Các nhà khoa học chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày là gì, tuy nhiên nó có thể liên quan đến việc hút thuốc, béo phì, ăn thức ăn hun khói, đồ chua hoặc đồ mặn, uống rượu, phẫu thuật dạ dày cho các vết loét, làm việc trong một số ngành công nghiệp nhất định, có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày…
Các triệu chứng ung thư dạ dày có thể khó phát hiện
Đôi khi, đau bụng là điều hoàn toàn bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng như tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cũng có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn, ví dụ như sỏi mật, ruột thừa hoặc sỏi thận. Nếu cảm thấy đau dạ dày hoặc đau bụng, đặc biệt là những cơn đau dữ dội, cũng có thể là dấu hiệu bị ung thư.
Trong một số trường hợp, đau và khó chịu ở bụng là dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày. Nhưng nói chung, các dấu hiệu của ung thư dạ dày rất mơ hồ khiến chúng ta thường bỏ qua, mãi đến các giai đoạn sau mới được chẩn đoán.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày
Một dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày là đầy hơi. Chất lỏng có thể tích tụ trong bụng, khiến bụng có cảm giác căng tức hoặc sưng tấy. Điều này cũng có thể làm cho bạn cảm thấy no, ngay cả khi bạn chỉ ăn một ít thức ăn.
Sự phát triển của khối ung thư có thể làm tắc dạ dày, khiến thức ăn trào ngược lên thực quản, dẫn đến chứng ợ nóng. Sự tắc nghẽn này cũng có thể dẫn đến buồn nôn và nôn vì thức ăn không thể dễ dàng đi qua đường tiêu hóa.
Người bị ung thư dạ dày cũng có thể bị nôn mửa hoặc đi cầu ra máu. Điều này có thể xuất hiện dưới dạng phân rất sẫm màu. Người bệnh có thể bị thiếu máu và cùng với việc sút cân khiến họ cảm thấy rất mệt mỏi.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết thêm, một số người bị ung thư dạ dày có thể bị vàng da và mắt. Người bị ung thư dạ dày có cảm giác chung là có gì đó không ổn, khó chịu, nặng nề hoặc đầy hơi, nhưng không rõ tại sao.
Khi nào nên gặp bác sỹ?
Điều quan trọng là phải đi khám sức khỏe khi có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo sớm nào. Mặc dù các triệu chứng này nhiều khả năng là do các bệnh lý khác gây ra, nhưng không thể loại trừ ung thư nếu không chưa có sự kiểm tra cụ thể. Đặc biệt, nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm hoặc ngày càng trở nên tồi tệ hơn dù đã thử các phương pháp, bạn cần đến gặp bác sỹ để được xét nghiệm, thậm chí là sinh thiết.
Ngăn ngừa ung thư dạ dày trước khi nó bắt đầu
Để ý các vết loét: Một loại vi khuẩn có tên H. pylori có thể lây nhiễm vào dạ dày, gây loét và có thể dẫn tới ung thư, vì vậy điều quan trọng là phải được chẩn đoán sớm và điều trị vết loét.
- Ăn nhiều rau và trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư dạ dày.
- Nên chọn cá, thịt gia cầm hoặc đậu làm nguồn cung cấp protein hơn là các loại thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến.
- Tránh những thực phẩm chứa nhiều muối và chất bảo quản vì chúng có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày.
- Bỏ thuốc lá: Mặc dù hút thuốc thường được cho là có liên quan đến ung thư phổi nhưng nó cũng khiến bạn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
- Hãy đảm bảo tập thể dục thường xuyên, không chỉ giảm nguy cơ mắc ung thư mà còn hỗ trợ nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/dau-hieu-canh-bao-ung-thu-da-day-va-cach-ngan-ngua-d81133.html