Cách Covid-19 tấn công cơ thể gây di chứng

Kể cả khi khỏi Covid, xét nghiệm âm tính, cơ thể vẫn sản xuất kháng thể có thể tạo thành bão cytokine tổn thương các bộ phận cơ thể tạo thành di chứng dai dẳng.

Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi (cố vấn cao cấp tại hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome) cho biết khi mắc Covid-19 người bệnh thường trải qua nhiều giai đoạn bệnh lý khác nhau. Về cơ bản có thể chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn một, vừa mới nhiễm Covid-19, người bệnh trong tình trạng “pha virus”. Ở pha này, nCoV gây ra những triệu chứng như sổ mũi, viêm đường hô hấp trên, nhức đầu, rát cổ, mất mùi, mất vị…

Giai đoạn hai, điều trị khỏi, virus không còn tồn tại trong cơ thể, kết quả xét nghiệm âm tính. Lúc này cơ thể tiếp tục tự sản xuất kháng thể và có thể sản xuất kháng thể thái quá, tạo thành bão cytokine tấn công cả các tế bào khỏe mạnh, gây tổn thương trên các cơ quan như phổi, gan, tim… Vì vậy, dù test âm tính nhưng cơ thể vẫn đối mặt với các tình trạng bệnh lý khá nặng.

Trong suốt giai đoạn một và hai, khi virus xâm nhập, tế bào bạch cầu và kháng thể tấn công vào các cơ quan khiến cơ thể chịu nhiều tổn thương. Hai giai đoạn này được ví như cuộc chiến giữa cơ thể và các tác nhân bên ngoài. Khi chiến thắng, cơ thể đối mặt với nhiều “vết thương” nên yếu đi, tế bào có nguy cơ hoại tử, chức năng của các cơ quan giảm sút.

Đồng thời, ở cả hai giai đoạn này, các mô (mô nạc) cũng bị tổn thương rất nhiều. Ngoài khối cơ ở bắp tay, bắp chân thì khối cơ của các cơ quan cũng bị ảnh hưởng lớn, cụ thể là tế bào cơ tim, tế bào gan, tế bào của não, tế bào của thận…

Cách Covid-19 tấn công cơ thể gây di chứng 1

Giai đoạn ba là giai đoạn phục hồi, cơ của các cơ quan bị tổn thương, hư hỏng và không khỏe mạnh, trong khi kho dự trữ năng lượng cơ thể đã bị cạn kiệt suốt thời gian bệnh.

Bác sĩ Yến Phi phân tích, theo quy luật thông thường, cơ thể luôn có kho dự trữ đặc biệt giúp chúng ta chống đỡ trong một vài ngày nếu không được cung cấp các chất thông qua ăn uống. Kho dự trữ này bao gồm: vitamin A, C, vitamin B, các khoáng chất, canxi… cung cấp đầy đủ nguyên liệu xây dựng các tế bào, cơ. Kho dự trữ cạn kiệt mà cơ thể không được cung cấp thêm các dưỡng chất thì sức khỏe tế bào, mô, cơ… khó hồi phục.

Các cơ quan tổn thương càng nhiều thì bệnh càng nặng, quá trình phục hồi càng lâu, thậm chí kéo dài 2-3 tháng sau khi đã khỏi bệnh.

Ngoài sức khỏe thể chất thì sức khỏe tinh thần của người bệnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khi cơ thể bị tổn thương, tế bào thần kinh bị ảnh hưởng, kho dự trữ năng lượng sụt giảm đến mức không còn nguyên liệu để tạo thành các chất dẫn truyền thần kinh hay hoạt động thần kinh bình thường. Sự thiếu hụt này dẫn đến nhức đầu, mất ngủ, nội tiết tố thay đổi, rối loạn chuyển hóa, làm gia tăng tình trạng căng thẳng, stress. Đây là vấn đề mang tính thực thể hoàn toàn, có thể không phải vì yếu tố tâm lý.

Vì vậy, cần phục hồi cả thể chất lẫn thần kinh, tâm lý. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, ăn uống phong phú và đa dạng nhóm chất (đạm, tinh bột, béo, vitamin và khoáng chất) để có đủ nguyên liệu xây dựng lại cơ thể. Ưu tiên các chất dinh dưỡng tăng đề kháng, phục hồi sức khỏe và tái tạo mô, tế bào như protein (chất đạm), chất béo lành tính, vitamin A, C, D, E và các chất khoáng như sắt, kẽm…

Thực đơn ăn hàng ngày nên phối hợp cân đối giữa đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ…), bổ sung đầy đủ rau xanh và trái cây, uống đủ nước. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, hạn chế ăn đường, không uống rượu, hút thuốc, không ăn mặn và thực phẩm nhiều muối, hạn chế uống cà phê hoặc trà vì có thể gây khó ngủ.

“Nếu người bệnh không có biện pháp can thiệp và dinh dưỡng phù hợp thì di chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài và cũng nghiêm trọng không kém so với giai đoạn điều trị cấp tính”, bác sĩ Yến Phi khuyến cáo.

Nguồn: vnexpress