Tại sao ung thư có thể tấn công mọi bộ phận của cơ thể?
Hầu hết bệnh tật chỉ nhắm vào một hệ cơ quan. Viêm gan B tấn công gan thay vì bàn chân. Alzheimer tấn công não bộ chứ không phải tim mạch. Ung thư tấn công mọi tế bào trong cơ thể người. Tại sao? Bởi vì mọi tế bào trong cơ thể đều đã có sẵn hạt giống ung thư.
Tại sao ung thư lại có thể tấn công gần như mọi dạng sống đa bào trên Trái Đất?
Tất cả các loài động vật và thực vật trên Trái Đất đều bắt nguồn từ sinh vật đơn bào, vậy nên bộ gen của chúng ta đều có sẵn “chương trình ung thư” – thứ được khắc ghi và hiện diện ở mọi nơi. Dĩ nhiên, đối với các sinh vật đơn bào, đó không phải là con đường dẫn đến ung thư. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là hướng dẫn cho việc cạnh tranh thành công với các tế bào khác, nhằm thống trị môi trường sống.
Tính đa bào đã ghi đè những quy trình kiểm soát lên trên sự thôi thúc hướng về tính đơn bào này. Những quy tắc cho “sự cạnh tranh” từ xa xưa không hề bị hủy bỏ. Thay vào đó, những nội dung mới được bổ sung thêm, biến chúng trở thành quy tắc cho “sự hợp tác”. Khi những lộ trình mới bị sụp đổ, chương trình về tính đơn bào sẽ lại được thể hiện, những quy tắc từ xa xưa sẽ được áp dụng. Một khi chương trình này được kích hoạt, nó sẽ tuân theo một kịch bản được định sẵn. Tế bào ung thư sẽ bắt đầu phát triển, hình thành một khối gồm nhiều tế bào bất thường mà chúng ta gọi là khối u.
Tại sao mọi ca ung thư lại có vẻ giống nhau đến vậy?
Các ca ung thư đều có chung một loạt các dấu hiệu “kỳ lạ”, bất chấp sự khác biệt giữa tế bào nguyên phát và sự khác biệt về mặt di truyền giữa các bệnh nhân. Không có lý do gì khiến những dấu hiệu này hội tụ cùng nhau. Tại sao sự tăng trưởng và sự bất tử lại xuất hiện cùng với hiệu ứng Warburg? Tại sao một số tế bào ung thư lại không tiến hóa khả năng quang hợp để tạo năng lượng từ ánh nắng? Tại sao ung thư lại gây ra sự tăng trưởng quá mức, thay vì giúp chúng ta có thể bắn laser từ mắt?
Chương trình ung thư đã một thứ đã được định trước. Nó là sự đảo ngược về dạng đơn bào của tế bào, một hiện tượng lại giống. Mọi ca ung thư đều có chung nguồn gốc đơn bào, với cách sinh tồn từ thời cổ đại – một sự kết hợp của các thuộc tính được tiến hóa qua hàng triệu năm nhằm tối đa hóa khả năng sinh tồn cho bản thân.
Tại sao ung thư lại phổ biến đến vậy?
Nguy cơ mắc ung thư tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tính trong suốt cuộc đời là khoảng 33%. Tại nước Mỹ, nguy cơ mắc ung thư vú của một người phụ nữ, tính trong suốt cuộc đời, là khoảng 11%. Nhưng tỉ lệ mới mắc ung thư thật sự còn cao gấp nhiều lần những con số trên. Khám nghiệm tử thi ở những người tử vong không do ung thư cho thấy tỉ lệ mắc khối u ác tính chưa được phát hiện cao đến đáng kinh ngạc. Ung thư không phải là một bệnh hiếm gặp, nó rất phổ biến.
Mỗi ca ung thư phải trải qua hàng trăm hay hàng nghìn đột biến để biến đổi từ một tế bào bình thường. Nếu phát triển từng đột biến một, sự phát triển của ung thư sẽ phải mất nhiều thế kỷ, nếu không muốn nói là nhiều thiên niên kỷ. Thuyết lại giống giải thích được tại sao ung thư phổ biến đến vậy: Nguồn gốc ung thư vốn đã nằm trong mọi tế bào của cơ thể chúng ta. Nó không cần được tích lũy. Nó chỉ cần được bộc lộ.
Trích từ cuốn sách “Mật mã ung thư – Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư” – Bác sĩ Jason Fung