Mình nhớ hoài khoảnh khắc 22h30 đêm của một ngày đầu tháng chín, mình đón em bé của mình ra đời. Em bé nhỏ xíu, nằm gọn trong hai lòng bàn tay mình. Trông em còn yếu ớt, tay chân lèo khoèo, khóc oe oe như con cún con. Lúc đó mình đã nghĩ là, chắc không có gì đáng sợ nữa đâu, đẻ mình còn đẻ được mà. Haha.
Nhưng ba ngày sau, mình nhận được danh sách vacxin cần tiêm cho em bé từ sơ sinh đến mười hai tuổi (và vẫn còn tiếp diễn các mũi nhắc đến khi trưởng thành) cùng combo tiền chích Vacxin. Mình không biết thứ gì đáng sợ hơn. Danh sách Vacxin dài dằng dặc hay giá tiền?
Kiến thức cơ bản về Vacxin mình đã được học ở những năm phổ thông. Lúc đó sơ bộ mình biết được rằng, khoa học điều chế Vacxin bằng cách làm yếu đi con virus gây bệnh, tiêm con virus đó vào cơ thể để dạy cho hệ miễn dịch biết cách chống chọi, và từ đó chống được bệnh. Thế nên, sau khi tiêm Vacxin cơ thể đôi khi có phản ứng sốt (là do bạch cầu đang tạo kháng thể) hoặc các trường hợp dị ứng, nặng hơn là sốc phản vệ. Hiện nay, đã có nhiều cách điều chế vacxin khác nhau, tạo ra loại vacxin ít gây kích ứng cho trẻ em hơn.
Vì không có nhiều kiến thức về Vacxin nên lúc em bé nhà mình tiêm mũi 6 trong 1 (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ), bà ngoại em bé đã thốt lên, trời ơi sao nhiều bệnh thế này, tội nghiệp cháu quá. Tội thì tội, nhưng vẫn phải đem cháu đi chích. Thật sự, nhìn con mình ré lên dưới mũi tiêm không phải là trải nghiệm vui.
Đợt đi chích đó mình có hỏi bác sĩ là có loại Vacxin 5 trong 1 miễn phí phải không? Bác bảo cái loại đấy là mũi tiêm ngừa toàn dân, Vacxin sản xuất theo kiểu cũ nên nó nặng và hành em bé lắm. Loại mới này êm hơn, có điều kiện thì nên dùng. Mình ok ngay. Và trộm vía là em bé mình không bị hành sốt quá nhiều khi chích Vacxin về, đôi lúc em hơi mệt và có ấm đầu, có đợt phát ban một chút, rồi tự hết. Rồi từ đấy về sau, mình cứ nghe lời bác sĩ và đi tiêm cho con.
Mọi chuyện có vẻ êm ấm cho đến khi Covid hoành hành hai năm nay và Vacxin Covid xuất hiện. Khắp thế giới râm ran đi tiêm phòng, cùng một vài trường hợp sốc phản vệ sau tiêm. Khi nghe tin mũi tiêm Vacxin Astra Zeneca có tỷ lệ gây nên các cục máu đông ở người trẻ. Mình đã rén gần chết. Hình như có nhiều người cũng rén như mình. Một phần họ rén vì kiến thức Vacxin không được phổ biến rộng rãi cho đến hiện tại.Đa phần mọi người sẽ hiểu Vacxin là tiêm con virus bệnh vô người, rồi hên xui may rủi phản ứng của cơ thể thế nào thì trời kêu ai nấy dạ.
Sau khi bình tâm lại, mình research các bài viết về Vacxin Covid để tìm hiểu các loại đang hiện có. Vì thế giới đang khan hiếm Vacxin nên chúng ta không có nhiều lựa chọn Vacxin để tiêm ngừa. Chúng ta cần tiêm chủng 70% dân số để đạt được hiệu quả ngừa bệnh nên hiện tại có thể sử dụng một số vacxin ổn nhất như là: Pfizer BioNtech, Moderna, Astra Zeneca (là những loại đang được quốc tế viện trợ).
Và mình tự hỏi ngược lại, mình có nhiều lựa chọn khác để tiêm vacxin cho em bé nhà mình không?
Câu trả lời là có, và nằm trong quyển sách Vacxin – Những điều cần biết về tiêm chủng. Mình đã khóc khi đọc những lời mở đầu. Nó nói lên những trăn trở của một người mẹ trẻ trong thế kỷ 21, tận hưởng cơ hà những thứ hiện đại, cuộc sống trông có vẻ an toàn nhưng cũng đầy rẫy dịch bệnh nguy hiểm kéo dài.
Quyển sách cung cấp kiến thức về các loại vacxin được tiêm chủng cho các em bé, trình bày tên, cách sản xuất và thành phần vacxin, giải thích các biến chứng kèm theo cùng ý kiến của người viết. Tác giả, bác sĩ nhi khoa Robert W Sears, “người đặc biệt quan tâm đến việc giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ về tiêm chủng và lựa chọn những loại vacxin tốt nhất cho con mình”. Cuối quyển sách có nói thêm về Vacxin Covid. Quyển sách có giá trị tham khảo, giúp mình tự tin hơn khi sử dụng/hoặc chọn không sử dụng một loại vacxin nào đó cho em bé nhà mình. Mình nghĩ đây là một quyển sách cần có trên kệ cho các bố mẹ trẻ sắp chào đón một em bé. Để không bị sốc khi thấy danh sách tiêm phòng của con (như mình).
Mặc dù lần nào bế con đi tiêm về mình cũng cầu trời khẩn ông bà phù hộ cho em bé vượt qua được các mũi tiêm. Nhưng mình cũng tin tưởng vào hệ thống y khoa của thế giới, những người đang gắng sức bảo vệ sức khỏe của loài người.
Cảm nhận của bạn Mai Đồng