Có lẽ, không có một căn bệnh nào gây ra nỗi ám ảnh cho cả người bệnh, người thân, và người điều trị như căn bệnh ung thư. Đã từ rất lâu rồi, khái niệm “bệnh ung thư” hầu như luôn gắn liền với những gì dễ sợ nhất, đau đớn nhất, khó khăn nhất, bi quan tuyệt vọng nhất… mà một người sống trong trần thế có thể trải qua. Cũng chính cái tâm lý sợ hãi và tuyệt vọng này đã dẫn đến những ứng xử với căn bệnh đôi khi là quá cực đoan, đôi khi là sai lạc, và hậu quả cuối cùng của tất cả những cực đoan sai lệch đó đôi khi là điều xấu nhất với người bệnh.
Nói đôi khi, là bởi vì bên cạnh những cực đoan và sai lệch đó, nhân loại vẫn đang tiếp tục những bước tiến của mình trong việc cố gắng tìm hiểu và có những biện pháp trị liệu chính xác hơn, hiệu quả hơn cho căn bệnh khó khăn này. Những tiến bộ của khoa học điều trị đã giữ cho hàng triệu người không may mắc phải căn bệnh này được cứu chữa mỗi năm, giúp họ vượt qua, sống sót, và tiếp tục cuộc sống của mình với chất lượng sống tốt nhất có thể.
Việc trị liệu một bệnh lý ung thư hiện nay không còn đơn thuần là phẫu thuật cắt bỏ cơ quan bị ung thư hay là uống một loại thuốc có tác dụng phá hủy khối u nữa, mà đã được mở rộng thành một chương trình trị liệu phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp khác nhau cho từng bệnh nhân cụ thể. Một chương trình trị liệu tốt phải vừa đạt được hiệu quả của điều trị, tức là phải tiêu diệt được tế bào ác tính, lại phải vừa duy trì được sức khỏe và tinh thần của người bệnh, tức là người bệnh phải đủ sức vượt qua các khó khăn của trị liệu hay hậu quả từ khối u, lại phải phục hồi sức khỏe nhanh chóng và không chịu các mệt mỏi suy kiệt trong suốt thời gian điều trị. Vì vậy, bạn có thể thấy một chương trình trị liệu ung thư cần có sự tham gia của rất nhiều chuyên khoa khác nhau như ngoại khoa, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng… và chắc chắn không thể thiếu dinh dưỡng. Dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp nguyên liệu để xây dựng, sửa chữa những tế bào của cơ thể đã bị tổn thương do sự tấn công của ung thư hay do trị liệu; dinh dưỡng giúp các tế bào có năng lượng để hoạt động, duy trì sự sống, phục hồi sức khỏe; dinh dưỡng giúp khôi phục các kho dự trữ của cơ thể đã bị hao hụt, cạn kiệt trong suốt thời gian chống chọi với căn bệnh; học về dinh dưỡng và chuẩn bị bữa ăn cho chính mình là một biện pháp trị liệu về tinh thần cho người bệnh ung thư…
Quan trọng là vậy, nhưng trong thực tế tại Việt Nam hiện nay, người bệnh ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng mức, và có không ít những người bệnh tiến triển xấu dần đi khi cơ thể suy mòn đến mức không thể phục hồi. Có nhiều lý do để điều đau lòng đó xảy ra, trong đó có cả việc người bệnh không biết mình cần ăn những thức ăn gì, chọn lựa thức ăn ra sao, chế biến món ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là đủ, hay cần phải làm gì để có thể ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng của chính mình khi gặp những tác dụng ngoại ý của việc điều trị làm ăn uống trở nên khó khăn.
Tập sách nhỏ này sẽ cung cấp cho người bệnh ung thư những điều căn bản và dễ thực hiện nhất trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho chính mình. Tập sách được soạn thảo công phu từ những người có tâm huyết hỗ trợ cho người bệnh, nên các kiến thức khoa học phức tạp đã được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu, đồng thời cũng được chú trọng đến phần trình bày để đạt được hiệu quả tốt nhất với màu sắc và hình ảnh minh họa.
Xin chân thành cảm ơn những người đã chung tay làm ra tập sách quý này, và kính giới thiệu tập sách đến người đọc, với niềm tin rằng những người bệnh đang nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả trong cuộc hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2/2022
TS BS ĐÀO THỊ YẾN PHI
Chuyên gia dinh dưỡng
Nguyên Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch