Quyển sách “Nhân tố Enzyme” từng là quyển sách “làm mưa làm gió” bởi những thông tin lý thú mà tác giả Hiromi Shinya cung cấp. Tuy nhiên, sau khi đọc xong quyển “Một nửa sự thật” do tác giả Vũ Thế Thành làm chủ biên thì tôi có cái nhìn ngược lại, theo khoa học, một cách nghiêm túc. Triết lý ngày xưa có điều đúng: Kiểm chứng thông tin phải là hai hay nhiều chiều, không nên chỉ nghe từ một phía, nhất là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe con người.
Quyển sách “Một nửa sự thật – Nhận định về nhân tố enzyme” gồm tổng cộng 16 chương kèm lời mở đầu và giới thiệu Dự án Yhọc cộng đồng, mỗi chương nhóm tác giả đều dẫn lại lời của cuốn “Nhân tố Enzyme” của bác sĩ Hiromi rồi lại phản biện một cách “đanh thép”, bản thân tôi tưởng như có chút “mỉa mai” trong này.
Hiromi Shinya là bác sĩ ngoại khoa tiêu hóa, có nhiều năm kinh nghiệm tại Mỹ và Nhật Bản. Ông đồng thời là người phát minh ra phương pháp mổ nội soi tiêu hóa thay vì mổ hở. Thế nhưng, sự hiểu biết về khoa học thực dưỡng của ông lại có nhiều vấn đề. Ông đã đề cao những thực phẩm trong phương pháp tên của ông – phương pháp Shinya và hạ thấp các loại thực phẩm khác như sữa, sữa chua, trà, muối, đường, … vì chúng có chứa các chất gây hại cho sức khỏe.
Ở chương đầu tiên, nhóm tác giả chưa phản bác sự thiếu khoa học của bác sĩ Hiromi Shinya mà chỉ tập trung nhấn mạnh vai trò của enzyme trong con người là tiêu hóa, phân giải các độc tố và sao chép DNA. Tác giả nêu rõ số enzyme thường có trong 1 người và nhấn mạnh mỗi loại enzyme xúc tác cho 1 phản ứng chuyên biệt duy nhất chứ không phải cho đủ các loại phản ứng. Ngoài ra, nhóm tác giả có nói rõ nhiệt độ là bao nhiêu và độ pH là bao nhiêu thì enzyme hoạt động tốt. Điều này chúng ta có thể biết thêm trong sách giáo khoa Sinh học lớp 10 hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, chúng ta biết được vai trò của chất hỗ trợ và chất ức chế enzyme ra sao.
Ở các chương tiếp theo là sự phản biện hết sức thuyết phục có thể kể đến của nhóm tác giả. Một sự thật khác là nhiều người vẫn hay lầm tưởng là uống bia rượu không liên quan đến giảm cân, nhưng thực ra không phải là như vậy, tôi không thích uống bia rượu một phần là vì lý do sau, sách có ghi: “Khi uống bia rượu, khoảng 20% bia rượu được hấp thụ ở dạ dày và 80% là ở ruột non. Dù hấp thu ở đâu thì 90% cồn sẽ được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, rồi thành axit acetic. Sau cùng thì axit acetic bị các tế bào “đốt cháy” tạo năng lượng, sinh ra carbon dioxide và nước. Uống nhiều bia rượu là nạp calo, không có lợi cho giảm béo là vì thế.” Từ đó, theo lời của bác sĩ Hiromi Shinya, sẽ có “enzyme diệu kỳ” chuyển hóa thành enzyme bất kỳ, cụ thể trong trường hợp này enzyme phân giải rượu nhưng thực chất là khoa học chưa chứng minh có sự tồn tại của “enzyme diệu kỳ” nào trong cơ thể để tăng “đô rượu”.
Điều thứ ba mà sách nhắc tới là lập luận sai lầm của bác sĩ Hiromi Shinya trong sách “Nhân tố enzyme” là sữa bò là thực phẩm có hại cho cơ thể. Bác sĩ đã viện ra nhiều cớ sữa bò khó tiêu ra sao, rồi dẫn chứng nhiều cơ sở để chứng minh sữa bò không chỉ có hại mà còn có khả năng làm cho trẻ tử vong. Tôi là một thằng nghiện sữa, nghe tin này cũng hơi choáng váng, cũng may có cuốn “Một nửa sự thật” thì tôi không còn bị đánh lừa nữa. Nhóm tác giả cho rằng tác giả cuốn “Nhân tố enzyme” đã đánh tráo nguyên nhân bằng những dẫn chứng thuyết phục từ các số liệu thống kê từ các tổ chức y tế uy tín trên thế giới. Ngoài ra, chương này còn đưa ra nhiều vấn đề khác rất đáng quan tâm như thổi phồng vụ “sữa” bị gỉ vì có lipid peroxide, men lactase có trong sữa hay không, lactoferrin có trong sữa có hại hay không, protein có trong sữa bị biến tính vì nhiệt có vô dụng không, sữa bò có thực sự làm tăng dị ứng hay không và sữa bò có phải là nguyên nhân gây ra loãng xương hay không. Ở chương 4, tác giả Vũ Thế Thành và các cộng sự của mình khẳng định sữa chua tốt cho sức khỏe, ủng hộ quan điểm của bác sĩ Hiromi Shinya là không nên “thần thánh hóa” loại thực phẩm này nhưng cũng phản đối việc ông cho rằng sữa chua không tốt cho đường ruột. Ngoài ra, cuốn sách này còn làm rõ 2 mặt lợi và hại của đường, muối, trà xanh, dầu ăn bằng các kiến thức hóa học và trong thực tế đã được xác nhận, phản đối các luận điểm thiếu khoa học.
Với cảm nhận của bản thân, quyển sách “Một nửa sự thật” rất hữu ích cho mọi đối tượng, nhất là những ai đã đọc qua cuốn “Nhân tố Enzyme”. Mong thời gian sắp tới MedInsights sẽ ra mắt nhiều cuốn sách hấp dẫn hơn nữa để nâng cao kiến thức về y tế – dinh dưỡng ở Việt Nam.
Độc giả Vũ Đình Anh Khoa – 13/03/2022