Mệt mỏi là một triệu chứng hay gặp ở người bệnh ung thư, có thể do bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của phương pháp chữa ung thư. Một số bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi kéo dài hàng tháng hoặc hằng năm trời sau khi kết thúc điều trị.
Mệt mỏi thường được chia làm hai nhóm: mệt mỏi về thể chất và mệt mỏi về tinh thần. Với một số người, mệt mỏi chỉ là hơi khó chịu. Đối với một số khác, mệt mỏi làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn và tác động tiêu cực tới nhiều mặt của cuộc sống. Mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc, giảm hiệu quả công việc và các hoạt động hằng ngày. Nó cũng ảnh hưởng đến quan hệ với người xung quanh và làm giảm tuân thủ liệu trình điều trị.
Hãy báo cho nhân viên y tế khi cảm thấy mệt mỏi. Hãy chia sẻ với họ khi bạn thấy có triệu chứng mới hoặc sự thay đổi các triệu chứng đã có. Việc chẩn đoán và giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng phụ là phần quan trọng của điều trị ung thư. Công việc này được gọi là chăm sóc hỗ trợ hoặc chăm sóc giảm nhẹ/xoa dịu.
Vì mệt mỏi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trước hết cần giải quyết những tình trạng bệnh góp phần gây nên sự mệt mỏi. Sau đây là các ví dụ:
- Đau: Đau đớn kéo dài làm cho bệnh nhân cảm thấy kiệt sức. Các thuốc điều trị đau cũng gây nên tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau cũng như các tác dụng phụ của chúng.
- Trầm cảm, lo âu và căng thẳng: Những tình trạng này làm mệt mỏi tăng lên và làm việc điều trị trở nên phức tạp. Giảm bớt căng thẳng, điều trị trầm cảm và lo âu giúp bệnh
nhân đỡ mệt. - Mất ngủ: Căng thẳng, đau đớn và lo lắng dẫn tới mất ngủ. Bệnh nhân thường khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu và hệ quả là mệt mỏi trong ngày hôm sau. Hãy hỏi thêm bác sĩ và nhóm chăm sóc để cải thiện chứng mất ngủ.
- Dinh dưỡng kém: Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi. Hãy xin thêm lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn hợp lý. Việc này là đặc biệt quan trọng hơn khi bệnh nhân có thay đổi vị giác hoặc buồn nôn.
- Thiếu máu: Bệnh nhân ung thư thường bị thiếu máu tức là giảm số lượng hồng cầu. Thiếu máu có thể làm bệnh nhân cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Điều trị thiếu máu bao gồm bổ sung chất dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc truyền máu.
- Các bệnh đi kèm: Một số bệnh mạn tính kèm theo có thể là nguyên nhân gây ra mệt mỏi. Ví dụ: bệnh tim mạch, suy giảm chức năng gan hoặc thận, rối loạn hormone, viêm khớp và các vấn đề về thần kinh. Việc điều trị các vấn đề trên có thể giúp bệnh nhân đỡ mệt mỏi.
- Tác dụng phụ do điều trị ung thư: Một số phương pháp điều trị ung thư có thể góp phần gây ra mệt mỏi. Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi một vài ngày sau khi hóa trị, một vài tuần sau khi bắt đầu xạ trị. Việc nhận biết thời điểm mệt mỏi và sử dụng đúng các phương pháp dưới đây có thể giúp thích nghi tốt hơn.
Ngoài những can thiệp theo nguyên nhân nói trên, một số lưu ý sau có thể giúp bệnh nhân bớt mệt mỏi:
- Tập thể dục: Duy trì hoạt động thể chất thích hợp có thể giúp giảm mệt mỏi do ung thư. Vật lý trị liệu thường có ích với nhiều bệnh nhân và bạn có thể hỏi các kỹ thuật viên về những bài tập giúp tăng cường hoặc duy trì chức năng cơ thể.
- Trò chuyện: Nói chuyện với người có khả năng lắng nghe và tư vấn có thể giúp cải thiện mệt mỏi. Điều này có thể giúp người bệnh sắp xếp lại suy nghĩ, cảm nhận về mệt mỏi qua đó cải thiện kỹ năng thích ứng.
- Tương tác thân – tâm: Một số bằng chứng gợi ý rằng tương tác tinh thần-thể xác có thể giảm bớt mệt mỏi. Chúng bao gồm: thiền và chánh niệm, yoga, châm cứu, massage, liệu pháp âm nhạc và các phương pháp thư giãn khác.
- Thuốc và thuốc bổ: Một số thuốc như steroids, thuốc chống trầm cảm có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về lợi ích của một số chất bổ sung như vitamin D. Hãy trao đổi với bác sĩ về những lựa chọn này vì chúng cần có chỉ định của bác sĩ.
Theo cuốn sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” – TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh