Đại dịch Covid đã và đang đe dọa toàn cầu: Hàng trăm triệu ca nhiễm và hàng triệu người tử vong. Trong tình cảnh đó, vắc-xin được xem là giải pháp tối ưu để cứu sống nhân loại và hạn chế đến mức tối đa số ca tử vong. Có nhiều loại vắc-xin hiện nay được phép lưu hành trên thế giới như Oxford/AstraZeneca của Anh, Sinopharm của Trung Quốc hay Sputnik V của Nga, và chúng ta không thể không kể đến vắc-xin BioNTech/Pfizer. Đằng sau sự thành công của loại vắc-xin này là cả hành trình gian nan mà nhân vật chính là hai nhà khoa học, đồng thời là hai vợ chồng: Tiến sĩ TS Özlem Türeci và TS Uğur Şahin, được tác giả Joe Miller khắc họa trong cuốn “Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch Covid-19 từ cái nhìn trong cuộc”.
TS Özlem Türeci và TS Uğur Şahin là hai vợ chồng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào nước Đức, đã cùng nhau sáng lập nên công ty công nghệ sinh học hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu là giải pháp chữa trị ung thư mang tên BioNTech. Dù đã gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên, công ty đó vẫn gần như hoàn toàn là vô danh trên thế giới và thậm chí còn mắc nợ lên đến 400 triệu đô la. Câu chuyện bắt đầu khi Uğur mở trình duyệt Web lên và thấy báo cáo từ siêu đô thị Vũ Hán, Trung Quốc xuất hiện 50 ca được ghi nhận là mắc chứng bệnh hô hấp hoàn toàn mới. Không phải là một chuyên gia trong bệnh truyền nhiễm, ông đang rất băn khoăn và tò mò xem đây có phải là biến thể của dịch MERS – Hội chứng Hô hấp Trung Đông và SARS hay không và thiệt hại đến khi đó là đến mức nào rồi. Sau khi tìm hiểu, ông đã viết ngay mail cho Helmut Jeggle, chủ tịch BioNTech và hai người đã bàn bạc rất nhiều: “Đây là một loại virus lây từ người sang người”, “Nó cực kỳ khó lường!”. Ông nghĩ ngay đến phương án sẽ tạo ra vắc-xin, tuy nhiên, công ty chỉ còn 600 triệu Euro tiền vốn và đây không phải là một con số lớn, khả thi để bắt tay vào một dự án y học nhằm hạn chế sự lây lan thành đại dịch toàn cầu. Không như những ông lớn dược phẩm, Uğur và Özlem có một con át chủ bài. Nhưng đó lại là phân tử cực nhỏ và chẳng được quan tâm là bao: RNA. Vào đầu những năm 1960, họ đã khám phá ra có một phiên bản của phân tử này tồn tại trong tế bào của mọi con người và động vật, đó là mRNA hay RNA thông tin (messenger RNA). Phân tử này được biết đến là không ổn định trong phòng thí nghiệm, sẽ bị phân rã ngay khi có tác động của enzyme. Ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Đức được xác nhận, và ngay lúc đó, quyết tâm của hai vợ chồng tiến sỹ này đã thổi bùng lên, và họ quyết định thành lập dự án Lightspeed với mong muốn tìm ra phương án vắc-xin để chống lại đại dịch này.
Công ty đã liên lạc được với Pfizer và Uğur là người trực tiếp đứng ra thuyết trình nhằm kêu gọi vốn đầu tư, tuy nhiên, sau vài giờ nghe vị tiến sĩ này thuyết trình, Pfizer đã từ chối vì ngay lúc đó công nghệ này chưa thực sự phổ biến và những gì và ông đã cố trình bày chưa thuyết phục được hãng dược phẩm lớn này. Tuy nhiên, quyết tâm đã của hai vị tiến sĩ đáng kính này là quá lớn và hai người đã quyết định cùng đội ngũ BioNTech trực tiếp bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin. May mắn thay, họ phát hiện cách thành phố Mainz hơn 6.400 km, có một người đàn ông mang tên Barney Graham, đã tạo ra được kháng nguyên lưu giữ được hình dạng trước khi “hợp nhất” với tế bào, đặc biệt là đối với virus MERS, được xác định là có tiềm năng tìm ra định dạng vắc-xin chống SARS-CoV-2 thành công. Uğur đã gửi email tự giới thiệu bản thân đến Graham và kêu gọi thiện chí từ vị giáo sư này. BioNTech đã tích lũy được một lượng kiến thức đáng kể. Họ đã phát triển ra bốn phiên bản mRNA tổng hợp: Loại đầu tiên là mRNA urudine (uRNA), với khả năng kích thích phản ứng tế bào T mạnh mẽ nhờ phát tín hiệu báo động; Dạng thứ hai là mRNA biến đổi (modified mRNA – modRNA) dễ dung nạp, gây ít tác dụng phụ; 2 loại cuối cùng là mRNA tự khuếch đại (self-amplifying mRNA – saRNA) và RNA khuếch đại chuyển tiếp (trans-amplifying mRNA – taRNA), có khả năng tự sao chép, làm tăng đáng kể và kéo dài khả năng sinh kháng nguyên vắc-xin, chẳng hạn như protein gai của coronavirus, trên dây chuyền sản xuất của tế bào. Và từ đó, cùng với sự phối hợp giữa nhiều thành viên và hợp tác với một số ít công ty lớn trên toàn cầu để giải quyết các vấn đề như lipid, thậm chí còn thuyết phục lại Pfizer, họ đã thành công.
Kết quả của quá trình gian khổ này khiến họ rất tự hào: Vượt xa ngưỡng 50% mà FDA dùng để đánh giá việc tiêm phòng coronavirus thành công. EU và Hoa Kỳ đã đặt mua với số lượng lên đến cả trăm triệu liều. Ngoài ra, BioNTech và Pfizer đã công bố bảng phân tích cho thấy hiệu quả tiêm 2 mũi vắc-xin lên đến 95%, vượt mức 94% với đối tượng người từ 65 tuổi trở lên – đối tượng người dễ tổn thương. Câu chuyện của họ đã có kết thúc đẹp!
Dù không thể nói hết những gì trong cuốn sách vì hành trình của họ là quá dài và bản chất khoa học là không đơn giản, nhưng câu chuyện của Uğur và Özlem đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ còn chữa trị được những căn bệnh nan y hiện tại như HIV/AIDS, ung thư, … và những đại dịch toàn cầu có khả năng xảy ra trong tương lai, một cách nhanh nhất để cứu lấy cư dân hành tinh này.
Độc giả Vũ Đình Anh Khoa – 24/05/2022