Có lẽ đối với những người quan tâm về lĩnh vực sức khỏe nói chung, ai cũng từng nghe qua bộ sách Nhân tố enzyme, từng làm mưa làm gió trên các diễn đàn về sức khỏe của Bác sĩ người Nhật Hiromi Shinya. Mình đã tìm đọc 4 quyển của bộ sách này cách đây gần 3 năm. Ấn tượng đầu đối với mình, tác giả là người có học hàm học vị cao và là người tiên phong trong phương pháp nội soi. Vậy nên khi bắt đầu đọc cuốn Lý thuyết của bộ Nhân tố enzyme, mình rất hào hứng. Giai đoạn đó mình chưa có kiến thức căn bản về hóa sinh, nên đối với một cuốn sách như vậy, theo mình thì độ tin cậy khá cao. Tuy nhiên trong quá trình đọc, mình vẫn bị lấn cấn một vài chỗ, những điều bác sĩ Shinya khẳng định như: tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa gây loãng xương, trẻ em chết vì uống sữa bò, uống trà gây ung thư dạ dày… và còn rất nhiều kiến thức từ sách khiến mình không khỏi băn khoăn. Liệu điều đó có đúng? Mình đã lên mạng search rất nhiều bài review đánh giá hoặc tìm kiếm trên các diễn đàn xem liệu có ai, có bài viết nào phủ định quan điểm của bác sĩ Shinya hay không. Nhưng hầu như không có ai lên tiếng chính thức và phản biện một cách đầy đủ với lập luận rõ ràng, hầu hết mọi người chỉ xem đây là cuốn sách lập luận sai với những bằng chứng không xác đáng dựa trên nghiên cứu của bác sĩ Shinya với 300.000 bệnh nhân của ông nhưng không có một báo cáo cụ thể.
May mắn thay, mình tìm được thông tin Medinsights vừa phát hành cuốn sách Một nửa sự thật – Nhận định về “Nhân tố enzyme” của BS Hiromi Shinya. Đây là cuốn sách được viết bởi tác giả Vũ Thế Thành cùng với các cộng sự là TS BS Trần Phạm Chí và TS BS Phạm Nguyên Quý, là các chuyên gia về ung thư và nội tiêu hóa. Mình thật sự hào hứng khi cầm quyển sách trên tay vì rất tò mò những quan điểm của BS Shinya sẽ được “mổ xẻ” như thế nào.
Theo như những chia sẻ của các tác giả, cuốn sách được đặt tên là Một nửa sự thật vì những quan điểm được nhận định không hoàn toàn sai, nhưng BS Shinya đã khéo léo biến những điều đúng thành những điều sai lệch sự thật, khiến người đọc khi mới đọc qua lại thấy những luận điểm đó hợp lý. Từ đó, BS Shinya phóng đại và đi đến những kết luận sai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh khi người đọc “tin sái cổ” vào những điều này. Cuốn sách này thậm chí còn không có phần tài liệu tham khảo. Ai đã từng đọc những cuốn sách về sức khỏe và dinh dưỡng viết bởi các tác giả nước ngoài cũng sẽ đều nhận thấy rằng phần tài liệu tham khảo có thể lên tới 50-60 trang, được dẫn nguồn từ những bài báo, tài liệu khoa học chính thống và đáng tin cậy, như Deep Nutrition hay The China Study.
Từ chương đầu là “Hiểu về enzyme như thế nào?”, mình khá ấn tượng vì trước khi làm nhiệm vụ phản biện, cuốn sách đưa đến cho người đọc cái nhìn từ bao quát đến chi tiết một cách khéo léo để hiểu rõ, đủ và đúng khái niệm về enzyme, enzyme có tác dụng như thế nào, cách thức hoạt động của từng loại enzyme trong cơ thể và từ đó nói về thuyết enzyme diệu kỳ của BS Shinya. Cuốn sách không phủ định thuyết enzyme diệu kỳ vì theo tác giả, trong khoa học, việc quan sát một hiện tượng nào đó rồi đưa ra giả thuyết là điều bình thường. Giả thuyết này dựa trên số liệu lâm sàng thu thập từ việc quan sát hệ tiêu hóa của 300.000 người. Tuy nhiên như tác giả Vũ Thế Thành nói: “số liệu được thiết lập thế nào, chọn mẫu ra sao, nam nữ, già trẻ, lớn bé, bệnh khác đi kèm… đã không được nêu ra trong sách, dù chỉ là một bảng thống kê ngắn gọn. Vậy mà ông đã đi kết luận, đó là “minh chứng tuyệt vời cho giả thuyết””. Do đó, cuốn sách bao gồm các kiến thức căn bản và nâng cao đủ để người đọc tự có một kết luận cho bản thân, rằng thuyết enzyme diệu kỳ liệu có thật sự chính xác hay không.
Ở các chương tiếp theo, tác giả Vũ Thế Thành cũng nêu ra những quan điểm sai lệch của BS Shinya và làm rõ cho người đọc những kiến thức cơ bản về vấn đề đó để chứng minh quan điểm BS Shinya trong bộ sách Nhân tố enzyme là sai sự thật. Một chương bản thân mình thấy khá tâm đắc, đó là chương về sữa bò. Tác giả Vũ Thế Thành đồng ý với bác sĩ Shinya về việc uống sữa bò không phòng chống được loãng xương như quảng cáo bao đời nay vẫn đồn thổi. Nhưng phản biện rằng BS Shinya dùng sự thật đó để nói điều sai lệch sự thật, rằng sữa bò là nguyên nhân gây ra loãng xương. Cá nhân mình thấy tác giả Vũ Thế Thành có những lập luận rất chặt chẽ, dựa vào kiến thức khoa học, chứ không mơ hồ và kỳ ảo như những gì bác sĩ Shinya trình bày. Ngoài ra, tác giả Vũ Thế Thành đã chỉ ra được những sai sót căn bản về mặt kiến thức hóa sinh bác sĩ Shinya nêu ra trong cuốn Nhân tố enzyme, mà chỉ cần tìm hiểu là có thể biết được. Đây là một điểm đáng thất vọng về tác giả Shinya mà sau khi đọc cuốn sách Một nửa sự thật, mình mới nhận thấy được.
Tuy BS Shinya là một bác sĩ giỏi, nhưng có một vài điều cần phải nhận định lại. Thực phẩm có mặt lợi, có mặt hại, có thể gây hại cho sức khỏe, có thể tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên việc thực phẩm trị ung thư, chế độ ăn giúp con người không bao giờ bị bệnh, sống thọ như BS Shinya nói lại là một vấn đề không hề đơn giản, vì vốn dĩ có những loại thực phẩm chỉ có thể trị những chứng bệnh thông thường, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Còn việc trị bệnh như ung thư, dạ dày… như BS Shinya nói là thiếu cơ sở. Thậm chí việc BS Shinya cho rằng một số loại thực phẩm thông thường gây ung thư cũng vậy. Kiến thức y học không thể bao gồm kiến thức dinh dưỡng chuyên sâu. Một BS giỏi không hẳn là một chuyên gia dinh dưỡng giỏi.
Tóm lại, nếu bạn có điều kiện, Nhân tố enzyme vẫn sẽ là một cuốn sách đáng đọc. Vì các phương pháp như ăn chậm nhai kỹ, hạn chế sản phẩm từ động vật và ăn các loại hạt, ngũ cốc mà BS Shinya đưa ra vẫn đúng và có lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên vì đây là một cuốn sách khá nhiều sạn và lỗi, nên việc đọc và chắt lọc kiến thức đúng sẽ rất khó đối với những người ít tìm hiểu về khoa học dinh dưỡng, kể cả những người đã đọc nhiều. Nên bên cạnh đó, việc tìm đọc cuốn sách Một nửa sự thật để có cái nhìn đa chiều và đúng hơn về cuốn Nhân tố enzyme là rất cần thiết.
Độc giả Cát Phượng – 13/03/2022