Dấu hiệu nhồi máu não và cách điều trị hiệu quả

Nhồi máu não là một dạng đột quỵ với tỷ lệ người mắc lên đến 80%. Nhồi máu não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, nhận biết được các dấu hiệu từ sớm sẽ giúp phát hiện bệnh nhanh nhất.

Các dấu hiệu của nhồi máu não

Giống như những cơn đột quỵ thông thường, nhồi máu não cũng có những dấu hiệu điển hình như:

  • Khuôn mặt người bệnh bị lệch sang một bên, rủ xuống, miệng méo xệch. Nếu bạn yêu cầu họ cười thì sẽ thấy dấu hiệu này rất rõ ràng.
  • Đột ngột cảm thấy nói khó, nói ngọng, khó có thể diễn đạt được một câu hoàn chỉnh.
  • Người bệnh đột quỵ sẽ có cảm giác yếu chân tay, tê liệt nửa người, không thể nâng hạ cánh tay một cách bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh cũng khó kiểm soát và phối hợp các động tác, đi loạng choạng không vững.
  • Xuất hiện những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, đau dữ dội và lan tỏa xuống phía dưới. Đi kèm theo đó có thể là dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt, nôn hoặc buồn nôn.
  • Mắt mờ là một trong những dấu hiệu của nhồi máu não. Người bệnh sẽ cảm thấy không nhìn rõ ở một hoặc ở cả hai bên mắt. Nghiêm trọng hơn ở một số trường hợp người bệnh có thể bị mù tạm thời.
  • Nhiều người có dấu hiệu mất trí nhớ, rối loạn ý thức, nhớ nhớ quên quên.
Méo miệng là dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não dễ nhận biết
Méo miệng là dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não dễ nhận biết

Nếu một người có những dấu hiệu kể trên thì khả năng cao người đó đang gặp phải tình trạng nhồi máu não. Khi đó bạn hãy nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu cho người đột quỵ, giúp người bệnh tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

Các phương pháp điều trị nhồi máu não

Nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu não là sự xuất hiện cục máu đông gây tắc mạch máu não. Do đó, việc điều trị nhồi máu não cần đảm bảo phải loại bỏ cục máu đông và phòng ngừa sự hình thành của nó.

Loại bỏ cục máu đông bằng thuốc

Để loại bỏ cũng như ngăn chặn sự hình thành cục máu đông, người bệnh đột quỵ nhồi máu não thường được chỉ định một số loại thuốc sau:

  • Các thuốc chống kết tập tiểu cầu như Aspirin, giúp ngăn cản sự kết dính tiểu cầu từ đó giảm nguy cơ đông máu. Ngoài ra các thuốc: Clopidogrel, ticlopydil, dipyridamol… sẽ được sử dụng nếu người bệnh không dung nạp với Aspirin.
  • Trong trường hợp người bệnh bị rung nhĩ, bệnh van tim, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu Heparin hoặc các thuốc chống đông khác
  • Có thể sử dụng Enoxaparin với liều lượng 1mg/kg/12h trong trường hợp chức năng thận của người bệnh hoàn toàn bình thường.

Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học

Loại bỏ cục máu đông ở người bệnh đột quỵ nhồi máu não bằng dụng cụ cơ học
Loại bỏ cục máu đông ở người bệnh đột quỵ nhồi máu não bằng dụng cụ cơ học

Cục máu đông còn được loại bỏ bằng các dụng cụ cơ học chuyên biệt, nhằm mục đích kéo cục máu đông ra ngoài, từ đó tái lưu thông dòng chảy. Một số dụng cụ chuyên biệt để lấy cục máu đông có thể kể đến đó là: Dụng cụ hút huyết khối Penumbra, dụng cụ kéo huyết khối Merci, dụng cụ mở dòng chảy và kéo huyết khối Solitaire.

Link nguồn: https://suckhoecong.vn/dau-hieu-nhan-biet-nhoi-mau-nao-va-cach-dieu-tri-benh-hieu-qua-d80625.html