Một nghiên cứu mới công bố vào ngày 3 tháng 8 năm 2021 trên tạp chí khoa học The Lancet Child & Adolescent Health chỉ ra rằng chưa đến 1 trên 20 trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần, và đến thời điểm 8 tuần, hầu như tất cả đều hồi phục. Toàn văn nghiên cứu có thể được truy cập theo địa chỉ sau https://www.thelancet.com/journals/lanchi/article/PIIS2352-4642(21)00198-X/fulltext.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ứng dụng nghiên cứu dịch tễ UK ZOE COVID Symptom Study từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021 (trùng với thời gian mở cửa trường học) để theo dõi 1.734 trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19; các triệu chứng được cha mẹ hoặc người chăm sóc ghi nhận.
Những kết quả nổi bật
- Các triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận ở trẻ dương tính với COVID-19 gồm đau đầu và mệt mỏi, tiếp đến là sốt ở trẻ 5-11 tuổi và đau họng ở trẻ 12-17 tuổi.
- Vào thời điểm 4 tuần sau khi triệu chứng khởi phát, 4,4% trẻ vẫn còn triệu chứng; tỉ lệ này giảm xuống còn 1,8% sau hơn 8 tuần.
- COVID-19 ở trẻ kéo dài trung bình 6 ngày, trẻ có trung bình 3 triệu chứng.
- Trẻ lớn tuổi hơn (12-17 tuổi) có nhiều triệu chứng hơn và triệu chứng cũng kéo dài hơn. Có nhiều trẻ lớn tuổi hơn mắc COVID-19 kéo dài.
- Ở những trẻ khác cũng có triệu chứng nghi mắc COVID-19 nhưng xét nghiệm âm tính, 0,9% có triệu chứng kéo dài từ 28 ngày trở lên. Dù vậy, nhóm này có nhiều triệu chứng hơn trong 4 tuần đầu và, đối với một số ít vẫn còn triệu chứng kéo dài, sau 4 tuần (trung bình là 5).
Từ những kết quả trên, các gia đình sẽ yên tâm hơn nếu biết rằng những trẻ có triệu chứng sẽ hiếm khi chịu tác động kéo dài.
Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những bệnh khác như cảm lạnh và cúm cũng có thể gây ra các triệu chứng kéo dài, và điều này cần được xem xét khi có ý định đi trẻ đi khám nhi khoa trong và sau đại dịch. Đây là điểm cực kỳ quan trọng khi tỉ lệ mắc bệnh của bệnh có vẻ tăng lên khi các biện pháp giãn cách xã hội được thả lỏng.
Một số vấn đề cần lưu ý
Kết quả của nghiên cứu có sự khác biệt với ghi nhận của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) vào hồi tháng 4 năm 2021, trong đó tỉ lệ COVID-19 kéo dài ở trẻ em sau 5-12 tuần kể từ khi xét nghiệm dương tính là cao hơn (9,8% so với 13,0% sau 5 tuần và 7,4% so với 8.2% sau 12 tuần). Sự khác biệt có thể do ONS yêu cầu phải có hai lần khám liên tiếp không triệu chứng thì mới được coi là hết bệnh. Vì vậy, những trẻ không xuất hiện triệu chứng sau hơn 1 tuần vẫn được coi ONS coi là có triệu chứng, còn nghiên cứu của họ thì không.
Vì số liệu được thu thập qua ứng dụng, nên mẫu nghiên cứu chung bị nghiêng về hướng những gia đình có thu nhập cao hơn. Các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc tham gia nghiên cứu cũng có thể mang xu hướng tương tác với các cộng đồng trực tuyến, và việc này có thể ảnh hưởng đến cách họ báo cáo triệu chứng của trẻ.
Việc nhập thông tin qua ứng dụng điện thoại cũng khác với thảo luận với nhân viên y tế, những người có thể đào sâu những thông tin quý giá và biến chúng thành dữ liệu nghiên cứu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota