Trong cuốn sách “Ngủ ngon theo phương pháp Stanford” – Giáo sư khoa Tâm thần học tại Đại học Stanford Nishino Seiji đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi về giấc ngủ: Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không ngủ?
Trên thực tế, có một số loài động vật không bao giờ ngủ trong một khoảng thời gian xác định. Ví dụ như chim cánh cụt hoàng đế hầu như không ngủ trong một đến hai tháng, cho đến khi chim non nở ra. Chim cánh cụt hoàng đế có tập tính ấp trứng giữa hai chân, nhưng chúng lại sinh sống ở Nam Cực với nhiệt độ -60°C.
Mặc dù nếu để trứng tiếp xúc với không khí bên ngoài thì trứng sẽ vỡ, nhưng không hiểu tại sao chúng lại không xây tổ. Trong khi ấp trứng, những con trống chỉ ăn một ít tuyết và gần như đứng yên, không chuyển động
Việc “không ngủ” của chim cánh cụt hoàng đế được cho là gần với trạng thái “thức mà ngủ” và có vẻ như bằng cách đó, chúng làm giảm tiêu hao năng lượng để tập trung duy trì sự sống cho bản thân và quả trứng của mình. Ngoài ra, đồng hành với nó có loài trâu ở châu Phi, chúng không ngủ trong nhiều tuần vào thời kỳ động dục. Dù là chim cánh cụt hay trâu thì khoảng thời gian không ngủ không kéo dài suốt cả năm và cũng không phải do chủ ý của bản thân chúng, mà do nhịp sinh học điều khiển.
Vậy đối với loài người thì sao? Liệu chúng ta có thể ngủ mà vẫn có ý thức không?
Liên quan đến vấn đề này có một hồ sơ thí nghiệm thú vị của Giáo sư Dement. Năm 1965, một tờ báo địa phương đưa tin về “nam sinh trung học Mỹ thử thách kỷ lục Guinness không ngủ” và Giáo sư Dement đã đề nghị được quan sát để nghiên cứu. Theo hồ sơ thí nghiệm, trong cuộc thử thách, dường như giáo sư đã thực hiện nhiều “kỹ thuật gây khó ngủ” chẳng hạn như lắc, nói chuyện và cuối cùng là chơi bóng rổ khi cậu học sinh trung học thấy buồn ngủ.
Kết quả là mặc dù có giấc ngủ siêu ngắn microsleep trong vài giây nhưng nam sinh này đã không ngủ trong 11 ngày. Với kỷ lục Guinness trước đó, có một số nghi ngờ về phương pháp đo lường nhưng vì lần này Giáo sư Dement đã sử dụng máy đo sóng não nên chắc chắn đây là một kỷ lục không ngủ thực sự.
Theo bản ghi chép chi tiết của giáo sư, càng về cuối thử thách, cậu học sinh trung học càng nói lắp bắp, mắc nhiều lỗi và khó chịu với những điều nhỏ nhặt. Người ta nói rằng đã có một số ảo tưởng, phức cảm bị hành hạ bắt đầu xuất hiện. Khi buồn ngủ, cậu ấy đã làm sai cả phép cộng đơn giản. Tuy nhiên hầu như không có vấn đề gì khi không buồn ngủ, cậu đã thắng trận bóng rổ với giáo sư. Ngày hôm sau, sau khi kết thúc thí nghiệm, cậu đã ngủ 14 giờ 40 phút rồi thức giấc bình thường.
Tuy nhiên, đây không phải là bằng chứng cho thấy “con người có thể không ngủ trong khoảng 11 ngày”. “Chống ngủ” bằng những cách như vẩy nước hoặc làm đau khi sắp ngủ là thủ pháp tra tấn từ thời xưa. Những cách này cũng được thực hiện ở Đức Quốc xã, Trung Quốc trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa và có nhiều ghi chép cho thấy những người bị tra tấn đã có ảo giác, hoang tưởng và rối loạn tâm thần.
Vậy tại sao cậu học sinh trung học Mỹ lại có thể không ngủ như vậy? Nguyên nhân được cho là thuộc về thể chất, nhưng thể chất như thế nào thì vẫn chưa được làm sáng tỏ một cách khoa học. Y học giấc ngủ là một ngành khoa học mới bắt đầu vào những năm 1950 nên vẫn còn rất nhiều khía cạnh chưa được biết đến.
Trong cuộc sống hiện đại ngày này, ngày càng có nhiều người gặp các vấn đề về giấc ngủ dẫn đến giảm hiệu suất làm việc vào ban ngày. Rối loạn giấc ngủ còn có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau. Trong bối cảnh này, cuốn sách “Ngủ ngon theo phương pháp Stanford” mỏng nhẹ, dễ đọc thực sự là cứu cánh hữu ích, tuyệt vời cho các độc giả không may bị rối loạn giấc ngủ.
Theo Giáo sư Seiji Nishino, khi nói về giấc ngủ, điều quan trọng hơn là “chất” chứ không phải “lượng”. Chất lượng cuộc sống của mỗi người có thể sẽ được cải thiện rất nhiều nếu họ có thể biến giấc ngủ thành “đồng minh” của mình.Với cuốn sách này, độc giả sẽ được chỉ dẫn để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, bao gồm cả những khó khăn để đi vào giấc ngủ, thức dậy sớm và tỉnh táo suốt cả ngày.