Người tạo ra vaccine AstraZeneca: Chúng tôi đua với virus, không phải với các hãng khác

“Là một người sáng tạo ra loại vaccine đang được cả thế giới săn đón, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Tôi đã không nộp bằng sáng chế cho vaccine trừ việc hưởng một phần tiền từ công việc chăm chỉ của mình.” Sarah Gilbert, người đã cùng cộng sự tạo ra vaccine Oxford-AstraZeneca (AZD1222) – thứ đang được tiêm chủng cho rất nhiều người trên thế giới trong đó có cả người dân Việt Nam – chia sẻ.

Vaccine AZD1222 có giá khoảng 3 USD / liều, rẻ hơn nhiều so với mức giá khoảng 20 USD đang được Pfizer hoặc Moderna bán. Bản thân AstraZeneca cũng cam kết không thu lợi khi dịch còn diễn ra. Chưa hết, Gilbert cũng không đăng kí đầy đủ bằng sáng chế cho phát minh của mình, vì bà muốn giúp thế giới tiếp cận được vaccine nhanh và dễ hơn, bà muốn chia sẻ nó với bất kì ai có khả năng sản xuất loại vaccine này.

Nhiều năm trước, khi đang thực hiện nghiên cứu tiến sĩ, bà Gilbert quyết tâm dành hết sức cho khoa học. Là một sinh viên trẻ chuyên ngành sinh học ở Đại học East Anglia, bà được tiếp năng lượng nhờ vào rất nhiều luồng suy nghĩ đa dạng cũng như kinh nghiệm của những người khác trong khoa.

Nhưng càng bắt đầu làm việc và theo đuổi bằng tiến sĩ ở Đại học Hull, Gilbert càng nhận ra rằng việc tập trung vào một thứ rất hẹp không phải là thứ bà thích. “Có những nhà khoa học thích tự mình làm một chủ đề trong một thời gian rất dài… Nhưng đó không phải cách tôi thích làm việc. Tôi muốn thử chịu trách nhiệm nhiều ý tưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”, Gilbert chia sẻ. “Đã có lúc tôi định từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và làm gì đó khác”.

Ngay cả khi Gilbert quyết định “thử khoa học thêm lần nữa… tôi vẫn cần thu nhập”. Đó là quyết định đã góp phần dẫn đến sự ra đời của vaccine AZD1222.

Nghiên cứu bệnh sốt rét

Sarah Gilbert sinh vào tháng 4 năm 1962 tại Kettering, Northamptonshire, Anh Quốc. Cha của Gilbert làm ngành giày, còn mẹ là giáo viên tiếng Anh và cũng là một thành viên của một nhóm hoạt động xã hội tại địa phương. Sarah là một người khép kín, ít nói, một dấu hiệu có thể giải thích cho việc Gilbert vẫn kiên quyết đi theo đường nghiên cứu tiến sĩ dù có nhiều hoài nghi từ chính bản thân.

Sau khi hoàn thành luận án và có bằng tiến sĩ, bà được nhận vào làm ở một trung tâm nghiên cứu về ủ (brewing) với nhiệm vụ làm sao tăng năng suất ủ của các loại nguyên liệu, sau đó chuyển sang làm việc với sức khỏe con người. Bà chưa bao giờ dự định trở thành chuyên gia vaccine, thế nhưng từ giữa những năm 1990, bà đã từng làm việc nghiên cứu tại Đại học Oxford, khi đó Gilbert nghiên cứu về gen của kí sinh trùng gây bệnh sốt rét. Việc đó đã dẫn tới sự ra đời của vaccine ngừa sốt rét.

Cuộc đời của Gilbert trở nên phức tạp hơn khi bà sinh ba đứa con. Con trai Freddie của bà mô tả về mẹ mình là một người rất ủng hộ con và luôn làm những điều tốt nhất cho con. Cả ba người con đều tự quyết định nghề nghiệp và con đường của mình, nhưng rồi tất cả cũng đều chọn nghiên cứu về sinh hóa học ở trường đại học.

Người tạo ra vaccine AstraZeneca: Chúng tôi đua với virus, không phải với các hãng khác (ảnh 1)

Lên chức

Trong quá trình làm việc tại Oxford, tiến sĩ Gilbert nhanh chóng trở thành một giáo sư tại Viện Jenner danh giá. Viện nghiên cứu này được đặt tên theo Edward Jenner, người phát minh ra việc chủng ngừa. Tại đây, bà thiết lập một nhóm nghiên cứu của riêng mình với tham vọng tạo ra một loại vaccine có thể chống được nhiều chủng loại cúm khác nhau.

Năm 2014, Gilbert dẫn đầu việc thử nghiệm vaccine Ebola, rồi khi bệnh MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) xuất hiện, bà đã bay sang Ả Rập Saudi với hi vọng phát triển được một loại vaccine dành cho chủng coronavirus này.

Khi đang thử nghiệm giai đoạn 2 của loại vaccine này thì dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc vào đầu năm 2020. Lúc đó, Gilbert nhận ra rằng bà có thể sử dụng cùng phương pháp vaccine mà bà đang phát triển.

“Chúng tôi hành động rất nhanh”, giáo sư Teresa Lambe, đồng nghiệp của Gilbert, cho biết. Ngay khi các nhà khoa học Trung Quốc đăng tải cấu trúc gen của virus mới, chỉ trong những ngày cuối tuần, vaccine đã được thiết kế xong. “Chúng tôi làm lẹ lắm”. Gilbert thực hiện mọi việc gấp rút trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh vì COVID-19. Bà làm việc có khi từ 4 giờ sáng đến tận chiều muộn.

Vaccine ngừa COVID-19 ra đời

Sau đó vài tuần, vaccine đã có thể hoạt động được và chống chọi với bệnh COVID-19 trong phòng thí nghiệm. Đầu tháng 4 năm 2020, lô đầu tiên được sản xuất để chuẩn bị cho việc thử nghiệm. Gilbert mô tả rằng quá trình này là một loạt những bước nhỏ liên tiếp nhau, chứ không phải là một khoảnh khắc phát hiện bùng nổ nào đó.

“Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc chạy đua với virus, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi là một trường đại học và chúng tôi không dùng cái này để kiếm tiền”, Gilbert nói.

Với các loại vaccine RNA (như của Pfizer và Moderna) và vaccine viral vector (như AZD1222), việc nâng cấp và thiết kế lại vaccine để đối phó với các chủng mới không phải là chuyện khó, vì bạn chỉ cần tổng hợp được đoạn DNA (hoặc RNA) mới ứng với loại virus mới rồi đưa nó vào vaccine. Việc nặng thực sự nằm ở khâu sản xuất, nhưng một khi quy trình đã được thiết lập thì những vaccine sau đó sẽ đi theo luồng tương tự.

Sau một thời gian nghiên cứu, Đại học Oxford đã phối hợp với công ty dược AstraZeneca để sản xuất vaccine, chứ bản thân trường đại học sẽ không làm việc sản xuất.

Vaccine ngừa COVID-19 ra đời

Ban đầu, vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca được thiết kế để sử dụng chỉ 1 mũi tiêm duy nhất mà thôi. Đó là thời điểm tháng 2 năm 2020, lúc mà nước Anh chuẩn bị bị tấn công bởi làn sóng một bệnh dịch chết chóc mói. Lúc đó nhóm nghiên cứu nghĩ rằng nếu chờ đến khi có đủ 2 liều tiêm, rất nhiều người sẽ chết, còn nếu bạn được tiêm 1 mũi thì bạn đã đỡ hơn rất nhiều.

Thế nên họ tiến hành thử nghiệm với 1 liều, nhưng đồng thời cũng có một nhóm nhỏ thử nghiệm 2 liều. Các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng miễn dịch của nhóm được tiêm 2 liều mạnh hơn nhiều so với 1 liều, thế nên họ mới thảo luận lại với các cơ quan chức năng và đồng ý rằng vaccine này sẽ được dùng 2 liều. Ý tưởng là sau liều 1 bạn đã được bảo vệ một ít rồi, và khi bạn được tiêm liều 2 thì bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn nữa và kéo dài hơn nữa.

Một trong những nghiên cứu sinh tiến sĩ của Gilbert mô tả: “Đôi khi tôi nghĩ rằng bà có thể hơi ngại ngùng, khép kín. Một số đồng nghiệp của tôi ở Viện Jenner thường cảm thấy lo lắng vì Sarah. Nhưng khi bạn đã hiểu bà ấy và dành thời gian với bà, điều này hoàn toàn không đúng”.

Tiến sĩ Anne Moore, một người bạn của Gilbert, nói rằng bà chắc chắn sẽ không thích việc mình bị soi nhiều quá, bà không muốn mình đứng dưới ánh đèn sân khấu.

Người tạo ra vaccine AstraZeneca: Chúng tôi đua với virus, không phải với các hãng khác (ảnh 2)

Mới đây, Gilbert đã được hãng búp bê Barbie tặng một con búp bê phỏng theo bà. “Ước mơ của tôi rằng con búp bê này sẽ cho trẻ em thấy rằng có những sự nghiệp mà các bé thậm chí còn không nhận ra, ví dụ như trở thành một nhà nghiên cứu vaccine chẳng hạn”. Gilbert muốn các thế hệ tương lai biết rằng các bé cũng có trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán, một lĩnh vực mà tài năng của phụ nữ thường ít được kể ra.

Nguồn:

https://www.bbc.com/news/uk-55043551

https://tinhte.vn/thread/day-la-nguoi-tao-ra-vaccine-astrazeneca-chung-toi-dua-voi-virus-khong-phai-voi-cac-hang-khac.3390059/