Review cuốn sách “Một nửa sự thật” – Khi các chuyên gia lên tiếng

Ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận với hàng ngàn thông tin về dinh dưỡng, y học trên các kênh truyền thông mỗi ngày. Trong đó, có những kênh thông tin chính thống và không chính thống, có những thông tin thật được trích dẫn khoa học đầy đủ và cập nhật, cũng có những thông tin giả và cũ, dù được viết với lý lẽ rất thuyết phục nhưng lại không có trích dẫn khoa học, nhằm dẫn dắt người đọc đến việc mua hàng hoặc vì mục đích lợi ích cá nhân.

Thu hút sự chú ý nhiều nhất trong thời gian qua, có thể kể đến bộ sách “Nhân tố enzyme” của BS Hiromi Shinya, với nhiều thông tin được trích dẫn và chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội và các diễn đàn. Thực tế, bộ sách này đã gây ra không ít hiểu lầm cho độc giả, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phương pháp điều trị của người bệnh và chăm sóc sức khỏe của mọi người. Bởi lẽ, trong bộ sách của mình, BS Hiromi Shinya chỉ mới đưa ra một nửa sự thật quan sát thấy, mà “một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Khi các chuyên gia lên tiếng

Tác giả Vũ Thế Thành cũng là tác giả của hai tập sách Ăn để sướng hay ăn để sợ? Để ăn không phải băn khoăn, … đã lên tiếng về những nhận định, kết luận tương đối chủ quan của BS Hiromi Shinya liên quan đến lợi ích và nguy hại của một số loại thực phẩm như sữa bò, muối, đường, trà xanh, dầu ăn, …

Ngoài ra, sách cũng có sự tham gia đóng góp chuyên môn y khoa của TS. BS. Trần Phạm Chí – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Huế và TS. BS. Phạm Nguyên Quý – Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Tokyo, Nhật Bản, Trưởng Dự án Y học Cộng đồng. Là hai bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm, TS. BS. Trần Phạm Chí và TS. BS. Phạm Nguyên Quý đã chia sẻ ý kiến chuyên môn và thực tế điều trị viêm loét, ung thư dạ dày trong nước và Nhật Bản.

Review cuốn sách “Một nửa sự thật" - Khi các chuyên gia lên tiếng 1

“Đừng biến giả thuyết thành hiện thực khi chưa có đủ bằng chứng khoa học”

Trong bộ sách của mình, BS. Shinya đã đưa ra giả thuyết “enzyme diệu kỳ”, đó là enzyme nguyên mẫu được cung cấp thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Cơ thể sẽ tích trữ enzyme diệu kỳ này và đem ra sử dụng khi cần để bảo vệ cơ thể không bị bệnh.

Sự thật là enzyme do cơ thể tổng hợp, “thực phẩm chỉ cung cấp các chất trợ giúp enzyme (cofactor)”, còn “enzyme trong thực phẩm dễ dàng bị hư hỏng trong quá trình nấu nướng” và bị hủy trong môi trường axit dạ dày có độ pH thấp.

Theo tác giả Vũ Thế Thành, trong khoa học, thông qua quan sát, việc đặt giả thuyết đối với một hiện tượng nào đó là chuyện hoàn toàn bình thường và đáng trân trọng, song nếu chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh thì chưa thể đưa ra kết luận về giả thuyết đó, chứ chưa nói đến việc thực hành và cổ xúy cho giả thuyết của mình.

Không chỉ đưa ra giả thuyết về enzyme diệu kỳ, BS Shinya cũng đưa ra nhiều giả thuyết khác liên quan đến các loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày như sữa bò làm tăng dị ứng, ăn sữa chua khiến đường ruột xấu, đường cát trắng khiến trẻ em cáu bẳn, người lớn mệt mỏi, … Tất cả giả thuyết này đều được BS Shinya khẳng định “chắc nịch” nhưng chỉ dựa trên 300.000 trường hợp bệnh nhân thăm khám trong thời gian hành nghề, không biết độ tuổi, giới tính, phương pháp lấy mẫu, … được tiến hành như thế nào. Bởi vì, kết quả không được công bố và chúng ta cũng không hề tìm được bất kỳ nguồn tài liệu tham khảo nào trong sách “Nhân tố enzyme” của BS Shinya.

Bằng cách trích dẫn lại những luận điểm sai của BS Shinya, sau đó chỉ rõ sai như thế nào, kiến thức đúng là gì, với giọng văn dễ hiểu, tác giả Vũ Thế Thành đã cắt nghĩa những khái niệm sinh-hóa một cách rõ ràng, giúp người đọc hiểu đúng và nhận thức rõ vấn đề. Xuyên suốt cuốn sách “Một nửa sự thật”, tác giả cũng khuyên bạn đọc hãy luôn tỉnh táo và cần thận trọng trong việc tiếp nhận bất kỳ thông tin y học, dinh dưỡng nào hiện nay, đặc biệt là khi quảng cáo ngày càng “thần thánh hóa” sản phẩm.

“Thực phẩm nào cũng có hai mặt lợi và hại”

Tác giả Vũ Thế Thành khẳng định bất kỳ thực phẩm nào cũng có hai mặt lợi và hại. Khi nói một thực phẩm có hại, phải cho biết vì sao loại thực phẩm đó có hại, có chứa chất gây hại nào và hàm lượng bao nhiêu được cho là gây hại.

Trong cuốn sách “Nhân tố enzyme”, BS Shinya đã không những vội vàng kết luận một số loại thực phẩm là xấu, mà còn bỏ qua những lợi ích và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đó, chẳng hạn như sữa chua, trà xanh, …

Thực tế là, trong chế độ ăn uống hàng ngày, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên chúng ta nên ăn uống cân bằng, không thiên lệch một loại thực phẩm nào để cung cấp và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Việc cho rằng một số loại thực phẩm có hại rồi loại bỏ nó khỏi chế độ ăn một cách cực đoan của BS Shinya, nhằm cổ xúy cho giả thuyết và chế độ ăn của mình mà lại không cung cấp đầy đủ kiến thức khoa học cho người đọc, đánh đồng, đánh tráo lợi – hại là không thể chấp nhận được.

Kết

Đối với cá nhân mình, đây là một cuốn sách đáng đọc, đặc biệt là phần kiến thức chuyên môn y khoa của TS. BS. Trần Phạm Chí và TS. BS. Phạm Nguyên Quý, bởi vì giúp ích mình rất nhiều trong công việc sản xuất nội dung y khoa.

Với phương châm “Hiểu đúng để sống khỏe”, mình tin rằng Medinsights thương hiệu sách sức khỏe của Alphabooks đã làm tốt vai trò của mình trong việc cung cấp tri thức, kiến thức y khoa để người đọc hiểu đúng và đưa ra quyết định, lựa chọn đúng.