Chúng ta có thể tìm hiểu sơ qua về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và thuốc kháng tiết (acid).
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có liên quan chặt chẽ với sự tăng tiết acid lòng dạ dày. Acid được các tế bào niêm mạc dạ dày tiết ra nhằm tiêu hóa thức ăn nhưng đôi lúc sự tăng tiết acid quá mức có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Sự ra đời của thuốc kháng tiết là một cuộc cách mạng trong điều trị các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng.
Đầu tiên, đó chỉ đơn thuần là các thuốc trung hòa acid, sau đó là các thuốc ức chế tiết acid và nhóm cuối cùng là nhóm thuốc ức chế bơm H+ trong cơ chế tiết acid.
Thuốc kháng tiết được chứng minh rất có hiệu quả trong điều trị các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng cũng như các bệnh lý do tăng tiết acid như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Những nhóm thuốc đầu tiên của thuốc kháng tiết thường có hiệu quả không cao và nhiều tác dụng phụ, nhưng càng về sau thuốc được phát minh có hiệu quả vượt trội và có rất ít tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trong cuốn sách của mình, BS Shinya cho rằng thuốc kháng tiết làm viêm teo niêm mạc dạ dày, gây ung thư dạ dày và rối loạn vi khuẩn đường ruột. Thực ra đã có một số nghiên cứu về các rối loạn này ở bệnh nhân dùng thuốc kháng tiết dài ngày nhưng kết quả không rõ ràng. Một số cho thấy có nguy cơ nhưng phần lớn không cho thấy có tác dụng phụ này. Ngay cả những dược điển uy tín cũng không liệt kê các rối loạn này trong các tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên, để thận trọng, phần lớn các nghiên cứu đều khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc kháng tiết đúng chỉ định, liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian ngắn đủ tác dụng, hạn chế kéo dài. Một số nghiên cứu đề nghị nếu dùng kéo dài có thể điều trị ngắt quãng.
Việc tác giả cổ vũ dùng chế độ ăn kích thích phát triển enzyme diệu kỳ để điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là không có chứng cứ khoa học và không hợp lý. Chế độ ăn chỉ là phương pháp bổ trợ bên cạnh các thuốc điều trị chính thống, đứng đầu là nhóm thuốc kháng tiết.
Trích trong cuốn sách “Một nửa sự thật – Nhận định về “Nhân tố enzyme” của BS Hiromi Shinya”
TS BS Trần Phạm Chí
Trưởng khoa Nội Tiêu hóa
Bệnh viện Trung ương Huế