WHO kêu gọi tạm ngưng tiêm bổ sung vắc-xin COVID-19

Trong bối cảnh COVID-19 đang trỗi dậy với biến chủng Delta, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã kêu gọi tạm ngưng tiêm bổ sung vắc-xin COVID-19 sau khi đã tiêm đủ hai liều nhằm thu hẹp lại khoảng cách trong việc cung cấp vắc-xin đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn. 

Trong buổi họp báo vào ngày 4 tháng 8 năm 2021, Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phát biểu rằng sẽ là không thể chấp nhận được khi các quốc gia đang sử dụng phần lớn nguồn cung vắc-xin giờ đây tiếp tục sử dụng nhiều hơn nữa. Các quốc gia thu nhập cao đã tiêm chủng gần 100 liều vắc-xin cho mỗi 100 người, trong khi ở hầu hết các nước thu nhập thấp, tỉ lệ này chỉ là 1,5 liều trên mỗi 100 người. 

Tổ chức y tế thế giới WHO kêu gọi tạm ngưng tiêm bổ sung vắc-xin COVID-19

Mặc dù hiểu rằng các chính phủ muốn bảo vệ người dân của mình trước biến chủng Delta, ông Tedros nói rằng thế giới cần một sự đảo ngược khẩn cấp bằng việc đưa phần lớn vắc-xin đến các nước có thu nhập thấp. “WHO kêu gọi tạm ngưng tiêm mũi bổ sung cho đến sớm nhất là hết tháng 9, để cho phép ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia được tiêm chủng,” ông nói trong khi hối thúc các nhà lãnh đạo khối G20 và các công ty vắc-xin tiếp tục tiến những bước quan trọng nhằm đặt việc ủng hộ vắc-xin và chương trình COVAX lên mức ưu tiên. 

Một số quốc gia phát triển như Israel, Vương quốc Anh và Đức đã lên kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị ảnh hưởng. Israel đã bắt đầu, còn hai quốc gia còn lại đã thông báo rằng những mũi bổ sung sẽ được bắt đầu vào tháng 9.

Lời kêu gọi của WHO là bước đi mới nhất của cơ quan này nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với vắc-xin của các nước đang phát triển. 

Tiến sĩ  Katherine O’Brien, chuyên gia về vắc-xin của WHO, nhấn mạnh rằng dù mới chỉ rất ít quốc gia triển khai mũi bổ sung, nhưng nhiều nước khác cũng đang tính đến phương án này. “Bằng chứng khoa học luôn phát triển. Nó đang thay đổi. Chúng ta không có đầy đủ bằng chứng về việc liệu mũi bổ sung có cần thiết hay không,” bà nói, và thêm vào đó là thông điệp “chúng ta thay vào đó cần tập trung vào những người dễ bị ảnh hưởng nhất.”

Từ lâu WHO đã đưa ra quan điểm rằng chúng ta chỉ an toàn nếu tất cả mọi người đều an toàn, vì virus corona càng lưu hành lâu dài và rộng rãi, nguy cơ biến chủng xuất hiện sẽ càng cao – từ đó kéo dài cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo The Guardian