Lời giới thiệu của PGS TS BS Phạm Nguyên Tường về cuốn sách “Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân”

Trong những năm gần đây, dữ liệu khoa học cho thấy tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng. Những trường hợp thoát khỏi “án tử do ung thư” không chỉ còn là may mắn và cá biệt. Mỗi ngày chúng ta vẫn thấy chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội vô số câu chuyện, cảnh đời cảm động của những người đã và đang “sống chung với ung thư”, cách họ can trường vượt qua những thời khắc gian khó với sự hỗ trợ của nhiều “lực lượng”: nhân viên y tế, người thân, tình nguyện viên, và cả chính họ.

Để làm được điều này, việc giúp bệnh nhân và người thân hiểu biết đúng về ung thư, từ đó chủ động tham gia vào quá trình ra quyết định và lên kế hoạch điều trị/chăm sóc cho mình là rất quan trọng. Bệnh nhân/người thân cần được giải thích về lợi ích tiềm năng và tác dụng phụ có thể xảy ra do điều trị một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu vào thời điểm thích hợp, từ đó cùng ra quyết định về phương pháp điều trị phù hợp với quan điểm của mình. Việc tham gia vào quá trình quyết định giúp bệnh nhân/người thân tuân thủ y lệnh tốt hơn, hài lòng và chủ động hơn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của đau buồn, sợ hãi, thiếu thời gian và thiếu hiểu biết về ung thư của người thân/người bệnh.

Cuốn sách Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân do TS BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh biên soạn
Cuốn sách Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân do TS BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh biên soạn

Cuốn sách Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân do TS BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh biên soạn, chỉ với độ dày vừa phải nhưng có thể nói đã bao quát hết những vấn đề cơ bản về ung thư và các phương pháp điều trị/chăm sóc mà người bệnh/người thân cần biết khi đối diện với căn bệnh quái ác này. Ngoài những nội dung quan trọng về chăm sóc giảm nhẹ như cách kiểm soát đau, hỗ trợ tinh thần, vận động và dinh dưỡng trong khi điều trị, cuốn sách còn có những lời khuyên cần thiết về cách ứng phó khi nhận tin xấu, cách thực hành thay đổi lối sống để bệnh nhân thoải mái hơn trong hành trình của mình.

Từ kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quý báu khi tư vấn cho bệnh nhân/người thân thông qua Tổ chức Y học Cộng đồng nhiều năm qua, các tác giả khẳng định “kiến thức là mạng sống” là hoàn toàn chính xác. Chỉ có hiểu biết đúng đắn thì bệnh nhân và người thân mới có thể đối mặt với ung thư theo cách phù hợp với cuộc sống của mình.

Trong cẩm nang này, các tác giả dẫn dắt người đọc từ ngày đầu nhận chẩn đoán ung thư, suốt quá trình điều trị, và cả những câu chuyện trải nghiệm, lời khuyên của những người sống sót khỏe mạnh… theo đúng nghĩa “đồng hành” nhưng không quên nhấn mạnh đến sự “cá nhân hóa” trong chăm sóc và điều trị. Với cách trình bày và lối hành văn gọn ghẽ, mộc mạc, dễ hiểu nhưng toát lên lòng nhiệt tâm và thấu cảm trước nỗi đau, “sự cô đơn” vô cùng tận của người bệnh ung thư, cuốn sách sẽ là “người bạn” cần thiết cho nhiều người.

Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân để ung thư không còn là “án tử” hay “kẻ thù” đáng sợ, để bệnh nhân có thể bình an sống cùng với nó theo những trải nghiệm riêng biệt, thậm chí có thể giúp cảm nhận cuộc sống “sâu hơn” với những ý nghĩa mới về sự can đảm, hi vọng, niềm vui và niềm tin. Các tác giả chia sẻ mục đích của cẩm nang là “đồng hành cùng bệnh nhân ung thư” để “họ đỡ cô đơn trong cuộc sống qua những lời khuyên hữu ích về ứng phó”, nhưng tôi tin rằng ý nghĩa của cuốn sách còn vượt hơn cả niềm mong đợi chân thành đó.

PGS TS BS Phạm Nguyên Tường

Phó giám đốc Trung tâm Ung Bướu

Bệnh viện Trung ương Huế