Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày

Việc điều trị ung thư dạ dày ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tiêu hóa của người bệnh. Do đó, người bệnh cần đặc biệt chú ý về chế độ dinh dưỡng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Vấn đề tiêu hóa thường gặp ở người bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm rất ít triệu chứng. Khi được chẩn đoán, bệnh thường đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng. Với sự tiến bộ của y học, ung thư dạ dày vẫn có thể điều trị và giảm triệu chứng nhờ một số phương pháp như: Phẫu thuật, hóa trị, kết hợp với xạ trị.

Tuy nhiên, do có liên quan mật thiết tới hệ tiêu hóa, các phương pháp điều trị đều tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn dinh dưỡng, phổ biến nhất là suy dinh dưỡng.

Ví dụ, khi người bệnh được chỉ định cắt một phần dạ dày, bác sỹ sẽ nối phần còn lại của dạ dày với thực quản, ruột non. Vì vậy, người bệnh có thể không hấp thu được vitamin B12 – vốn cần thiết cho máu và thần kinh. Một số tuyến nội tiết, dây thần kinh quanh dạ dày cũng có thể bị ảnh hưởng, cản trở khả năng tiêu hóa của người bệnh.

Chán ăn là tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư dạ dày
Chán ăn là tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư dạ dày

Đặc biệt, hội chứng Dumping khá phổ biến ở người bệnh ung thư sau phẫu thuật cắt dạ dày. Biểu hiện là đau quặn, buồn nôn, tiêu chảy, co thắt, choáng váng sau khi ăn bởi vì dịch và thức ăn xuống ruột non quá nhanh.

Người bệnh ung thư dạ dày khi hóa trị, xạ trị có thể gặp tác dụng phụ chán ăn, dẫn tới sụt cân nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả điều trị và nhanh phục hồi sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng đặc biệt mà bác sĩ điều trị tư vấn.

Một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày

Một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày giúp cải thiện triệu chứng chán ăn, buồn nôn… bao gồm:

Chia thành các bữa ăn nhỏ

Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày
Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày

Việc điều trị gây ra một số tác dụng phụ (loét miệng, buồn nôn) khiến người bệnh ung thư dạ dày chán ăn, đồng thời cũng nhanh no hơn bình thường. Tuy nhiên, để có đủ dinh dưỡng và năng lượng cho quá trình phục hồi, bạn tuyệt đối không nên bỏ bữa. Thay vào đó, hãy cố gắng ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày, cách nhau khoảng 3 tiếng.

Ăn thực phẩm giàu protein

Protein hay chất đạm là nguồn năng lượng chính để phục hồi các tế bào và mô trong cơ thể, đồng thời giúp khôi phục hệ miễn dịch. Vì vậy, người bệnh ung thư dạ dày tuyệt đối không được ăn kiêng để “bỏ đói” tế bào ung thư. Bữa ăn của người bệnh ung thư dạ dày cần có thực phẩm giàu đạm như thịt gia cầm, cá, trứng,…

Cẩn trọng với chế phẩm từ sữa

Sau phẫu thuật cắt dạ dày, một số người bệnh có thể mất đi khả năng dung nạp lactose trong sữa. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phomai, kem) trong bữa ăn hàng ngày.

Ăn nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày cần đủ chất, giàu rau củ và ngũ cốc
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày cần đủ chất, giàu rau củ và ngũ cốc

Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp tinh bột và chất xơ – nguồn năng lượng chính cho cơ thể người bệnh. Rau củ quả là nguồn chất chống oxy hóa và vi chất dồi dào, cần thiết cho quá trình cải thiện sức khỏe.

Hạn chế sử dụng đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường

Thức ăn có chứa nhiều đường, phụ gia thường làm cho hội chứng Dumping sau phẫu thuật ở người bệnh ung thư dạ dày trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, cả người bệnh ung thư dạ dày và người thân cần đảm bảo an toàn thực phẩm, rửa tay trước khi chế biến thức ăn.

Link gốc: https://suckhoecong.vn/luu-y-ve-che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-dang-dieu-tri-ung-thu-da-day-d80419.html