Nhiều thử nghiệm quan trọng đã xác nhận việc bổ sung axit béo omega-3 vào chế độ ăn không chỉ cho lợi ích đối với nhiều bệnh về tâm thần mà còn với cả những bệnh viêm, tự miễn và thoái hóa thần kinh. Thật đáng tiếc, nhưng cũng dễ hiểu, là nhiều người ăn thuần chay khi gặp phải các triệu chứng hoặc rối loạn cảm xúc đã quay lưng với chế độ ăn này để ăn thịt và cá trở lại. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là họ thường bật hẳn về thái cực đối lập, ăn quá nhiều sản phẩm động vật (vốn lại mang đến một loạt nguy cơ mới) thay vì tìm hiểu tình trạng thiếu hụt của mình và điều chỉnh một cách thận trọng.
Chế độ ăn đẩy lùi bệnh tim hiệu quả nhất là chế độ thuần chay hoặc gần thuần chay. Nhưng trong nỗ lực quả cảm để giành phần thắng, nhất định chúng ta không được bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn khác về dinh dưỡng. Mặc dù những phân tích ở trên mới chỉ chạm đến một số vấn đề chính, song kinh nghiệm lâm sàng của tôi cho thấy rõ ràng chúng ta cần hết sức cảnh giác đối với chế độ ăn thuần chay ít chất béo và không dùng sản phẩm bổ sung. Kiểu ăn này là phi tự nhiên đối với bộ gen mà chúng ta được thừa hưởng và cũng chưa có giai đoạn lâu dài nào trong lịch sử mà con người ăn uống theo lối như vậy. Nếu cứ tung hô rằng đây là cách ăn “hoàn hảo” cho mọi đối tượng thì một số trẻ em có thể bị tổn hại sức khỏe, và phụ nữ có thai và đang cho con bú có thể gặp phải nhiều rủi ro. Thêm vào đó, ăn thuần chay mà không dùng thêm sản phẩm bổ sung có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và sau này là sa sút trí tuệ, đồng thời khiến bệnh nhân tim giai đoạn cuối cũng bị tăng những nguy cơ này một cách oan uổng.
Khi kết quả nghiên cứu khoa học còn chưa dứt khoát và gây nhiều tranh cãi, thì chúng ta phải nghiêng về giải pháp an toàn. Chúng ta biết rằng trong lĩnh vực khoa học dinh dưỡng, hiếm khi nào mức độ chắc chắn đạt 100%. Chúng ta luôn phải xét đến tính ưu việt của bằng chứng trong một khuôn khổ thận trọng, được hậu thuẫn bằng vốn kinh nghiệm lâm sàng sâu rộng.
Là một bác sĩ có lượng bệnh nhân đông đảo, với đối tượng phục vụ chính là người ăn thuần chay và người thực sự quan tâm đến sức khỏe, kinh nghiệm lâm sàng của tôi có thể đem lại một hiểu biết khác biệt đối với vài trong số các vấn đề kể trên. Tôi đã liên hệ với nhiều chuyên gia y tế khác có cách thực hành tương tự và ghi lại được một số nhận định chung giữa chúng tôi.
Chắc chắn vitamin B12 là sản phẩm bổ sung quan trọng nhất mà người ăn thuần chay, hoặc gần thuần chay, hoặc người bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa nên sử dụng. Ngoài ra cũng cần đảm bảo bổ sung một lượng i-ốt nhất định, vì nhiều người không dùng muối i-ốt hoặc không thường xuyên ăn tảo biển. Protein thực vật tốt hơn protein động vật, và trong mọi trường hợp, giảm protein động vật luôn có lợi cho sức khỏe, vì vậy những người cần bổ sung protein cần lưu ý về vấn đề này. Rau củ, đậu và các loại hạt đều là nguồn cung cấp protein dồi dào, kể cả với giới vận động viên. Một số ít người do các đặc điểm tiêu hóa khác biệt, nhất là các vấn đề liên quan đến hai axit amin là taurine và carnitine, có thể cần tăng cường lượng protein thực vật hơn nữa hoặc phải bổ sung thêm một số sản phẩm động vật. Nhất thiết phải hết sức quan tâm đến nhu cầu riêng biệt của từng bệnh nhân, nhất là vì tuổi càng cao thì khả năng đồng hóa protein càng giảm. Khi những nhu cầu này được xác định rõ ràng, chỉ cần cho người bệnh bổ sung một lượng nhỏ sản phẩm động vật là đủ.
Khi không bị ấn định một triết lý hoặc một hướng đi cụ thể nào, chúng tôi phải dùng cách đánh giá trung lập và rõ ràng của khoa học hiện đại, kết hợp với việc đánh giá phổ nhu cầu rộng của người bệnh để đảm bảo kết quả đầu ra luôn hữu ích cho họ.
Trích theo cuốn sách Dinh dưỡng lành mạnh, ngại gì bệnh tim – Bác sĩ Joel Fuhrman