Dịch bệnh” là cuốn sách phi hư cấu đầu tiên về chủ đề dịch tễ mà tôi được đọc.
Là một con người phổ thông, tất cả những gì tôi được biết về dịch bệnh đều chỉ đến từ sách vở, truyền hình và mạng Internet. Đọc “Thành trì” của A. J. Crownin, “Dịch hạch” của Albert Camus, và những thông tin thoáng qua của truyền thông, tôi cứ nghĩ mình đã biết nhiều lắm về bệnh tật, nhưng chỉ đến khi đóng lại những trang sách của cuốn Dịch bệnh tôi mới biết là mình nhầm. Quá nhầm!
Cuốn sách đã cho tôi một góc nhìn mới, cụ thể hơn, chi tiết hơn về y tế công cộng và dịch tễ học (những từ rất xa lạ với tôi trước kia). Tôi được biết những nhà dịch tễ học – hay như tác giả gọi là thám tử điều tra bệnh tật – đã làm việc như thế nào để tìm hiểu bệnh tật và bảo vệ cộng đồng. Họ phải đi đến hiện trường, thu thập thông tin và xem xét vô cùng kỹ lưỡng tìm hiểu căn bệnh. Thường họ tìm thấy nguyên nhân cụ thể, đôi khi họ bất ngờ trước nguồn cơn. Cũng có lúc họ chưa hoặc không thể tìm được câu trả lời cụ thể, nhưng bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ vẫn có thể ngăn chặn được căn bệnh và bảo vệ cộng đồng.
Tôi cũng được sáng tỏ hơn về các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong thế kỷ 21, bắt đầu từ SARS và gần đây nhất là COVID-19. Những điều GS. Lê Vũ Anh, chủ tịch Hội Y tế Công cộng viết trong lời giới thiệu của cuốn sách này rất đúng đắn: “…không phải các bệnh truyền nhiễm và dinh dưỡng thuộc nhóm 1 đã trở thành thứ yếu, mà chẳng qua chúng chưa gây các vụ dịch lớn và đại dịch thôi.” Những căn bệnh nguy hiểm ấy không ở đâu xa. Sự phát triển của loài người đã khiến chúng ta, hơn bao giờ hết, xích lại gần nhau và xích lại gần các mầm bệnh hoang dã. Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không còn ở một xứ xở xa xôi nào đó nữa, có thể ngày mai chúng sẽ ở ngay trong đất nước của chúng ta, thành phố chúng ta.
Nhưng tôi không sợ hãi. Bất kể muôn vàn khó khăn được tác giả nêu ra trong cuốn sách – những khó khăn về công nghệ, chính sách, chi phí – tôi cũng không sợ hãi. Tôi tin tưởng rằng những tiến bộ của khoa học kết hợp với tầm nhìn xa của chính sách sẽ là phương án cho vấn đề này. Chắc hẳn đó cũng chính là suy nghĩ của tác giả Micheal T. Osterholm khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ. Và với thành công của Việt Nam khi hai lần kiểm soát COVID-19, cũng như kết quả thử nghiệm khả quan về vắc xin ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer ở New York (Hoa Kỳ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (Đức) phát triển, tôi rất lạc quan về tính khả thi của con đường ấy.
“Dịch bệnh” chính là cuốn sách hay nhất tôi đọc được trong năm nay.