Ung thư trực tràng là dạng Ung thư khởi phát ở trực tràng – đoạn cuối cùng của ruột già. Chúng có thể bắt đầu từ đoạn cuối cùng của đại tràng tới đoạn ruột ngắn, hẹp dẫn tới hậu môn.
Ung thư trực tràng và ung thư đại tràng thường được gọi chung là ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, dù giống nhau về nhiều mặt, song ung thư trực tràng và đại tràng có phương pháp điều trị khá khác nhau.
Ung thư trực tràng được đánh giá là loại ung thư đáp ứng kém với phác đồ điều trị tiêu chuẩn, truyền thống vì trực tràng nằm trong một không gian chật hẹp, hầu như không tách biệt với các cấu trúc, cơ quan khác. Điều này khiến việc phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng trở nên phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều.
Trước đây, tỷ lệ người bệnh ung thư trực tràng sống lâu được với bệnh là không cao, ngay cả khi đã được tích cực điều trị. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ sống sót của người bệnh ung thư trực tràng đã được cải thiện nhiều, đặc biệt là nhờ những tiến bộ trong các phương pháp điều trị.
Ung thư trực tràng bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong trực tràng có các thay đổi (đột biến) trong DNA của chúng. Những đột biến này khiến các tế bào phát triển không kiểm soát, dần tích tụ lại và tạo thành khối u. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh gần đó. Thậm chí chúng có thể vỡ ra và di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân chính xác dẫn tới các đột biến hình thành ung thư trực tràng. Tuy nhiên, một số đột biến gene di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Điều trị ung thư trực tràng thường bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp truyền thống, ví dụ như phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư, sau đó thực hiện hóa trị và xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
Trong trường hợp lo ngại việc không thể loại bỏ hoàn toàn được khối u mà không làm tổn thương tới các cơ quan, cấu trúc lân cận, bác sỹ có thể đề nghị kết hợp hóa trị và xạ trị như phương pháp điều trị ban đầu. Điều này sẽ giúp thu nhỏ khối u, từ đó giúp loại bỏ dễ dàng hơn khi làm phẫu thuật.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của bạn, ví dụ như giai đoạn ung thư, vị trí của khối u, mức độ xâm lấn của tế bào ung thư, sức khỏe tổng thể của bạn… mà bác sỹ có thể tư vấn phương pháp phẫu thuật phù hợp để điều trị ung thư trực tràng:
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư. Đối với ung thư trực tràng, hóa trị có thể được khuyến nghị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Hóa trị kết hợp với xạ trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật, nhằm thu nhỏ khối u lớn, từ đó giúp việc loại bỏ thông qua phẫu thuật dễ dàng hơn.
Phương pháp hóa trị cũng có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng khi người bệnh không thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u, hoặc khi ung thư đã di căn sang các khu vực khác trong cơ thể.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các nguồn năng lượng mạnh mẽ (chẳng hạn như tia X và proton) để tiêu diệt tế bào ung thư. Ở người bệnh ung thư trực tràng, xạ trị thường được kết hợp với hóa trị để khiến các tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn do bức xạ.
Phương pháp này có thể được áp dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, hoặc có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp việc loại bỏ trở nên dễ dàng hơn.
Khi phẫu thuật không phải là một lựa chọn tối ưu, phương pháp bức xạ có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng thuốc, sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể tự chống lại ung thư vì các tế bào ung thư có thể sản sinh ra các protein giúp chúng lẩn trốn khỏi hệ miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch thường được thực hiện với người bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối.
Mới đây, một nghiên cứu về điều trị ung thư trực tràng bằng liệu pháp miễn dịch đã mang lại kết quả rất khả quan. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The New England (Mỹ) vào ngày 5/6/2022 vừa qua, cả 12 người tham gia nghiên cứu đều không còn khối u trực tràng trong ít nhất 6 tháng kể từ khi hoàn thành điều trị bằng dostarlimab (một kháng thể đơn dòng được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư).
Các nhà khoa học đánh giá đây có thể trở thành phương pháp điều trị ung thư đầy hứa hẹn khi 100% người tham gia nghiên cứu đều đáp ứng tốt với điều trị; Không còn bằng chứng về khối u trên hình ảnh cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, nội soi, kiểm tra trực tràng kỹ thuật số hay trên sinh thiết.
Tính tới thời điểm công bố kết quả nghiên cứu, không có bệnh nhân nào phải thực hiện phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị; Không có trường hợp nào tái phát ung thư trong quá trình theo dõi (từ 6 – 25 tháng), cũng như không có trường hợp nào báo cáo gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
TS. Luis A. Diaz Jr. từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) cho biết: “Tôi tin rằng đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử bệnh ung thư”. Ông cho biết đây có thể là nghiên cứu đầu tiên cho thấy có một phương pháp điều trị có thể loại bỏ hoàn toàn ung thư trên mọi bệnh nhân tham gia nghiên cứu.