Những bệnh ngoài da dễ mắc vào mùa đông

Khô da, ngứa, chàm, vảy nến chính là những bệnh thường xuất hiện vào mùa đông… Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu được những căn bệnh này khi mua đông đến? Cùng tìm hiểu nhé!

Ngứa ngoài da

Cơn ngứa thường từ râm ran đến dữ dội, trời càng lạnh càng ngứa nhiều. Ngứa nặng hơn vào mùa đông. Cơn ngứa dẫn đến gãi nhiều, làm trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Nguyên nhân là do thời tiết lạnh khiến chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi giảm sút. Những axit hữu cơ trong mồ hôi vốn có tác dụng giữ da nhờn, đàn hồi, không bị vi sinh vật và bụi bẩn gây tổn hại. Do vậy, ít tiết mồ hôi khiến da khô, dễ nứt nẻ và bị ngứa.

Để hạn chế tình trạng này, cần giữ gìn vệ sinh cho da. Dù cơ thể ít mồ hôi, nhưng chúng ta vẫn cần chú ý tắm rửa, chú ý vệ sinh những cùng da gấp nếp như nách, bẹn. Khi tắm nên dùng nước đủ ấm, không chà xát mạnh.

Không nên ngâm mình lâu trong nước nóng. Tuy việc này giúp tạm thời bớt ngứa nhưng lại làm mất nhiều chất nhờn trên da, khiến da mau khô, nứt nẻ, càng ngứa hơn. Tắm xong cần lau khô nước bằng khăn bông mềm, sau đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp lên da.

Ngứa ngoài da là một trong những bệnh ngoài da dễ mắc vào mùa đông

Bệnh chàm

Bệnh chàm còn có tên gọi khác làm viêm da cơ địa, là chứng bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn. Bệnh thường nặng hơn vào mùa đông.

Triệu chứng là khô da chân và mặt, tróc vảy, đỏ da.

Để hạn chế bệnh chàm tái phát vào mùa đông, cần giữ ấm, đảm bảo đủ dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với hoá chất tẩy rửa.

Với trẻ em, cần đảm bảo trẻ uống đủ nước. Cha mẹ cần vệ sinh kỹ vùng mặt, miệng sau mỗi lần ăn hay bú sữa. Tránh để trẻ mặc đồ chật, làm từ vải len, sợi tổng hợp vì chúng dễ kích ứng da. Hạn chế trẻ cào, gãi bằng cách cắt ngắn móng tay hoặc đi găng.

Không tự ý dùng thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc bôi có thành phần corticosteroids.

Bệnh mày đay

Đây là một bệnh phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Triệu chứng bệnh là những mảng màu hồng hoặc đỏ nổi cao ở bất cứ vị trí nào trên da. Bệnh khỏi không để lại dấu hiệu gì.

Mày đay cấp tính kéo dài vài phút hoặc vài giờ. Mày đay mạn tính kéo dài trên 8 tuần, có khi ngắt quãng vài ngày.

Cần lưu ý những điều sau để phòng bệnh: Chú ý mặc ấm, hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh thực phẩm từng gây dị ứng, thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hoá chất độc hại.

Bệnh vảy nến

Vảy nến chủ yếu biểu hiện qua những thương tổn da, kèm theo ngứa ngáy khó chịu, điển hình nhất là các dát đỏ có vẩy trắng phủ trên bề mặt, vẩy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến. Vị trí hay gặp là khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Sau một thời gian, bệnh có thể lan ra toàn thân.

Người bệnh cần chú ý duy trì điều trị, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa tái phát.

Cụ thể, cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa, thay quần áo. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi, uống đủ nước để da không khô ráp, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Hạn chế bia, rượu, thuốc lá.

Đặc biệt, người bệnh không được tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm.

Nguồn: Sức Khỏe Đời Sống