Hậu quả mà căn bệnh đột quỵ gây ra vô cùng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong, hoặc gây ra nhiều di chứng trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó chủ động phòng ngừa đột quỵ từ khi còn sớm sẽ giúp bạn thoát khỏi những rủi ro này.
Các cách dự phòng đột quỵ
Để ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như: Người bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch vành, rung nhĩ, mỡ máu… bạn hãy áp dụng những phương pháp sau đây:
Kiểm soát các yếu tố bệnh nền
- Đối với người bệnh cao huyết áp: Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn theo đơn của bác sỹ. Tuyệt đối không được dừng thuốc hoặc đổi thuốc khi chưa có chỉ định từ phía bác sỹ. Đo huyết áp thường xuyên để đảm bảo huyết áp luôn được theo dõi. Với người huyết áp cao thì chỉ số an toàn nên duy trì ở mức 135/85 mmHg
- Đối với người mắc bệnh tim mạch như mạch vành, rung nhĩ: Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị chuyên biệt, bạn nên quan tâm đến cả lối sống, chế độ tập luyện hàng ngày, giúp giảm biến chứng đột quỵ não.
- Đối với người mỡ máu cao: Kiểm soát mỡ máu bằng duy trì chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, tích cực tập thể dục.
Duy trì cân nặng cơ thể hợp lý
Thống kê cho thấy những người thừa cân béo phì có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Do đó, bạn nên kiểm soát chỉ số khối của cơ thể (BMI) không nên vượt quá 25 – ngưỡng thừa cân, béo phì.
Tập thể dục đều đặn
Hàng ngày bạn nên dành ít nhất 30 phút để tập luyện những bộ môn thể thao mà bạn yêu thích sẽ giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy, duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày trong một năm có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ. Việc vận động thường xuyên sẽ giúp máu được lưu thông đều, hạn chế nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não gây đột quỵ, Một số bộ môn mà bạn có thể tập luyện hàng ngày đó là: Đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe…
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Bạn nên ưu tiên những thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau xanh, trái cây tươi, nên dùng cá, thịt trắng thay vì thịt đỏ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các thực phẩm làm tăng nguy cơ đột quỵ như: chất béo động vật, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, bánh kẹo chứa nhiều đường, bơ, nội tạng động vật… Nếu tiêu thụ quá nhiều những loại thực phẩm này sẽ gây tích tụ cholesterol, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Tránh căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái
Căng thẳng, stress, làm việc quá sức là những yếu tố gây đột quỵ thường gặp ở người trẻ. Do đó, bạn cần cân bằng, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, từ đó có được cách điều trị hợp lý.
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/loi-khuyen-giup-ban-chu-dong-phong-ngua-dot-quy-hieu-qua-d81110.html