I. NHỮNG ĐIỂM CẦN CÂN NHẮC
Sự cần thiết
Tình trạng COVID-19 ở trẻ em ít khi trở nặng hơn so với người trưởng thành. Do vậy, phần lớn các nước vẫn đang ưu tiên tiêm chủng cho các nhóm tuổi có nguy cơ cao hơn. Những nước đã đạt được mục tiêu này đã bắt đầu chuyển hướng sang nhóm trẻ em vì họ không muốn bỏ lại bất cứ trẻ nào và mong tránh được những trường hợp bệnh nặng hoặc gặp COVID-19 kéo dài ở nhóm tuổi này.
Nhưng ở một số nước khác, hiện trạng tác động của COVID-19 vẫn chưa được biết rõ. Chẳng hạn, ở vùng châu Phi hạ Sahara, số liệu thống kê các ca nhập viện và tử vong không chia theo nhóm tuổi. Số liệu như vậy rất mù mờ và các nhà lập pháp không thể đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, chúng ta còn một mối lo ngại khác. Điều gì sẽ xảy ra khi trẻ em nhiễm đồng thời SARS-CoV-2 và một loại virus thông thường khác, như virus hợp bào hô hấp – loại gây cảm lạnh thông thường nhưng cũng có thể dẫn đến các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng ở trẻ nhỏ? Gánh nặng bệnh tật khi cả hai tình trạng nhiễm trùng này lây lan rộng rãi vẫn chưa được hiểu hết.
Mức độ an toàn
Chưa đủ dữ liệu về khía cạnh này là một trong các lý do khiến các quốc gia hết sức thận trọng khi quyết định tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang được tiến hành và dự kiến sẽ sớm cho kết quả. Đến hiện tại, vắc-xin dường như vẫn an toàn với trẻ vị thành niên. Một số công ty đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em, nhỏ nhất là sáu tháng tuổi. Mối liên quan tiềm ẩn giữa vắc-xin Pfizer và chứng viêm cơ tim đã xuất hiện khi Mỹ và Israel tiêm chủng cho người trẻ tuổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng vắc-xin gây ra tình trạng này. Hầu hết những người bị ảnh hưởng đều đã hồi phục, và dữ liệu gợi ý rằng nguy cơ gặp phải tình trạng này là rất thấp.
Tác động đến đại dịch
Malta là một ví dụ của việc quyết định tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em dựa trên tác dụng với cộng đồng. Đất nước này đã phủ vắc-xin cho 80% dân số, và hiện đang tiêm chủng cho trẻ em trên 12 tuổi. Quyết định này được đưa ra vì nơi đây có cấu trúc gia đình gần gũi, trẻ vị thành niên thường xuyên tiếp xúc với ông bà. Đồng thời, trẻ em ở Malta thường phải sang các nước lân cận để học tập và dễ có khả năng mang SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó về nước. Vì vậy, tiêm vắc-xin cho trẻ em ở đây sẽ làm giảm sự lây lan của bệnh đối với người cao tuổi, nhóm vốn dễ bị tổn thương.
Các dữ liệu cho thấy trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên đóng một vai trò quan trọng trong sự lây lan của virus corona. Sự lo ngại liên quan đến trẻ em và trẻ vị thành niên lại tăng cao cùng với sự xuất hiện của biến chủng. Có khả năng những biến chủng trong tương lai sẽ tìm được cách để vượt qua được những gì đang giúp nhóm tuổi này ít chịu ảnh hưởng của virus.
Miễn dịch cộng đồng cũng không còn là một ý tưởng quá khả quan, vì vậy các quốc gia đang cân nhắc thực hiện mọi biện pháp để làm giảm sự lây lan của bệnh.
Sự công bằng
Giá trị của vắc-xin COVID-19 đối với trẻ nhỏ cũng cần được xem xét trong mối tương quan với bối cảnh nhiều nước không có đủ vắc-xin. Tháng 5/2021,
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu rằng việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ ở những quốc gia giàu có đang được đánh đổi bằng sức khỏe của nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao tại những quốc gia khác. Nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng việc gửi vắc-xin cho các quốc gia khác không hẳn đồng nghĩa với việc giảm khả năng tiêm chủng cho trẻ em.
Nguồn cung cho các quốc gia đang cần vắc-xin cũng có thể được cải thiện.
Chẳng hạn, ta có thể phân phối vắc-xin không chỉ dựa theo tiêu chí về dân số mà cả các yếu tố khác, như nhu cầu bảo vệ nhân viên y tế để đối phó với một dịch bệnh khác sắp xuất hiện hoặc đang diễn ra (sốt rét hoặc sởi là ví dụ).
II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ THỬ NGHIỆM VẮC-XIN COVID-19 CHO TRẺ EM
Cho đến nay, vắc-xin vẫn luôn là biện pháp dự phòng tốt nhất đối với COVID-19. Tuy nhiên, người dưới 18 tuổi vốn không phải đối tượng ưu tiên tiêm phòng. Khi tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở người trưởng thành tăng lên, có khả năng virus sẽ tác động lên những người trẻ chưa được tiêm phòng. Các loại vắc-xin đang được sử dụng phổ biến ở Mỹ đã được Cục
Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp cho người từ 18 tuổi trở lên. Riêng vắc-xin của Pfizer/BioNTech đã được FDA phê duyệt đầy đủ để sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên và phê duyệt khẩn cấp cho người 12-15 tuổi. Trước tình trạng nguy cơ mắc COVID-19 tăng lên ở trẻ em, các nhà sản xuất vắc-xin đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin cho trẻ dưới 16 tuổi.
Hàng trăm ngàn người trưởng thành đã được tiêm vắc-xin, chứng minh rằng vắc-xin COVID-19 là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, những kết quả này không thể thay thế được việc nghiên cứu trên trẻ em. Đối với vắc xin COVID-19 cho trẻ em, các nhà khoa học sử dụng kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng trên người trưởng thành và thử nghiệm lâm sàng đầy đủ trên trẻ em. Thông thường, đối với mọi loại vắc-xin, các thử nghiệm sẽ được tiến hành trên người trưởng thành trước rồi mới tới trẻ em. Trẻ em và người lớn có sự khác nhau về sinh học nên tính an toàn và khả năng dung nạp của vắc-xin không thể mặc định là giống nhau. Cơ thể của trẻ vẫn đang phát triển và sẽ phản ứng với vắc-xin khác người lớn. Nhìn chung, hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt và nhạy, vì vậy các nhà khoa học ước tính chỉ cần liều vắc-xin nhỏ hơn là đủ để kích thích đáp ứng miễn dịch ở trẻ để chống lại được bệnh.
Cuối tháng 7/2020, Pfizer đã tiến hành thử nghiệm vắc-xin giai đoạn ba bao gồm 2.259 trẻ từ 12 đến 15 tuổi; kết quả cho thấy đáp ứng miễn dịch của nhóm này tương đương với nhóm tuổi 16-25. Tháng 6/2021, Moderna tuyên bố vắc-xin của mình hiệu quả cao ở trẻ từ 12-17 tuổi với nghiên cứu trên 3.732 trẻ thuộc nhóm tuổi này. Hiện CDC khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho mọi đối tượng trên 12 tuổi.
Các vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ 11 tuổi trở xuống hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Pfizer đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của mình cho trẻ từ 6 tháng đến 11 tuổi. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng được dự kiến là sẽ có vào khoảng cuối mùa thu năm nay. Nếu dữ liệu cho thấy vắc-xin có khả năng sinh miễn dịch và an toàn, việc cấp phép sử dụng khẩn cấp có thể được thực hiện với vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi vào cuối năm 2021 và cho trẻ từ 2-4 tuổi đầu năm 2022.