bệnh viêm não Nipah kỳ lạ mới xuất hiện, thứ tàn sát những con lợn cũng như những người nông dân tại Malaysia. Điểm chung của tất cả những căn bệnh này là đều có sự lây truyền mầm bệnh từ các động vật khác sang người. AIDS – một căn bệnh do virus gây ra – có nguồn gốc từ động vật và truyền sang người qua sự phơi nhiễm tình cờ ở miền tây và trung Phi, giờ đây lây từ người sang người với số bệnh nhân lên đến hàng triệu. Kiểu lây truyền khác loài này không hề hiếm gặp, trái lại vô cùng phổ biến; khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm đã được biết tới ở người thường xuyên hoặc gần đây mới lây truyền chéo giữa chúng ta và các động vật khác. Rất nhiều căn bệnh trong số đó – tiêu biểu là bệnh dại – vô cùng quen thuộc và phổ biến; chúng vẫn có khả năng de dọa và cướp đi tính mạng của hàng nghìn người, bất chấp những cố gắng kéo dài hàng thế kỷ, các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát hay xóa sổ chúng, cũng như kiến thức khoa học rõ ràng về cách thức những căn bệnh này hoạt động. Những căn bệnh khác lại mới và lẻ tẻ một cách khó hiểu, chỉ lây cho từ một số (như virus Hendra) cho đến vài trăm bệnh nhân (Ebola) ở đây đó, rồi biến mất trong nhiều năm.

Bệnh đậu mùa, một ví dụ cho trường hợp đối lập, không phải là bệnh lây truyền từ động vật. Đậu mùa do variolavirus gây ra, và trong điều kiện thông thường chỉ lây cho người. (Trong phòng thí nghiệm lại là chuyện khác. Các nhà khoa học tiêm virus vào những cá thể linh trưởng không phải người hay các động vật khác, thường để phục vụ mục đích nghiên cứu vắc-xin.) Điều đó giúp lý giải tại sao một chiến dịch toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng đã thành công xóa sổ bệnh đậu mùa vào năm 1980. Đậu mùa có thể bị xóa sổ, bởi loại virus đó không có khả năng trú ngụ và sinh sản ở bất kỳ đâu ngoài cơ thể người (hay một con vật được theo dõi cẩn thận trong phòng thí nghiệm), và vì thế không còn nơi nào để trốn. Bại liệt, tương tự, cũng là một căn bệnh do virus gây ra, lây lan trên người trong hàng nghìn năm, nhưng đã (do những nguyên nhân phản trực quan có liên hệ tới việc nâng cao vệ sinh và hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với virus) trở thành một đại dịch nguy hiểm trong nửa đầu của Thế kỷ 20, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Mỹ, bại liệt đạt đỉnh vào năm 1952 với một đợt bùng phát giết chết hơn 3.000 người, trong đó có rất nhiều trẻ em, và khiến 21.000 người bị liệt ít nhất một phần cơ thể. Không lâu sau đó, vắc-xin do Jonas Salk, Albert Sabin và một nhà virus học tên là Hilary Koprowski (người có sự nghiệp đầy tranh cãi mà chúng ta sẽ bàn kỹ hơn ở các phần sau) phát triển đã được sử dụng rộng rãi, sau cùng đã loại bỏ được bệnh bại liệt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Năm 1988, WHO và một số đối tác đã khởi động một nỗ lực quốc tế nhằm xóa sổ căn bệnh này, tính tới nay đã thành công trong việc giảm tới 99% số ca bại liệt. Nước Mỹ đã tuyên bố không còn bệnh bại liệt, cũng như châu Âu và châu Úc. Theo số liệu báo cáo năm 2011, trên thế giới chỉ còn năm quốc gia dường như vẫn tồn tại những ca bệnh nhỏ lẻ: Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Trung Quốc. Tại sao chiến dịch xóa sổ bệnh bại liệt có thể thành công? Bởi việc tiêm chủng vắc-xin cho hàng triệu người tương đối dễ dàng, không tốn nhiều chi phí và có tác dụng vĩnh viễn. Nhưng quan trọng hơn cả, ngoài con người, virus bại liệt không có nơi nào khác để trốn – nó không thể lây truyền qua động vật.

Các mầm bệnh lây truyền qua động vật có thể ẩn náu. Đó là điều khiến chúng trở nên thú vị, phức tạp và đặc biệt rắc rối.
Đậu mùa khỉ – một căn bệnh tương tự như đậu mùa, do một virus có mối liên hệ gần gũi với variolavirus gây nên – tiếp tục là một mối nguy cho con người ở vùng trung và tây Phi. Căn bệnh này khác với đậu mùa ở một điểm mấu chốt: khả năng gây bệnh trên linh trưởng không phải người và một số động vật có vú khác như chuột đồng, chuột nhắt, sóc, thỏ và chó thảo nguyên châu Mỹ. Bệnh sốt vàng, lây lan cả ở khỉ lẫn con người. Loại virus gây ra căn bệnh này có khả năng lan truyền giữa các cá thể mang bệnh, đôi khi từ khỉ sang người qua vết đốt của những loài muỗi nhất định. Điều đó khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, và cho phép sốt vàng có khả năng tiếp tục lây sang người – trừ khi WHO loại bỏ được toàn bộ muỗi có khả năng lây bệnh, hay toàn bộ những con khỉ có khả năng mang bệnh ở vùng nhiệt đới châu Phi hay Nam Mỹ. Vi khuẩn gây bệnh Lyme có thể trú ngụ trong chuột chân trắng và những loài bò sát nhỏ khác. Dĩ nhiên, những mầm bệnh này không trốn tránh một cách có chủ đích. Nơi chúng trú ngụ và cách chúng lây nhiễm là những phương án từng ngẫu nhiên xảy ra, nhưng lại mang tới cơ hội sống sót và sinh sản. Và đúng như học thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên, tiến hóa biến ngẫu nhiên trở thành chiến lược.

Chiến lược kín đáo nhất là ẩn nấp bên trong một nơi được coi là vật chủ dự trữ mầm bệnh. Vật chủ dự trữ mầm bệnh (hay còn được một số nhà khoa học gọi là “ổ chứa”) là những sinh vật sống mang mầm bệnh trong một khoảng thời gian, mà gần như hoặc thậm chí không phát bệnh. Khi một căn bệnh dường như biến mất giữa các đợt bùng phát (tương tự như virus Hendra sau năm 1994), tác nhân gây bệnh hẳn phải còn lại ở đâu đó. Tất nhiên, có thể nó đã biến mất toàn hoàn khỏi Trái Đất – nhưng chắc chuyện đó không dễ xảy ra. Hoặc có lẽ tất cả đã chết sạch tại một khu vực, chỉ xuất hiện trở lại khi những cơn gió và định mệnh đưa nó trở lại từ một nơi nào khác. Hay có lẽ nó vẫn lẩn khuất đâu đây bên trong một ổ chứa nào đó. Một loài gặm nhấm? Chim? Bướm? Hay dơi? Trú ngụ kín đáo trong một vật chủ dự trữ dễ xảy ra nhất ở những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái không bị can thiệp nhiều. Và đương nhiên điều ngược lại cũng đúng: Sự bất ổn sinh thái khiến cho các bệnh dịch xuất hiện. Khi rung một cái cây, chắc chắn sẽ có gì đó rơi xuống.

Gần như tất cả các bệnh lây truyền từ động vật đều do sự lây nhiễm của một trong sáu loại mầm bệnh: virus, vi khuẩn, nấm, sinh vật nguyên sinh (một nhóm các sinh vật nhỏ, phức tạp, ví dụ như amip, từng bị hiểu nhầm là động vật nguyên sinh), prion và giun. Bệnh bò điên có nguyên nhân là do một loại prion – một chuỗi protein lệch tâm, có khả năng khiến các phân tử protein khác gặp phải tình trạng tương tự. Bệnh ngủ do một sinh vật nguyên sinh có tên Trypanosoma brucei gây nên, lây truyền qua vector là loài ruồi tsetse, giữa các cá thể động vật có vú hoang dã, gia súc và con người ở khu vực châu Phi hạ Sahara. Bệnh than do một loài vi khuẩn có khả năng ngủ đông trong đất nhiều năm liền gây nên, và khi được đào lên, sẽ lây nhiễm cho con người thông qua gia súc. Bệnh giun đũa là một bệnh nhẹ lây truyền qua động vật, mà bạn có thể bị lây từ chính chú chó cưng của mình. Nhưng may mắn là bạn có thể tẩy giun, cho cả bản thân và vật nuôi của mình.

Rắc rối nhất có lẽ là virus: tiến hóa nhanh, không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh, giỏi lẩn tránh, có khả năng biến đổi cực kỳ khó lường, chưa kể đến khả năng gây tử vong rất cao, với cấu trúc đơn giản một cách quỷ quái, ít nhất là so với những sinh vật sống hay gần như sống khác. Ebola, Tây sông Nile, Marburg, SARS, đậu mùa khỉ, dại, Machupo, sốt xuất huyết, tác nhân gây sốt vàng, Nipah, Hendra, Hantaan (nguồn gốc tên gọi hantavirus, được phát hiện lần đầu ở Hàn Quốc), chikungunya, Junin, Borna, cúm, và HIV (HIV-1, tác nhân chính gây nên đại dịch AIDS, và HIV-2, kém phổ biến hơn) đều có nguyên nhân là virus, và chúng chỉ là một phần của danh sách rất dài các bệnh do virus gây ra. SFV – virus gây bệnh xốp não ở linh trưởng, thường gây bệnh tại châu Á cho cả người và khỉ, có khả năng lây truyền chéo loài tại các địa điểm nơi con người và những con khỉ tiếp xúc gần với nhau (như đền thờ Hindu giáo hay chùa). Trong số những người khách du lịch tới thăm những nơi này, các du khách quốc tế có khả năng cao phơi nhiễm với SFV khi chìa tay đưa đồ ăn cho những con khỉ. Có thể nói, một số người đã mang về nhiều hơn là những bức ảnh và kỷ niệm. Dẫn lời của nhà virus học nổi tiếng Stephen S. Morse: “Virus không có khả năng tự di chuyển, ấy vậy mà rất nhiều trong số chúng đã chu du vòng quanh thế giới.” Chúng không thể chạy, đi, bơi hay bò, nhưng chúng có thể đi nhờ.”

Cảm nhận của anh Vũ Trọng Đại