Phát hiện ung thư sớm sẽ giúp làm tăng khả năng điều trị bệnh thành công. Dưới đây là một số phương pháp xét nghiệp và chẩn đoán giúp phát hiện bệnh ung thư sớm đã và đang được triển khai tại nhiều bệnh viện trong cả nước.
1. Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ nhìn, sờ, gõ, nghe để phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cơ thể như sưng, nóng, đỏ, đau… và kết hợp với bệnh sử.
2. Khảo sát hình ảnh: Cho phép quan sát các cấu trúc trong cơ thể như xương và nội tạng mà không hoặc ít gây đau như X- quang, CT, siêu âm, nội soi, MRI, PET…
- Siêu âm: Xét nghiệm không đau sử dụng thiết bị phát ra sóng siêu âm (đầu dò) áp vào cơ thể để hiển thị và đánh giá các cấu trúc, chức năng trong cơ thể dựa vào tín hiệu sóng âm dội lại. Trong siêu âm bụng và cổ tử cung, bệnh nhân nằm trên giường và kỹ thuật viên sẽ bôi một lớp gel để tín hiệu sóng siêu âm truyền tốt hơn tới đầu dò. Ngoài ra, bằng cách gắn đầu dò siêu âm vào ống nội soi tiêu hóa, các cơ quan xung quanh ruột như tụy, gan, hạch bạch huyết… cũng có thể được đánh giá từ bên trong cơ thể.
- Chụp X-quang: Xét nghiệm ghi nhận và phân tích các cấu trúc trong cơ thể dựa trên sự khác biệt về khả năng chặn tia X đi qua. Chụp X-quang có thể áp dụng ở nhiều vùng như ngực, bụng, xương, vú, các phần mềm. Bể thận và niệu quản, thực quản, dạ dày và tá tràng, đại tràng và trực tràng cũng có thể được kiểm tra chi tiết hơn bằng cách sử dụng thêm thuốc cản quang.
- Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt sử dụng tia X, cho những hình ảnh cắt lớp rõ ràng của các cơ quan bên trong cơ thể và chứa nhiều thông tin hơn chụp X-quang. Bạn cần nằm ngửa lên giường để được đưa từ từ vào trong máy chụp. Trong một số trường hợp, bạn cần chụp CT cản quang, trong đó chất cản quang có thể được tiêm qua tĩnh mạch ở cánh tay khi chụp CT. Kỹ thuật này giúp bác sĩ phân tích hình ảnh tổn thương rõ hơn. Các phản ứng không mong muốn như buồn nôn, nổi mề đay hoặc ngứa có thể xảy ra sau khi tiêm chất cản quang. Nếu bạn bị dị ứng hoặc đã từng có phản ứng dị ứng với chất cản quang, hãy báo trước cho bác sĩ hoặc người phụ trách thực hiện xét nghiệm. Các triệu chứng có thể xuất hiện vài giờ sau khi thử nghiệm kết thúc, vì vậy nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nói trên, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu không cần thiết thì không nên chụp CT vì tia X có thể gây ra bất thường cho thai nhi.
- Chụp cộng hưởng từ (Chụp MRI): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh các mô, nội tạng cũng như các cấu trúc khác bên trong cơ thể trên máy vi tính. Kỹ thuật này giúp khảo sát não và tủy sống, mặt cắt của xương, các bộ phận phần dưới bụng (hố chậu) tốt hơn chụp CT. Trong khảo sát này, bạn sẽ nằm lên bàn nhỏ và được đưa vào trong không gian khá hẹp trong máy. Máy sẽ phát ra tiếng ồn khá lớn khi chụp, nhưng bạn cũng đừng lo vì đó là do máy đang tạo ra từ trường. Tùy vào mục đích xét nghiệm mà bạn có thể cần dùng thêm chất cản quang. Vì máy này phát ra từ trường mạnh, bạn cần tháo hết các vật dụng có kim loại trên người trước khi vào phòng chụp. Bệnh nhân đang dùng máy tạo nhịp tim hoặc dụng cụ có kim loại đặt trong người cần hỏi lại bác sĩ về chỉ định này.
- Chụp PET/CT: Kỹ thuật có tên đầy đủ là chụp Positron cắt lớp kết hợp CT, là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tân tiến tạo ra các hình ảnh thể hiện vị trí của vùng có bất thường chuyển hóa glucose trong cơ thể. Trong khảo sát này, một chất phóng xạ yếu được gắn vào thuốc dễ được tế bào ung thư hấp thụ (có tên là FDG) như glucose sẽ được tiêm vào cánh tay và sự phân bố của thuốc trong cơ thể sẽ được chụp lại để đánh giá trạng thái các tế bào đã thu nhận thuốc. Bạn không cần quá lo lắng vì bức xạ phát ra từ thuốc sẽ yếu dần theo thời gian và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Không giống như chụp CT là đánh giá kích thước và sự lan rộng của ung thư, chụp PET phản ánh trạng thái hoạt động của tế bào ung thư (ví dụ: Liệu chúng có đang tích cực tiêu thụ glucose hay không). Hình ảnh từ chụp PET thường được kết hợp với hình ảnh CT để đánh giá chính xác hơn vị trí của tín hiệu bất thường. Lưu ý rằng FDG thường được sử dụng bởi các tế bào ung thư, nhưng cũng có thể được các tế bào lành tăng hấp thụ (như khi bị nhiễm trùng). Ngược lại, một số tế bào ung thư lại có thể không hấp thụ FDG. Vì thế, cần kết hợp nhiều thông tin và xét nghiệm khác để phán đoán tín hiệu PET là do ung thư hay không.
- Nội soi: Nhóm các khảo sát với ống soi có thấu kính và nguồn sáng vào cơ thể để quan sát mũi, họng, miệng, đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột già và đôi khi là ruột non), đường hô hấp (khí quản, phế quản) và đường tiết niệu (bàng quang, niệu quản) từ bên trong cơ thể. Kỹ thuật này giúp quan sát trực tiếp tổn thương và cũng có thể lấy một phần hoặc toàn bộ tổn thương (sinh thiết) để mang đi chẩn đoán với bác sĩ giải phẫu bệnh lý. Chuẩn bị cho xét nghiệm sẽ còn tùy vào cơ quan cần khảo sát, nhưng bệnh nhân thường phải nhịn ăn khi nội soi dạ dày, ruột già và có thể được truyền dịch hỗ trợ.
3. Đo chất chỉ dấu ung thư: Ngoài các mục liên quan tới số lượng các loại tế bào máu, chức năng gan, thận, chỉ số về dinh dưỡng, điện giải… thường thấy trong xét nghiệm máu thường quy, các bác sĩ có thể chỉ định đo nồng độ các chất chỉ dấu ung thư. Khi bạn bị ung thư, một số chất có thể tăng cao hơn trong máu hoặc nước tiểu của bạn so với người bình thường. Những chất như vậy được gọi là “chất chỉ dấu ung thư” (tumor marker). Tuy nhiên, nhiều chất chỉ dấu ung thư có thể không hề tăng ở bệnh ung thư, và cũng có thể cao hơn ở một số người có bệnh lành tính, thậm chí là hoàn toàn khỏe mạnh. Do đó, kết quả đo chất chỉ dấu ung thư không thể chẩn đoán bệnh ung thư mà chỉ có vai trò tham khảo nhất định.
4. Sinh thiết: Là tên gọi chung của việc lấy mẫu mô từ khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi trong phòng xét nghiệm. Tùy vào loại ung thư và vị trí tổn thương mà sinh thiết có thể được thực hiện qua kim nhỏ, qua nội soi, hoặc qua phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau thích hợp để không làm bạn quá khó chịu.
5. Giải phẫu bệnh lý: Các mẫu mô từ vùng nghi ngờ ung thư sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra đánh giá dưới kính hiển vi. Đây là xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác ung thư. Các tế bào bình thường sẽ có kích thước đồng đều, cấu trúc cân đối và sắp xếp trật tự. Ngược lại, tế bào ung thư thường có kích thước to nhỏ khác nhau, cấu trúc bất thường và sắp xếp lộn xộn. Nhờ đánh giá này mà các bác sĩ sẽ biết đó có phải là ung thư không và nếu đúng thì đó là loại ung thư nào. Trong một số trường hợp, các bác sĩ cần làm thêm nhiều kỹ thuật khác (như nhuộm màu, xem biểu hiện các chất chỉ thị) để phân biệt các loại ung thư với nhau và đánh giá độ ác tính của căn bệnh.
Đối với những khối u được cắt khỏi cơ thể qua phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ đánh giá chi tiết xem ung thư đã được “cắt sạch” chưa, có tế bào ung thư di căn ra hạch bạch huyết hay cấu trúc nào gần đó hay không. Điều này rất quan trọng để lên kế hoạch điều trị bổ trợ và theo dõi sau mổ.
Trích cuốn sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” – TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh