Có thể nói rằng khi tiêm vắc-xin xong hầu hết trẻ đều có những phản ứng riêng biệt, và để giảm được các phản ứng này thì cần:
Dự phòng bằng thuốc
Một cách để làm giảm các phản ứng khó chịu do vắc-xin là cho trẻ sử dụng ibuprofen (tôi không khuyến cáo acetaminophen cho trường hợp này) khoảng 30 phút trước khi tiêm. Tuy nhiên, không khuyến cáo việc cho trẻ uống thuốc trước khi tiêm liều đầu tiên của bất kì loại vắc-xin nào. Việc này có thể khiến bạn không thấy được các triệu chứng bên ngoài của một phản ứng bên trong cơ thể, và bạn sẽ không thể biết liệu não bộ và cơ thể của trẻ có đang gặp phải phản ứng xấu hay không. Một khi thấy được trẻ phản ứng ra sao sau khi tiêm một hoặc hai mũi vắc-xin và nhận biết được một số phản ứng nhẹ không đáng lo ngại, bạn có thể cùng với bác sĩ đưa ra quyết định về việc dùng thuốc dự phòng trước khi tiêm các mũi còn lại.
Xoa bóp vùng da trước khi tiêm.
Việc xoa bóp cơ bắp trong vài phút có thể khiến các dây thần kinh phần nào bớt nhạy cảm. Việc chườm đá cũng có thể có ích (mặc dù nó không hẳn là dễ chịu đối với trẻ nhỏ). Bạn không nên thường xuyên sử dụng kem gây tê trước khi tiêm bởi vì nó không mấy hiệu quả.
Cho con bú sữa mẹ trong khi tiêm.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc cho con bú có thể làm giảm sự khó chịu với bất kì thủ thuật đau đớn nào.
Vitamin A.
Vitamin A có thể đóng vai trò bảo vệ não bộ khỏi các tác dụng phụ của vắc-xin. Hãy cho trẻ dùng vitamin A mỗi ngày một lần trong ba ngày trước khi tiêm vắc-xin và tiếp tục dùng hằng ngày trong mười ngày sau đó. Trẻ sơ sinh nên sử dụng 1.500 IU hằng ngày, liều lượng với trẻ nhỏ và trẻ ở tuổi mẫu giáo là 2.500 IU, còn với trẻ lớn tuổi hơn và trẻ vị thành niên là 5.000 IU.
Vitamin C.
Hãy cho trẻ dùng vitamin C mỗi ngày trong năm ngày, bắt đầu từ ngày tiêm vắc-xin. Trẻ sơ sinh nên sử dụng 150 mg hằng ngày, trẻ nhỏ và trẻ mẫu giáo nên sử dụng 250 mg, còn trẻ lớn tuổi hơn và trẻ vị thành niên nên sử dụng 500 mg.
Chế phẩm lợi khuẩn.
Việc sử dụng chế phẩm lợi khuẩn hằng ngày – bắt đầu từ hai tháng trước khi tiêm vắc-xin MMR và thủy đậu, rồi tiếp tục trong ít nhất ba tháng sau đó – có thể sẽ cải thiện hiệu quả của vắc-xin và làm giảm các phản ứng với vắc-xin (bao gồm cả sốt và tiêu chảy). Chế phẩm này cũng có thể giúp giải quyết các triệu chứng về đường ruột do kháng sinh gây ra, cải thiện tình trạng viêm da do nhiễm nấm ở vùng mặc tã lót, khắc phục tình trạng tiêu chảy mạn tính và cải thiện các vấn đề dị ứng nhằm chuẩn bị tốt hơn cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin.
Hãy đảm bảo rằng trẻ ở tình trạng sức khỏe tối ưu.
Theo khuyến cáo y khoa chính thức, tiêm vắc-xin khi trẻ đang bị ốm thường không gây vấn đề, miễn là trẻ không sốt. Nhưng cha mẹ nên để trẻ tiêm chủng vào một ngày khác, trừ phi việc hoãn tiêm gây nhiều khó khăn. Điều này dựa trên hai lí do: Vắc-xin có thể “đánh lạc hướng” hệ miễn dịch trong vài ngày, vậy nên bất cứ căn bệnh nhẹ nào trẻ đang mắc đều có thể trở nặng, và phản ứng khó chịu với vắc-xin sẽ dễ xảy ra hơn khi trẻ đang ốm. Các vấn đề dị ứng sẵn có (chẳng hạn như bệnh chàm) có thể là gây ra các phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin, vì hệ miễn dịch đang hoạt động mạnh có thể đáp ứng quá mức với vắc-xin (phản ứng tự miễn). Sau đây là những chỉ dẫn tổng quát về việc này:
- Cảm lạnh hoặc ho
Hãy chờ một vài ngày cho đến khi trẻ khỏi. Nếu cơn ho kéo dài trong vài tuần nhưng ở mức độ rất nhẹ và trẻ không gặp vấn đề gì khác, việc tiêm vắc-xin là có thể chấp nhận được.
- Sốt
Hãy chờ trong khoảng một tuần sau khi trẻ đã hết sốt.
- Tiêu chảy
Hãy chờ cho đến khi tiêu hóa của trẻ trở lại bình thường được khoảng ít nhất một tuần.
- Kháng sinh
Hãy chờ cho đến khi trẻ ngừng uống kháng sinh được hai tuần, phân trở lại bình thường (nếu kháng sinh gây tiêu chảy) và không còn tình trạng viêm da do nhiễm nấm ở vùng mặc tã lót.
- Dị ứng
Bạn hãy đợi cho đến khi các vấn đề dị ứng nghiêm trọng đã biến mất (hoặc ít nhất là được cải thiện) rồi mới tiêm chủng. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị các tình trạng nghiêm trọng như quấy khóc, trào ngược dạ dày thực quản, chàm hay đi ngoài phân lỏng có chất nhầy, việc tiêm chủng nên được trì hoãn cho đến khi tình trạng của trẻ được cải thiện nhờ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, việc trì hoãn vắc-xin lại tiềm ẩn rủi ro mắc bệnh và các bậc cha mẹ nên cân nhắc về rủi ro cũng như lợi ích của việc chờ đợi. Nếu các vấn đề dị ứng vẫn tồn tại, bạn phải cùng bác sĩ thảo luận xem việc tiêm chủng nên được bắt đầu khi nào. Trẻ lớn tuổi hơn có thể trì hoãn vắc-xin một cách an toàn trong vài tháng khi đang bị dị ứng; nguyên nhân là do thời điểm tiêm vắc-xin vào lúc này không còn quan trọng như khi dưới một tuổi.
Trích từ cuốn “Vắc – xin: Những điều cần biết về tiêm chủng” – Robert W. Sears