Một số lưu ý trong chế độ ăn của người bị ung thư dạ dày

Với người mắc bệnh ung thư dạ dày, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh tình phát triển chậm và đảm bảo sức khoẻ. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của người bị ung thư dạ dày:

  1. Thực phẩm nên dùng

Để kéo dài thời gian sống, người bệnh cần tích cực điều trị và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh cần có đủ các dưỡng chất sau:

Chất đạm: Người mắc bệnh ung thư dạ dày cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm, sắt, kẽm có trong thịt gà, thịt lợn, thịt bò… Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên ăn nhiều cá, hải sản để cung cấp các acid amin và một vài vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.

Chất béo không bão hòa (từ hạt cải dầu, dầu oliu, hạt ô liu, quả bơ…) là nguồn dinh dưỡng có giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể nên là lựa chọn mà người mắc bệnh ung thư dạ dày không thể bỏ qua.

Tinh bột (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…) Với những loại thực phẩm này, bạn nên hầm thành cháo hay nấu súp cho người mắc bệnh ăn, sẽ giúp việc tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn.

Rau quả: rau quả là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và chất xơ, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hoá cũng như bảo vệ sức khoẻ tốt nhất. Trong bữa ăn của người ung thư nên có nhiều rau xanh được hầm nhừ hoặc nấu chín mềm. Cùng với bữa ăn chính, bữa tráng miệng của người ung thư bạn có thể lựa chọn các loại quả như, chuối, bưởi ngọt…

Thực phẩm nên dùng của bệnh nhân ung thư dạ dày

  1. Thực phẩm nên hạn chế
  • Thực phẩm đóng hộp, hun khói.
  • Thực phẩm nướng, rán ở nhiệt độ cao.
  • Các loại quả chua như cóc, xoài, chanh…
  • Thực phẩm lên men dễ sinh hơi trong dạ dày như các loại dưa cà muối, hành…
  • Gia vị cay nóng: như ớt, tỏi, tiêu… làm hư hại niêm mạc dạ dày.
  • Đồ uống có chứa chất kích thích: rượu, bia, cà phê…
  1. Lưu ý về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư
  • Không uống sữa lúc đói vì các men sữa rất có hại cho dạ dày.
  • Tránh những thực phẩm quá khô cứng và nhiều chất xơ gây cản trở sự co bóp của dạ dày.
  • Lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và rõ nguồn gốc xuất xứ.
  • Nên chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, ăn từ 4-6 bữa trở lên.
  • Ăn chậm nhai kỹ, nghỉ ngơi tuyệt đối sau ăn.

Nguồn: soyte.namdinh.gov.vn