Trẻ em đang ở đâu trong đại dịch?

I. NHÓM TƯƠNG ĐỐI AN TOÀN

Nhìn chung, trẻ em là nhóm may mắn trong đại dịch COVID-19. Mặc dù chúng ta chưa rõ về khả năng nhiễm và truyền SARS-CoV-2 của trẻ em so với người trưởng thành, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy trẻ em ít mắc bệnh hơn. Các ca bệnh trẻ em phần lớn không có triệu chứng và ở mức độ từ nhẹ đến vừa; những trường hợp nặng có xuất hiện nhưng hiếm gặp.

Một phần nguyên nhân nằm ở tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ em. Trẻ nhỏ thường không gặp phải các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng như béo phì hay tiểu đường.

Nhưng sinh học cũng đóng góp vào câu chuyện. Đường hô hấp của trẻ em dường như chứa ít thụ thể mà virus corona sử dụng để xâm nhập tế bào, bản thân các tế bào đường hô hấp cũng có các đặc điểm khác biệt cho phép phát hiện virus sớm. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ – điểm này rốt cuộc lại trở thành lợi thế. Các ca COVID-19 nghiêm trọng và gây tử vong thường được cho là không phải do bản thân virus corona, mà do phổi bị phản ứng viêm quá mức của hệ miễn dịch tấn công. Hiện tượng “bão cytokine” này ít gặp ở trẻ nhỏ hơn người trưởng thành.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng trẻ em đang là nhóm không bị đại dịch tác động quá lớn về sức khỏe. Với phương châm tiêm phòng COVID-19 của WHO trong điều kiện thiếu hụt vắc-xin là giảm số ca bệnh nặng và tử vong, đồng thời bảo vệ hệ thống y tế, thì việc đặt mức ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em dưới các nhóm như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có bệnh nền… là hoàn toàn hợp lý. Trong khi chờ đợi vắc-xin cho trẻ em, chúng ta cần dựa vào các biện pháp như tạo miễn dịch cho người chăm sóc trẻ hoặc giãn cách xã hội, thực hiện 5K.

Trẻ em là nhóm tương đối an toàn trong đại dịch

II. NGUY CƠ CÒN ĐÓ

Một số ít trẻ nhỏ vẫn có khả năng mắc COVID-19 nghiêm trọng. Trẻ có thể cần nhập viện, điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực, hoặc phải thở máy.

Nguy cơ gặp phải tình trạng nghiêm trọng sẽ cao hơn nếu trẻ có một số tình trạng sức khỏe bất lợi. Một số trẻ cũng tiếp tục gặp phải các triệu chứng của COVID-19 sau khi hồi phục. Trong các trường hợp rất hiếm gặp, một số trẻ có thể gặp phải những tình trạng nghiêm trọng dường như liên quan đến COVID-19.

Một hiện tượng cũng rất đang được chú ý là tỉ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang gia tăng ở nhiều nơi. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, hơn 250.000 trẻ em đã mắc COVID-19 trong tuần cuối tháng 8/2021, và đây là con số mắc mới trong tuần cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Còn tại Hà Nội, theo Sở Y tế, số trẻ em mắc Covid-19 cũng đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Từ 5/7 tới 30/7/2021, có tới khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ 0-5 tuổi; tỉ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở Việt Nam. Nhìn chung, nguyên nhân có thể do khả năng lây lan của biến thể Delta hay những thay đổi khác như trẻ em bắt đầu đến trường.

Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances ngày 11/8/2021, một số nhà khoa học dựa trên mô hình dự đoán để nêu ra rằng trong tương lai, rất có thể COVID-19 sẽ không biến mất mà trở thành bệnh lưu hành và tác động đến nhóm chưa thể được tiêm vắc-xin là trẻ em.

Chính vì những nguyên nhân trên, trẻ em vẫn cần được tiếp tục bảo vệ. Trên thực tế, các hãng sản xuất vắc-xin cũng đang tích cực tìm kiếm giải pháp để bảo vệ lứa tuổi này; một số quốc gia cũng đang tìm hướng tiêm vắc-xin cho trẻ em kết hợp với các biện pháp y tế công cộng để chuẩn bị cho năm học mới.