7 điểm giúp phân biệt hàng loạt điều trị ung thư rởm

Trên thế giới có hàng nghìn loại điều trị dân gian và liệu pháp tự xưng hay được tâng bốc là “chữa được ung thư”. Trong số đó cũng có nhiều điều trị lừa đảo đã và đang làm hại nhiều người bệnh. Những chiêu trò quảng cáo và mạng lưới tiếp thị điều trị rởm ngày càng tinh vi và đa dạng mà người ngoài chuyên môn không thể phát hiện. Những điểm sau sẽ giúp bạn nhận ra điều trị rởm.

1. Có tác dụng với mọi loại ung thư

Dù có công dụng tới đâu thì chuyện có hiệu quả cho mọi loại ung thư là HOANG ĐƯỜNG. Ung thư là tên gọi chung của một nhóm hơn 200 bệnh. Nếu bạn không tuỳ tiện dùng thuốc đau bụng để hạ huyết áp thì không thể tuỳ tiện dùng thuốc chữa ung thư do nghe quảng cáo hay truyền miệng được vì bản chất ung thư rất phức tạp, thậm chí cùng loại ung thư nhưng bệnh học của bạn và người được ví dụ cũng rất khác nhau.

2. Bằng chứng là cảm nhận của bệnh nhân

Cảm nhận cá nhân như kiểu “Tôi dùng thấy khỏe hơn” là những điều không rõ ràng chắc chắn. Việc dựa vào những thông tin như vậy để khuyên nhủ ám chỉ rằng CHẲNG CÓ BẰNG CHỨNG gì về hiệu quả của phương pháp đó.

Bằng chứng là cảm nhận của bệnh nhân chính là điểm giúp phân biệt hàng loạt điều trị ung thư rởm

3. Phương pháp điều trị đơn giản

“Chỉ cần ăn cái này”, “Chỉ cần bỏ cái kia”… để trị ung thư là HOANG ĐƯỜNG. Nếu ung thư mà chữa được bằng những cách đơn giản như thế thì các bác sĩ và cả nhân loại đã không vất vả. Hãy cẩn thận với những liệu pháp quá đơn giản.

4. Thành phần từ thiên nhiên

Thành phần từ thiên nhiên KHÔNG ĐỒNG NGHĨA với việc có hiệu quả trong điều trị. Nhiều sản phẩm dùng cụm mỹ từ này để mời gọi sự quan tâm về các liệu pháp tự nhiên và khả năng tự chữa lành. Sản phẩm thiên nhiên chưa chắc đã an toàn và không có độc tố: Có rất nhiều sản phẩm tự nhiên có độc như nấm độc, lá ngón. Ngoài ra các “thành phần tự nhiên” cũng có nguy cơ không có liều dùng cụ thể và được che đậy bằng ngụy biện “lắng nghe cơ thể”, có thể dẫn đến gây độc do dùng quá liều, hoặc tương tác thuốc… Người bệnh và người thân cần thận trọng.

5. Lời quảng cáo quá hay

“Khối u đã biến mất!” hay “Hoàn toàn lành bệnh!” là thông tin hay được dùng để quảng cáo sản phẩm. Trong điều trị ung thư, co nhỏ một phần khối u đã là thành tích khó đạt được, nên chúng ta phải cẩn thận với chuyện thần kỳ. Khi thông tin đến từ những người không phải là bác sĩ chuyên khoa hoặc là người có lợi ích từ việc bán hàng thì càng phải thận trọng!

6. Tăng cường khả năng miễn dịch

Khả năng miễn dịch là một từ khóa được rất nhiều người quan tâm mặc dù nó khá mơ hồ. Hãy thận trọng với những liệu pháp dùng từ khóa này vì đa số chúng đều không có bằng chứng khoa học rõ ràng và đầy đủ.

7. Thuyết âm mưu

Trên mạng vẫn đang lan truyền những tin đồn như “Tây Y hay các hãng dược đã gây áp lực không cho phương pháp này phổ biến”. Thật ra, để được công nhận là một phương pháp hiệu quả thì chỉ việc công bố các con số để chứng minh thôi. Có nhiều phương pháp đã bị bác bỏ qua nghiên cứu nhưng vẫn còn được đồn thổi.

Trích cuốn sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” – TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh