5 bệnh trẻ em thường mắc khi thời tiết thay đổi

Thời tiết thay đổi là khi vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ, dễ ảnh hưởng đến trẻ em.

  1. Sốt xuất huyết

Sốt xuấ huyết có triệu chứng là sốt cao kéo dài (có thể lên tới 40oC), đau đầu dữ dội, nổi mẩn, phát ban. Bệnh nặng lên sẽ bao gồm cả đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, nôn hoặc nôn ra máu…

Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ quậy, loại bỏ nơi sinh sản của chúng. Bố mẹ có thể cho trẻ mặc quần áo dài, mắc màn khi nằm ngủ kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi và tuân thủ khi cơ quan y tế địa phương tổ chức phun thuốc trừ muỗi.

  1. Viêm da dị ứng

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm nổi mẩn đỏ trên da, ngứa ngáy, có thể xuất hiện cả chảy dịch, phù nề. Một số trẻ có thể bị ho, sốt, chán ăn và sụt cân.

Bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách, hiệu quả.

Biện pháp phòng ngừa viêm da dị ứng là vệ sinh nhà cửa, chăn gối, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, bố mẹ cần dưỡng ẩm da cho trẻ, che chắn cẩn thận cho trẻ khi ra ngoài; bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng.

Viêm da dị ứng là 1 trong 5 bệnh trẻ em thường mắc khi thời tiết thay đổi

  1. Cảm cúm

Cúm rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên nhiều khi bố mẹ bỏ qua những dấu hiệu ban đầu. Sau khoảng hai ngày nhiễm virus cúm, trẻ em có thể bị sốt, ớn lạnh, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt và mệt mỏi. Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện là đau tai, đau họng, nôn mửa và tiêu chảy.

Khi trẻ mắc cúm, cha mẹ nên tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, đồng thời cho trẻ nghỉ ngơi, uống bù nước và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng.

Để phòng ngừa cảm cúm, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện.

  1. Hen suyễn

Hen suyễn là một trong những bệnh mạn tính, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Triệu chứng đặc trưng của hen suyễn là các cơn ho khò khè kéo dài, có thể tái phát nhiều lần. Triệu chứng có thể gia tăng vào ban đêm hoặc gần sáng.

Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hen suyễn. Phương hướng điều trị chủ yếu là cắt cơn hen, hạn chế biến chứng nguy hiểm. Theo khuyến cáo của chuyên gia, bố mẹ nên để ý, nhận biết sớm triệu chứng hen suyễn ở trẻ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để kiểm soát và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.

Để phòng ngừa, bố mẹ cần tránh để trẻ sống hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, thuốc lá. Với trẻ đã mắc hen, cần chú ý dinh dưỡng đúng cách, tránh những thực phẩm làm tăng cơn hen. Khi trời trở lạnh, cần giữ ấm cơ thể trẻ, đồng thời tiêm vắc xin đầy đủ để phòng bệnh truyền nhiễm, tránh tình trặng mắc nhiều bệnh cùng lúc khi trời lạnh.

  1. Nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Triệu chứng bệnh ở trẻ em rất đa dạng, có thể gồm sốt cao, ho, nhịp thở nhanh, thở rít, tím tái quanh môi, bỏ bú hoặc bỏ ăn… Các triệu chứng phổ biến hơn là nôn, chướng bụng, đi phân lỏng, khó thở, quấy khóc…

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời. Hướng điều trị là giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ở trẻ.

Để tránh trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường hệ miễn dịch.

Nguồn: https://tamanhhospital.vn/benh-giao-mua-o-tre-em/