Khi nào các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư có thể bắt đầu xuất hiện?
Bạn có thể bắt đầu gặp phải các tác dụng phụ trong vòng vài ngày sau khi điều trị, nhưng thường chúng sẽ bắt đầu xảy ra sau vài tuần hoặc vài tháng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, các tác dụng phụ mới có thể xuất hiện sau vài tháng kể từ khi kết thúc đợt điều trị.
Hầu hết người bệnh đều chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nếu bạn đang điều trị với thuốc ở liều cao, bạn kết hợp nhiều loại thuốc điều trị miễn dịch khác nhau hoặc bạn đang tiến hành liệu pháp miễn dịch trong khi kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác.
Infographic dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư:
Làm sao để kiểm soát các tác dụng không mong muốn?
Do liệu pháp miễn dịch có bản chất khác so với các phương pháp điều trị ung thư khác, điều quan trọng là bạn cần trao đổi kỹ với bác sỹ để kịp thời theo dõi các tác dụng phụ, cũng như mức độ tiến triển của bệnh ung thư.
Trước khi bắt đầu liệu pháp miễn dịch, hãy trao đổi kỹ với bác sỹ về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bạn cần nắm rõ mức độ nguy hiểm của các tác dụng phụ này, cũng như biết khi nào cần thông báo với bác sỹ về các tác dụng không mong muốn.
Trước khi bắt đầu trị liệu, các bác sỹ cũng thường làm một số xét nghiệm, kiểm tra để xem bạn có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện liệu pháp miễn dịch hay không. Trong suốt quá trình điều trị, các bác sỹ cũng sẽ thường xuyên xét nghiệm máu và thăm khám cho bạn để phát hiện sớm các triệu chứng không mong muốn.
Thông báo với bác sỹ khi gặp phải các tác dụng phụ
Các tác dụng phụ sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu bạn phát hiện và thông báo sớm với bác sỹ. Do đó, đừng ngại trao đổi với các bác sỹ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào. Nếu không được điều trị kịp thời, một số tác dụng phụ có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa tới tính mạng.
Do liệu pháp miễn dịch vẫn là một phương pháp điều trị ung thư mới, nhiều bác sỹ, chuyên gia y tế khác có thể chưa quen thuộc với những tác dụng phụ mà liệu pháp này gây ra. Do đó, bạn nên chủ động trao đổi với các chuyên gia, bác sỹ về việc mình đang thực hiện liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư.
Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc mới, bao gồm cả các loại thuốc không kê đơn, thuốc chống viêm có steroid, các liệu pháp thảo dược khác… trước khi trao đổi kỹ với bác sỹ điều trị ung thư cho bạn.
Điều trị các tác dụng phụ
Các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch sẽ được chấm theo thang điểm từ 1 – 4. Thông thường, bác sỹ sẽ chỉ cho bạn các kiểm soát các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình (cấp độ 1 – 2) tại nhà. Ví dụ, bạn có thể bôi kem dưỡng ẩm để kiểm soát tình trạng phát ban da.
Các tác dụng phụ từ trung bình đến nghiêm trọng (cấp độ 2 – 4) thường được điều trị bằng thuốc steroid theo hướng dẫn của bác sỹ.
Trong một số trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng (cấp độ 3 – 4), người bệnh có thể phải nhập viện để truyền steroid hoặc các loại thuốc khác qua đường tĩnh mạch. Liệu pháp miễn dịch có thể được ngừng lại cho đến khi các tác dụng phụ được kiểm soát tốt hơn.
Nếu các tác dụng phụ trở nên quá nghiêm trọng, bạn có thể phải ngừng liệu pháp miễn dịch vĩnh viễn. Trong trường hợp này, quá trình điều trị trước đó có thể đã kịp “huấn luyện” hệ miễn dịch của bạn, giúp chúng nhận ra các tế bào ung thư. Do đó, có thể bạn vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ liệu pháp này.
Dù có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng bạn không cần quá lo vì nhiều người chỉ gặp phải các tác dụng phụ nhẹ.
Một lưu ý nữa: Nếu đã điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị ung thư trước khi tiêm chủng, bao gồm cả tiêm vaccine cúm hay vaccine COVID-19.
Link gốc: https://suckhoecong.vn/lieu-phap-mien-dich-dieu-tri-ung-thu-co-the-gay-tac-dung-phu-gi-d79600.html