Review cuốn sách Cú sốc – Hành trình tìm lại sự sống của một bác sĩ (Rana Awdish)

Giải trí cuối tuần: Cú sốc – hành trình tìm lại sự sống của một bác sĩ (Rana Awdish)

Mười mấy năm làm việc ở bệnh viện mình không bao giờ cáu giận với bệnh nhân, mình cũng không bao giờ quát nặng lời bệnh nhân. Có lẽ vì thế nên mình được nhiều bệnh nhân quý mến, đặc biệt là các bệnh nhân nữ … trên 50 tuổi. Mình thấy rằng những bức xúc trong bệnh viện xảy ra đa phần là vấn đề về giao tiếp chứ không phải sai sót trong chuyên môn. Ở đâu cũng có những mâu thuẫn giữa bệnh nhân – nhân viên y tế. Tây ta đều thế. Luôn cải thiện về chuyên môn và giao tiếp để hài lòng người bệnh là phương châm của mình. Tình cờ mình đọc được cuốn sách này mà mình thấy khá bổ ích cho các sinh viên y, các bác sĩ trẻ hoặc những người quan tâm đến ngành y.

Nội dung cuốn sách là câu truyện có thật của một nữ bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu kể về trải nghiệm với vai trò là một bệnh nhân, nhắc lại ký ức về những phút giây cận kề với cái chết trên giường hồi sức mà chính mình đã từng điều trị cho bệnh nhân hàng ngày. Bên cạnh việc kể lại diễn biến bệnh tật giàu tính chuyên môn nhưng rất dễ hiểu cho độc giả, câu truyện nói lên những sai sót của nhân viên y tế với bệnh nhân cả trong chuyên môn lẫn trong giao tiếp. Đặc biệt là trong giao tiếp. Đáng chú ý, có những lời nói của nhân viên y tế với nhau trước mặt bệnh nhân có thể làm bệnh nhân buông xuôi không muốn chiến đấu với bệnh tật nữa. Trong những giây phút cận kề với cái chết, bệnh nhân mất đi tri giác trên bàn mổ hoặc trên giường thở máy nhưng đâu đó họ vẫn còn nhận thức và nếu lúc đó họ chỉ cần buông xuôi ngừng chiến đấu thì tử thần sẽ mang họ đi ngay… sự sống và cái chết lúc này thật gần hơn bao giờ hết.

Chúng ta đối diện với bệnh nhân vẫn luôn nhìn vào BỆNH TẬT của người ta mà ít để ý đến CON NGƯỜI mang bệnh ấy.

Review cuốn sách Cú sốc – Hành trình tìm lại sự sống của một bác sĩ (Rana Awdish)

Xin tóm tắt diễn biến “bệnh sử” như sau: Bác sĩ Rana Awdish, 33 tuổi, chuyên ngành Hồi sức cấp cứu đang làm việc tại một bệnh viện lớn của Mĩ, ngoài hoạt động chuyên môn say mê cô còn tham gia nghiên cứu và giảng dạy lâm sàng cho các bác sĩ nội trú. Khi cô mang thai tháng thứ 7 thì một khối u tuyến trong gan (adenoma) tăng kích thước nhanh chóng để rồi bị vỡ. Cô bị sốc mất máu dẫn đến thai chết lưu. Đáng chú ý, trước và trong khi có thai cô không được phát hiện ra một khối u gan đang tăng kích thước lên rất nhanh do đặc tính của loại u này là thay đổi theo nội tiết của người phụ nữ. “Khi mổ lấy thai lưu, các bác sĩ đã phát hiện khối máu tụ rất lớn ở bao gan đè vào làm lá gan trở nên nhỏ lại…” Cô đã bị chẩn đoán nhầm là hội chứng HELLP, một hội chứng rất hiếm gặp và tỷ lệ tử vong cực kỳ cao do chảy máu dữ dội đa cơ quan phủ tạng, hội chứng này gồm: tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu. Sau ca mổ đầu tiên, cô phải nằm hồi sức thở máy nhiều tuần liên tục và thoát chết trong sự ngạc nhiên của đồng nghiệp.
Thoát chết nhưng cô bị nhiều biến chứng để lại. Sốc mất máu đã làm thiếu máu và nhồi máu tiểu não làm cô rối loạn tiền đình. Ca mổ cấp cứu lấy thai làm cô bị thoát vị thành bụng (phải mổ phục hồi thành bụng), khối máu tụ ở rốn gan chèn vào đường mật gây giãn mật (phải đặt stent đường mật sau đó). Vài năm sau khi sức khoẻ dần ổn định, cô kiên quyết có thai lại vì biết mình không phải bị hội chứng HELLP và sinh được một cậu con trai. Quá trình sinh nở lần này cô phải trải qua lần lượt hai biến cố rất nặng là sốc phản vệ và sốc nhiễm khuẩn. Xin nói thêm, trong y học nếu rơi vào tình trạng sốc là tỷ lệ tử vong rất cao. Trong khi nhân vật của chúng ta trải qua 3 lần sốc: sốc mất máu, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ!

Ngay cả ở Mỹ, một nền y tế phát triển mà cũng có những “sự cố y khoa” khá nghiêm trọng như: bỏ sót dấu hiệu sớm của tràn khí màng phổi để bệnh nhân phải tự bấm nút màu xanh (code blue tối cấp trong bệnh viện mà người bấm nút là nhân viên y tế); bỏ sót dấu hiệu sớm của phản vệ để bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc; bỏ sót các dấu hiệu sớm của chảy máu trong ổ bụng để bệnh nhân rơi vào sốc mất máu, thai lưu….
Cái hay của cuốn truyện này kể lại diễn biến của quá trình bệnh tật của chính bản thân dưới góc nhìn của một người bác sĩ, từ đó mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân không đơn thuần là chẩn đoán, điều trị bệnh. Chẩn đoán, điều trị cần sự tỷ mỉ và cảm thông giữa con người với con người.

(Nguyễn Ngọc Cương – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, 30/10/2021)