Có lẽ bạn nên gặp “bác sỹ tâm lý” chính là câu chuyện về cuộc sống và công việc của bác sỹ tâm lý Lori Gottlied. Những khó khăn, vướng mắc, cách giải quyết các vấn đề tâm lý của chính mình cũng như của những người bệnh đã được bà diễn giải trong từng câu chữ của mỗi trang sách.
Cuốn sách Có lẽ bạn nên gặp “bác sỹ tâm lý” viết về những câu chuyện – vụn vặt, lẻ tẻ, về nhiều người nhưng lại cũng là về một người – người viết. Nội dung trong cuốn sách là lời tự sự của bác sỹ tâm lý Lori Gottlied về những vấn đề của bản thân trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Trong cuốn sách, tác giả kể lại câu chuyện đột nhiên bị người bạn trai đã chung sống nhiều năm, chuẩn bị kết hôn, chia tay vì lý do “như bà chia sẻ” là không muốn sống chung với một đứa trẻ con, trong khi tác giả có một cậu con trai 8 tuổi mà bà hết lòng yêu thương. Thế nên, hai người chia tay và bà chìm trong sự đau khổ, không thể thoát ra khỏi những đau đớn sau sự tan vỡ của một cuộc tình. Thêm vào đó, có rất nhiều bệnh nhân của bà khiến bà như muốn-phát-điên lên bởi sự cố chấp của họ. Sau những tháng ngày vật lộn, bà đã nghe lời một bệnh nhân của mình, tìm gặp một bác sỹ tâm lý để được tư vấn. Từ tâm thái soi mói ban đầu của một người cũng làm tâm lý, bà bắt đầu mở lòng mình hơn, hiểu nhiều hơn và “chợt nhận ra” vấn đề của bản thân nhiều hơn. Áp dụng những điều chợt hiểu ra đó vào trong công cuộc trị liệu, vấn đề của bà với các bệnh nhân cũng hầu như được giải quyết, dù không triệt để, nhưng cải thiện hơn nhiều.
Một cuốn sách, nếu bạn coi nó như một phương thức giải trí, thì đúng như vậy. Nếu bạn coi nó như là một cách để bạn biết thêm về thế giới của những người cần người giải tỏa tâm lý, thì nó đúng là như vậy.
Thông qua lời kể của tác giả mà họ nhận ra những con người khác nhau trong xã hội, ai cũng có những nỗi niềm riêng, cuộc sống riêng. Đôi khi, những thứ họ gặp phải không phải là vấn đề về tâm lý – vốn nặng nề như bao người thường nghĩ, mà chỉ đơn giản là những vấn đề nho nhỏ họ muốn nói ra và cần có một người ngồi nghe, không phán xét, không đánh giá. Nghe, đơn giản là nghe, nghe xong để nguyên đó. Và cái nghề của “bác sỹ tâm lý” chính là nghề như vậy. Nghe những câu chuyện vụn vặt, không đánh giá và “muốn” quẳng nó ra khỏi đầu sau 50 phút gặp gỡ kết thúc.
Bởi bác sỹ tâm lý cũng có những câu chuyện riêng của họ. Họ cũng cần “bác sỹ tâm lý” để lắng nghe câu chuyện của họ – những câu chuyện phát sinh từ cuộc sống, những câu chuyện phát sinh từ các buổi trò chuyện với những “bệnh nhân” của họ. Có quá nhiều thứ đan xen tạo nên thứ cảm xúc tiêu cực trong họ. Họ cũng cần được giải tỏa. “Bác sỹ tâm lý” cũng cần “bác sỹ tâm lý” vì thế.
Câu chuyện kết thúc mở, bởi rồi, ai cũng sẽ cần đối mặt với thực tế cuộc sống. Tác giả cũng vậy, những người bệnh cũng thế. Thứ họ cần tìm, một người lắng nghe “người chia sẻ” là họ, cùng nhau lý giải để rồi thấy lại sự cân bằng tạm thời nào đó, trước khi họ rời khỏi căn phòng trị liệu mỗi tuần, để trở về.
Và, cuộc sống của họ lại bắt đầu.
Khánh Hạ