Ung thư là một căn bệnh gây ám ảnh cho toàn thế giới. Y học hiện đại đang áp dụng ba phương pháp để điều trị ung thư đó là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên, theo như ước tính thì ba phương pháp này chỉ có thể chữa khỏi cho một nửa số bệnh nhân. Và một nửa số bệnh nhân còn lại thì chịu đựng sự đau đớn và không qua khỏi. Ngài William Osler đã nói “Bác sĩ giỏi chữa bệnh, bác sĩ vĩ đại chữa bệnh nhân”, đã đến lúc chúng ta nên quay lại nghiên cứu trong chính cơ thể con người, vì bản thân mỗi người đã có một lớp phòng hộ tự nhiên – hệ miễn dịch.
Trong cơ thể con người có hệ thống các tế bào bạch cầu. chúng có nhiệm vụ phát hiện ra kháng nguyên (những dị vật xâm nhập – không thuộc cơ thể hoặc những tế bào đã bị nhiễm bệnh), tạo ra kháng thể, tiêu diệt và đào thải dị vật. Sau đó chúng tạo ra kháng thể mới để sẵn để có thể tiêu diệt kháng nguyên đó vào lần sau, tạo nên sự miễn dịch với một loại kháng nguyên. Có nhiều loại tế bào bạch cầu: bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu lympho để đáp ứng cho từng kháng nguyên khác nhau. Ví dụ như tế bào bạch cầu hạt có khả năng đáp ứng kích thích nhiệt học, tế bào lympho B tạo ra kháng thể, tế bào lympho T tiêu diệt các loại tế bào bị thay đổi cấu trúc protein bởi virus. Trong khi đó, ung thư là một tế bào bị đột biến, chúng có khả năng lan rộng khắp nơi trong cơ thể mà không có một biểu hiện nào nên hệ miễn dịch không nhận ra nó là tế bào lạ và không tấn công nó cho đến khi nó phát triển mất kiểm soát, và khi chúng ta khó chịu vì những khối u chèn ép các cơ quan tối cần thiết thì đa phần đã trễ cho việc điều trị.
Điều này đã khiến cho y học gặp khó khăn trong việc giúp hệ miễn dịch tìm ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, là thiểu số mà con người ta vẫn hay gọi là kỳ tích hay phép màu, đã chữa khỏi ung thư nhờ chính hệ miễn dịch của bản thân mình. Điều đó thôi thúc các nhà khoa học tìm ra cách để hệ miễn dịch vận hành việc tiêu diệt ung thư của nó.
Từ thế kỷ XIX, tiền thân của liệu pháp miễn dịch hiện đại đã được tìm thấy, đó là “độc chất Coley”. Tuy nhiên ở thời điểm đó, khoa học và thông tin chưa phát triển nên phương pháp này không được lý giải một cách thuyết phục, cũng đã làm ảnh hưởng đến nhiều bệnh nhân, và kết quả là đã bị bác bỏ và được liệt vào hồ sơ với ghi chú “phương pháp lang băm”. Trải qua thời gian cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã dẫn dắt các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch này.
Năm 2018, giải Nobel Y Sinh được trao cho hai nhà khoa học, James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) vì những khám phá trong điều trị ung thư bằng cách ức chế miễn dịch điều hòa âm tính. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống ung thư, mang lại hi vọng sống cho nhiều bệnh nhân.
Tế bào lympho T có những thụ thể làm tăng hoạt động để có thể chống lại các kháng nguyên và cũng có những thụ thể cản trở hoạt động của tế bào này để nó không tấn công các tế bào bình thường. Hai trong số các thụ thể ức chế hoạt động này là CTLA-4 VÀ PD-1.
James Allison tìm ra kháng thể gắn vào thụ thể CTLA-4, trong khi đó Tasuku Honjo cũng tìm ra protein để ức chế thụ thể PD-1. Hai phát hiện này đều làm tăng hoạt động của tế bào T và tế bào này nhanh chóng tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đem tới đáp ứng khác nhau cho từng loại ung thư và chưa thể áp dụng cho tất cả các loại ung thư.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu theo hướng này và việc kết hợp điều trị của CTLA-4 và PD-1 mang lại hiệu quả khá khả quan. Tuy nhiên, mỗi người có cơ địa khác nhau, đáp ứng của hệ miễn dịch cũng đem lại hiệu quả khác nhau cho từng cá nhân và từng loại bệnh nên liệu pháp miễn dịch hiện tại vẫn đang phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Y học và những nghiên cứu của nó luôn luôn đi sau những căn bệnh. Quyển “Liệu pháp miễn dịch – Bước đột phá trong chữa trị ung thư” của bác sĩ, nhà báo Charles Graeber đưa chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử tìm ra liệu pháp miễn dịch, cơ chế của những phương pháp miễn dịch đang được ứng dụng hiện nay cũng như tương lai của liệu pháp này trong phòng chống ung thư. Nhưng quyển sách này không chỉ là báo cáo khoa học khô khan mà còn xen lẫn những câu chuyện kể có thực về những con người đã miệt mài nghiên cứu, về những thất bại và mất mát để có những bước tiến như hôm nay; về những bệnh nhân ung thư tưởng chừng đã đầu hàng số phận, đã may mắn vượt qua căn bệnh của mình nhờ liệu pháp miễn dịch; để tất cả mọi người đều có thể đọc, tìm hiểu và tin tưởng vào y học, khoa học trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe của con người.
Độc giả Phượng Mi – 21/04/2022