Việt Nam hiện đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Theo Bộ Y tế, đây là biến chủng có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ.
Tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5 của Omicron. Theo ông Lân, khi một biến chủng mới xâm nhập, chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ chúng lấn lướt biến chủng cũ. Tuy nhiên, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới. Qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó.
Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, BA.4 và BA.5 là hai thủ phạm khiến họ đối mặt hàng loạt làn sóng COVID-19 mới. Riêng tại Mỹ, đây là hai biến chủng chiếm hơn 21% ca mắc mới, tính đến ngày 11/6. Hai dòng phụ có khả năng lây lan cao này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách theo dõi hồi tháng 3 và được coi là biến thể đáng quan ngại ở châu Âu. Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo các dòng phụ mới này đang lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có thể dẫn tới số ca nhập viện cao hơn nếu trở thành các biến thể chủ đạo trong khu vực.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng nhanh trên địa bàn. Tính đến hết tuần 25, TP.HCM đã ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 (7.542 ca), với số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 25 là 1,6% tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 10 trường hợp, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca).
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa cứu sống người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn do viêm ruột biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, hạ huyết áp, mạch nhanh, mệt lả, da xanh, niêm mạc nhợt, nôn nhiều. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được chuyển khoa để chăm sóc nội khoa.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiến hành phẫu thuật đảo gốc động mạch phức tạp cho bé sơ sinh 12 ngày tuổi. Theo chia sẻ của gia đình, bệnh nhi là con đầu và sinh thường, quá trình khám thai không phát hiện dấu hiệu bất thường. Sau sinh, bệnh nhi có dấu hiệu tím chân tay, tím môi, mệt nhiều, bú kém, phải thở oxy, sau đó được chuyển đến bệnh viện. Hiện tại, sau gần 1 tháng điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, kết quả siêu âm tim sau mổ cho thấy tim của bệnh nhi hoạt động giống như người bình thường, toàn trạng ổn định và có thể xuất viện về nhà.
Theo Zing.vn, Pháp vừa phát hiện trẻ đầu tiên mắc đậu mùa khỉ, cũng là ca bệnh đầu tiên của thế giới là trẻ em. Ngay khi phát hiện ca mắc, giới chức y tế Pháp đã truy vết để tìm kiếm nguồn lây, ca tiếp xúc gần gũi. Hiện tại, một trường hợp nghi mắc được xác định, là anh em trong gia đình em bé này. Cơ quan chức năng cũng đã gửi thông báo đến phụ huynh nơi trẻ nhiễm bệnh theo học. Giới chức y tế đề nghị cha mẹ theo dõi các triệu chứng bất thường ở trẻ, nếu phát hiện dấu hiệu sốt, phát ban cần báo ngay cho cơ quan y tế. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, tính đến ngày 23/6, quốc gia này đã ghi nhận 330 ca mắc đậu mùa khỉ, tất cả đều là nam giới./
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/su-nguy-hiem-cua-bien-the-phu-ba5-vua-xuat-hien-tai-viet-nam-d80969.html